Xiaoxing (25 tuổi) từng theo học trường đại học thuộc "Dự án 985" - đề án xây dựng các trường đại học trọng điểm của Trung Quốc và mang tầm cỡ quốc tế. Sau tốt nghiệp, anh cùng bạn bè thuê một căn phòng ở Tây An. Không có công việc chính thức, anh thường xuyên ở lì trong phòng, xem phim truyền hình và chơi điện tử.
Nhu cầu vật chất của Xiaoxing không cao, tiền thuê trọ mỗi tháng vài trăm nhân dân tệ, anh cũng không mua quần áo mới và hiếm khi chịu ra ngoài đi chợ nấu ăn. Tổng số tiền chi tiêu của anh chàng 25 tuổi vào năm ngoái chưa đến 20.000 nhân dân tệ.
Khi hết tiền, anh xin một công việc tạm thời, bỏ việc sau 2 tháng và quay lại với cuộc sống của một "ẩn sĩ đô thị".
Nhiều thanh niên Trung Quốc có học vấn cao những không tìm được mục tiêu sau tốt nghiệp, họ lựa chọn thành những "ẩn sĩ". Ảnh: The Paper. |
"Miễn là tôi không tiêu tiền, không ai có thể ép tôi đi làm", Xiaoxing nói với phóng viên của Banyuetan.
Xiaoxing kể khi mới tốt nghiệp cũng muốn được làm trong một công ty công nghệ nổi tiếng và tiết kiệm tiền mua nhà. Nhưng anh đã thay đổi suy nghĩ vì quá thất vọng khi đi tìm việc. Anh cho rằng nếu không tìm được công việc lý tưởng thì thà ngồi im, và tâm lý của anh chuyển từ mong muốn nỗ lực sang xu hướng ẩn mình.
Từ bỏ vì công việc nhàm chán
Không giống Xiaoxing, sau khi tốt nghiệp một trường thuộc "Dự án 985" vào năm 2018, Xiaopeng (24 tuổi) thành công khi tìm được một công ty chuyên nghiệp ở Thâm Quyến với mức lương khá ổn. Thế nhưng sau khi làm được một năm, anh quyết định nghỉ việc, và đã ở nhà suốt một năm qua.
"Công việc của tôi suốt ngày phải tăng ca, tôi thấy nhàm chán vì phải làm những công việc lặp đi lặp lại, không nhìn thấy triển vọng tương lai. Tôi nghỉ vì muốn tự do hơn và tận hưởng cuộc sống", Xiaopeng nói.
Sau khi trở thành một "ẩn sĩ", Xiaopeng dựa vào tiền tiết kiệm để sống qua ngày. Giữ chi phí sinh hoạt ở mức rất thấp, anh chìm đắm vào thế giới mạng mỗi ngày. "Tôi chưa muốn tìm việc làm, vì không thấy có công việc nào lý tưởng".
Thất vọng trước thực tế, phải làm những công việc lặp đi lặp lại, nhiều người trẻ bỏ việc để được tự do. Ảnh: Wokan8. |
Xiaoxing và Xiaopeng là những đại diện cho "thế hệ ẩn sĩ" ở đô thị Trung Quốc - những người trẻ có học thức cao, điều kiện gia đình tốt nhưng từ bỏ việc phấn đấu cho tương lai và tự biến mình thành "kẻ vô hình" trong xã hội.
Những "ẩn sĩ" được chia làm hai kiểu, một bên là những người không tìm được hướng đi sau khi tốt nghiệp, bên còn lại là những người không chịu được áp lực công việc và chọn theo đuổi sự tự do. Tuy nhiên họ đều có điểm chung là muốn trốn tránh thực tại.
Những người trẻ lạc lối
Theo The Paper, các chuyên gia cho rằng những đặc điểm như trốn tránh bản thân, thiếu mục tiêu, không biết giá trị và ý nghĩa cuộc sống dường như là điều khó hiểu khi nhìn vào các thanh niên có trình độ học vấn cao và gia đình tốt này.
Song thực tế, có mối liên hệ đặc biệt giữa môi trường học tập áp lực cao ngay khi còn nhỏ với sự máy móc khi ra đời đi làm khiến họ lựa chọn buông bỏ vì không tìm thấy mục tiêu lý tưởng.
Shi Yanrong, một nhà nghiên cứu liên kết tại Viện nghiên cứu Nhật Bản (thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thiên Tân), cho biết chính kỳ vọng lớn của cha mẹ trở thành áp lực cho con. Vị chuyên gia nói nhiều gia đình trung lưu đòi hỏi con cái đạt thành tích cao trong các cuộc thi, điều đó kéo dài khiến người trẻ bị áp lực tâm lý, kiệt sức.
"Từ nhỏ bị cha mẹ quản lý chặt chẽ và thiếu động lực nội sinh, khi bước vào xã hội, người trẻ dễ bị choáng ngợp và không tìm thấy ý nghĩa của công việc. Họ phải chúi đầu vào sách vở và không giỏi giao tiếp với mọi người. Nhiều bạn trẻ mới bước vào xã hội sẽ cảm thấy hụt hẫng, áp lực tích tụ lâu ngày và tìm cách giải tỏa, có người chỉ đơn giản chọn cách ẩn mình đi".
Nhiều người coi việc học ở một trường đại học trọng điểm là bước cuối của những khó khăn cần vượt qua, tin rằng sẽ có công việc như mơ khi bước khỏi cổng trường. Những người này "vỡ mộng" khi nhìn thấy thực tế đời sống, có xu hướng thất vọng và trốn tránh.
Theo The Paper, ngay cả khi sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm thì sự cạnh tranh khốc liệt trong xã hội và văn hóa lao động đã trở thành rào cản khó khăn trước mắt họ. Người trẻ thích không khí làm việc đổi mới và tràn đầy năng lượng, nhưng thực tế thường là những công việc lặp đi lặp lại khiến họ khó tìm được giá trị bản thân.
Một số người trẻ cho rằng việc làm một "ẩn sĩ" không phải do lười biếng mà đó là bước đệm, khoảng lặng để họ nhìn nhận lại bản thân, suy nghĩ về giá trị cuộc sống hơn là cứ trôi theo dòng chảy của xã hội.
Shi Yanrong cho rằng các trường nên coi trọng giáo dục thực tế, trau dồi khái niệm lao động và nhận thức nghề nghiệp cho sinh viên, nâng cao kinh nghiệm làm việc, đồng thời cho phép người trẻ tích lũy kinh nghiệm xã hội trước. Anh cũng tin xã hội nên phá bỏ “lý thuyết chỉ có giáo dục” và đem đến cho giới trẻ nhiều sự lựa chọn hơn.