Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế hệ bố mẹ không muốn ép con thành thần đồng, tỷ phú

Theo nghiên cứu gần đây, 81% bậc phụ huynh thuộc thế hệ Millennial hay Gen Y (sinh từ năm 1981-1996) mong muốn con cái được hạnh phúc hơn là thành công.

Khác với thế hệ trước, cha mẹ Gen Y ít đặt áp lực phải thành công lên con cái. Ảnh minh họa: @sarahstage.

Vận động viên, phi hành gia hoặc người sáng lập công ty AI thậm chí chưa ra đời,... cha mẹ có thể ấp ủ nhiều ước mơ khác nhau về tương lai nghề nghiệp của con cái.

Tuy nhiên, trên thực tế, thay vì mong con trở thành tỷ phú Jeff Bezos hay “nữ hoàng truyền hình” Oprah Winfrey tiếp theo, nhiều phụ huynh ngày nay lại nghĩ rằng hạnh phúc quan trọng hơn, theo Fortune.

Khi Gen Y bước vào vai trò làm cha mẹ, Beano Brain, công ty tư vấn chuyên sâu từ Beano Studios có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), đã ghi lại sự thay đổi của thế hệ này khi nói đến việc nuôi dạy con cái.

Trong nghiên cứu kéo dài một năm dựa trên hơn 200 giờ phỏng vấn trực tiếp và khảo sát 2.000 phụ huynh, các nhà nghiên cứu phát hiện 81% cha mẹ thuộc thế hệ Millennial nghĩ rằng điều quan trọng nhất là con cái họ được hạnh phúc, không phải thành công.

Các ông bố, bà mẹ 27-40 tuổi đang hy sinh sự nghiệp của mình để nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc.

Không ép buộc

Nghiên cứu cho biết Gen Y hầu hết trải qua quá trình lớn lên theo kiểu “nuôi dạy con cái trực thăng”. Về cơ bản, phụ huynh luôn kè kè bên cạnh và cố gắng kiểm soát cuộc sống của con cái

Vì vậy, bây giờ với tư cách là cha mẹ, thế hệ Millennial đang cố từ chối những kỳ vọng cổ điển về nấc thang sự nghiệp thường đè nặng lên con cái.

Thay vào đó, họ ưu tiên cảm nhận của con mình, bao gồm đẩy lùi các quan điểm truyền thống về giáo dục và tôn vinh cá tính.

Theo nghiên cứu, 87% cha mẹ Gen Y khuyến khích con cái bảo vệ những gì chúng tin tưởng; 83% nuôi dưỡng cá tính của con; 57% đồng ý rằng trường học không chuẩn bị cho con cái họ trở thành công dân của tương lai.

Nuoi day con cai anh 1

Nhiều ông bố, bà mẹ ở độ tuổi 27-40 tuổi sẵn sàng hy sinh sự nghiệp để tập trung nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Ảnh: Pexels.

Báo cáo cũng cho biết thêm rằng việc tập trung vào hạnh phúc - vốn được đánh giá cao hơn việc có được nền giáo dục tốt - tăng lên hàng đầu sau đại dịch ở cả Anh và Mỹ

Những công việc trước đây bị đánh giá thấp như nhân viên siêu thị và công nhân xử lý rác thải được nhiều người biết đến và tôn trọng, buộc thế giới phải công nhận sự đóng góp vô giá của họ cho xã hội, đồng thời đánh giá lại quan điểm về giáo dục, nghề nghiệp cũng như tầm quan trọng của hạnh phúc, sức khỏe.

Điều đó giúp giải thích lý do ngày càng có nhiều phụ huynh đặt ít áp lực lên con cái họ để lấy bằng cử nhân. Chỉ có 12% phụ huynh thế hệ Millennial nói rằng họ mong muốn con cái được học đại học. Để so sánh, 38% dân số 18 tuổi của Vương quốc Anh đang học đại học.

Do đó, báo cáo dự đoán rằng khi trẻ em Gen A (chào đời sau năm 2010) lớn lên, chúng sẽ tìm được công việc cho phép bản thân khám phá đam mê của mình như là nguồn thu nhập chính hoặc kết hợp vai trò kiếm tiền truyền thống với đam mê.

“Việc tìm kiếm và duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa công việc - cuộc sống sẽ không chỉ được người lớn Gen A mong muốn mà còn được săn đón, thậm chí có thể được mong đợi”, báo cáo cho biết thêm.

Hy sinh sự nghiệp

Đối với 87% cha mẹ thuộc thế hệ Millennial được khảo sát, việc nuôi dạy con cái là công việc quan trọng nhất của họ. Họ đang thực hiện vai trò này một cách nghiêm túc, đôi khi là bước chuyển lớn trong sự nghiệp tiếp theo.

Theo báo cáo, các bậc phụ huynh Gen Y đang nuôi dạy con cái một cách chuyên nghiệp hơn bất kỳ thế hệ nào trước đó. Họ lên kế hoạch cho sự nghiệp của mình xung quanh việc có con để tạo ra tổ ấm lý tưởng.

Hơn 1/3 chủ động lập kế hoạch và nghiên cứu thời điểm tốt nhất để có con, thường đợi cho đến khi ổn định về tài chính, đạt được các mục tiêu nghề nghiệp và kết hôn.

Trong khi đó, chỉ 1/4 cha mẹ Gen X (sinh năm 1965-1980) cân nhắc theo cách tương tự. Con số thống kê này tăng lên 40% ở Gen Z (sinh năm 1997-2010), cho thấy thế hệ trẻ đang lên kế hoạch làm cha mẹ để phù hợp với cuộc sống của họ hơn bao giờ hết.

Tâm lý này có lẽ giải thích lý do họ cảm thấy hạnh phúc hơn khi không quá chú tâm vào sự nghiệp bằng nuôi dạy con cái.

Cụ thể, 77% bậc cha mẹ Gen Y ưu tiên dành thời gian cho con cái hơn là công việc. Phụ huynh ở Mỹ thậm chí không cảm thấy họ có đủ thời gian dành cho gia đình.

Nuoi day con cai anh 2

Với bố mẹ Gen Y, hạnh phúc của con cái quan trọng hơn là thành công. Ảnh: Pexels.

Khi được hỏi có muốn dành nhiều thời gian hơn cho con cái hay không, 47% người Mỹ được hoàn toàn đồng ý, so với 39% người Anh.

Để tập trung nhiều hơn vào việc dành thời gian nuôi dạy con cái, các bà mẹ thuộc thế hệ Millennials (59%) có nhiều khả năng hơn các ông bố (49%) tạm dừng sự nghiệp hoặc ít chú ý hơn đến công việc.

Mặc dù những ông bố Gen Y muốn hiện diện bên cạnh con cái nhiều hơn các thế hệ trước, thực tế không phải vậy.

Theo báo cáo, một nửa ông bố thuộc thế hệ Millennial được khảo sát nói rằng họ ít chú ý đến công việc hơn, so với 37% ông bố thuộc Gen X. Tuy nhiên, họ không có nhiều khả năng thực sự ưu tiên thời gian dành cho con cái hơn là sự nghiệp so với những ông bố thuộc thế hệ X.

“Thay vào đó, thế hệ phụ nữ thành công, có học thức nhất đang chọn lùi lại một bước khỏi nấc thang sự nghiệp và thực hiện những điều chỉnh, hy sinh cần thiết để tập trung vào việc nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc bằng cách có mặt, sẵn sàng hỗ trợ bất cứ lúc nào”, báo cáo chỉ ra.

Tác hại của việc nói trẻ con: 'Mập mà ăn luôn miệng thế!'

“Đừng ăn nữa!”, “Có mặc vừa bộ quần áo này đâu!”, “Mập mà ăn luôn miệng thế!”. Những câu nói tưởng như bông đùa từ người lớn nhưng lại là vũ khí gây sát thương cho trẻ.

Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn

Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm