Khi con gái út Juliette lên đại học năm 2019, căn nhà ở North Carolina (Mỹ) chỉ còn lại hai vợ chồng David và Linda Ellis. Họ quyết định chuyển đến một căn hộ nhỏ hơn, gồm 3 phòng ngủ ở gần đó.
Nhưng sau một năm, căn hộ nhỏ này lại chào đón 2 người con trở về sống chung, khi Covid-19 ảnh hưởng đến công việc của Gregory, con trai thứ, và Juliette. Họ tới ở cùng cha mẹ vào tháng 3/2020, còn con cả Justin vẫn ở cách nhà không xa.
Nhiều thanh niên Mỹ chọn cách "boomerang" - chuyển về sống cùng cha mẹ - trong dịch Covid-19. Ảnh minh họa: iStock. |
"Thật vui khi vẫn được ở cùng các con, dù chúng đều đã trưởng thành", David chia sẻ.
Những người con nhà Ellis nằm trong số gần 3,5 triệu thanh niên xứ cờ hoa trở về sống cùng cha mẹ trong dịch, được gọi là xu hướng "boomerang", theo Guardian.
Một khảo sát khác hồi tháng 7/2020 cũng chỉ ra 52% người trẻ Mỹ từ 18 đến 29 tuổi đang sống với gia đình.
"Về tổ" trong dịch
Giống như Gregory và Juliette, một số người trẻ coi gia đình như chỗ dựa trong giai đoạn khó khăn. Họ cũng tận dụng cơ hội này để rời khỏi căn hộ nhỏ, đắt đỏ ở thành thị, tiết kiệm chi phí thuê nhà và sinh hoạt khi phải làm việc từ xa.
Shannon Slater (27 tuổi), giám đốc kinh doanh tại một công ty truyền thông, cũng quyết định tiết kiệm tiền nhà, tích cóp mua ôtô bằng cách chuyển về nơi cô lớn lên ở New York khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Ban đầu, cô cảm thấy khó thích nghi khi trở về căn phòng ngủ thời thơ ấu, sống chung cùng cha mẹ. Dần dần, cả 3 học cách thư giãn và làm nhiều hoạt động với nhau: thưởng cocktail vào buổi tối, xem RuPaul's Drag Race vào thứ 6 hàng tuần.
Nhiều người coi trải nghiệm trở về căn nhà thơ ấu như cơ hội để thu xếp dự định cá nhân, cải thiện quan hệ với gia đình. Ảnh: Tamara Beckwith/New York Post. |
Trải nghiệm này giúp mối quan hệ giữa cô và cha mẹ trở nên bình đẳng, gắn kết hơn. Vì thế, khi chuẩn bị chuyển tới Los Angeles vào cuối tháng này, cô có chút tiếc nuối.
"Tôi sẽ rất nhớ họ, nhớ những thứ chúng tôi làm cùng nhau", Slater thừa nhận.
Constance Falk (29 tuổi) từng trải qua một khoảng thời gian khó khăn, phải chuyển về sống cùng phụ huynh khi mất việc vì dịch bệnh. Cô thấy xấu hổ khi là người duy nhất trong nhóm bạn lâm vào cảnh này.
"Tôi thấy rất xấu hổ", Falk nói.
Khi chuyển về Chicago sống với cha mẹ, cô phụ giúp các công việc nhà: làm vườn, xây bếp nướng mới, sửa đường ống nước trong nhà. Những điều nhỏ ấy khiến cô trân trọng khoảng thời gian bên gia đình.
Đa số thanh niên chia sẻ rằng họ thay đổi cái nhìn về cha mẹ sau thời gian trở về nhà, sống cùng gia đình trong dịch. Khoảng thời gian này giúp họ cải thiện mối quan hệ với người thân và có thời gian để chuẩn bị cho dự định cá nhân hậu đại dịch.
Nhưng khi thế giới từng bước sống chung với đại dịch, nhiều thanh niên một lần nữa rời khỏi căn nhà thơ ấu, chuẩn bị cho những dự định khác.
Iva Balderacchi (24 tuổi), một kiến trúc sư ở New York, chuyển về nhà cha mẹ ở New Jersey để không phải chi trả cho căn hộ đắt đỏ ở thành phố lớn.
Cô thấy biết ơn khi được ở gần người thân giữa thời điểm khó khăn, nhưng lối sống gia đình sớm khiến các thành viên thấy không ổn.
"Bất tiện nhất là khi tất cả đều họp trực tuyến, vì bố mẹ tôi cũng đang làm việc tại nhà. Chúng tôi dễ nổi cáu vì những chuyện nhỏ nhặt, ví dụ như bát đĩa chưa rửa hay bã cà phê để ngoài cả ngày", cô kể.
Đầu năm nay, Balderacchi và bạn trai đã dọn tới một căn Airbnb ở Florida, sống riêng trong 3 tháng trước khi trở về căn hộ thuê ở Manhattan.
"Thật tuyệt khi được ở bên cha mẹ, nhưng đó không phải lối sống phù hợp với tôi", cô nói.
Ngay cả những người con nhà Ellis cũng sẽ "rời tổ" một lần nữa. Juliette sẽ trở lại Vancouver vào mùa đông, còn Gregory đã trở lại Brooklyn, nơi anh định cư trước dịch, vào tháng 8.
"Chuyến 'về tổ' này cho tôi trải nghiệm tích cực, mặc cho những chuyện tồi tệ đang xảy ra với thế giới. Tôi thấy mừng, nhưng mong sẽ không phải trải qua giai đoạn khó khăn nào như vậy nữa", Gregory nói.