Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Thế hệ 'cần hơi người' sau đại dịch

Nhiều công ty khởi nghiệp ở Singapore chuyên tổ chức các sự kiện giúp giới trẻ kết bạn với nhau. Điều này đáp ứng nhu cầu tương tác trực tiếp của người Singapore.

Theo SMCP, Larry Lee (26 tuổi, Singapore) đã đăng một video lên TikTok với nội dung mời người xem đi trượt tuyết cùng anh trên dãy Alps của Pháp. Chỉ trong vài tuần, Lee đã nhận được hơn 100 lượt đăng ký từ những người chưa từng gặp mặt.

Khi đó, Lee sắp tốt nghiệp đại học và chính thức bước vào thị trường lao động. Anh đang áp lực vì sự thay đổi này đồng nghĩa với việc có ít thời gian hơn để đi chơi và kết bạn mới. Đó là lý do khiến Lee đăng video để mời người lạ cùng đi trượt tuyết vào tháng 9/2022.

Ket ban truc tiep anh 1

Cư dân của khu Bukit Timah tại một sự kiện kết nối cộng đồng của Friendzone. Ảnh: Friendzone.

Chuyến trượt tuyết đó không chỉ giúp Lee làm quen với một nhóm bạn mới mà còn cho anh ý tưởng thành lập một công ty du lịch trọn gói tên là Sotravel. Đối tượng khách hàng của công ty là những người Singapore trẻ tuổi, say mê du lịch và muốn kết nối với những mối quan hệ mới.

Sotravel là một trong số những doanh nghiệp khai thác nhu cầu kết bạn của người Singapore - thứ vốn bị dồn nén trong hai năm dịch Covid-19.

Chán ngán với tương tác trực tuyến

Theo Larry Lee, sau Covid-19, nhiều người mong được nói chuyện, làm việc hay đi chơi ở đời thực hơn là trực tuyến. Đơn giản vì họ đã quá chán ngán với những dòng tin nhắn và cuộc gọi video.

“Trong vài năm qua, rất nhiều thứ đã chuyển sang hình thức trực tuyến. Làm việc, mua sắm, và thậm chí là hẹn hò. Do đó, chúng ta cần có những cách làm mới để kết nối và làm quen được với bạn bè trong đời thực”, Lee phân tích.

Do Covid-19, nhiều thanh niên ở Singapore phải trải qua những cột mốc quan trọng của cuộc đời với hình thức trực tuyến, chẳng hạn như nhập học đại học hay làm việc bằng laptop, điện thoại. Do đó, những người này đang muốn tận hưởng cuộc sống thực tế và kết nhiều bạn mới hơn.

Trong khi sự cô đơn và cô lập xã hội ở người cao tuổi được báo cáo và nghiên cứu rộng rãi ở Singapore, người ta lại ít đề cập đến sự cô đơn của giới trẻ. Mặc dù, theo một báo cáo trực tuyến, chỉ có khoảng 1/5 dân số Singapore ở độ tuổi 65 trở lên và có tới 1/3 dân số thuộc thế hệ Z và 1/4 dân số thuộc thế hệ Y.

Theo This Week in Asia, giới trẻ đã đưa ra nhiều lý do để lý giải cho việc họ khó kết bạn trong đời thực. Tiêu biểu là việc có quá nhiều deadline cần giải quyết hay không tìm thấy thời điểm phù hợp.

Ket ban truc tiep anh 2

Đoàn trượt tuyết của Larry Lee sau lời mời cùng đến dãy Alps trượt tuyết trên TikTok. Ảnh: Handout.

Joana (36 tuổi, giám đốc chiến lược) cho biết trước đây cô và đồng nghiệp từng có mối quan hệ thân thiết. Thậm chí, mọi người còn từng đi uống rượu cùng nhau. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi từ khi đại dịch xảy ra.

“Đại dịch Covid-19, dù đã kết thúc, nhưng đã để lại nhiều thay đổi trong công việc của tôi. Tôi phải làm việc tại nhà nhiều hơn. Việc ít đến văn phòng làm tôi không thể tận hưởng những bữa trưa hay thư giãn cùng đồng nghiệp như trước”, Joana kể.

Nhà xã hội học Tan Ern Ser cho biết ngay cả khi những người trẻ trò chuyện và giữ liên lạc với bạn bè thông qua điện thoại, laptop thì vẫn không thể giải quyết nhu cầu tương tác trực tiếp của họ. Việc gặp gỡ online và offline là hoàn toàn khác nhau.

Tan giải thích: “Trải nghiệm của những năm Covid-19 khiến độ phổ biến của mạng xã hội ngày càng cao và xuất hiện nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Điều này làm mọi người ít tương tác trực tiếp với nhau hơn. Ngoài ra, việc giới trẻ tập trung cho công việc và ít tham gia các hoạt động xã hội cùng làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ thật”.

Dịch vụ kết bạn mọc lên như nấm sau mưa

Ngoài công ty du lịch của Lee, Singapore còn có nhiều công ty khởi nghiệp nhắm vào nhu cầu tương tác trực tiếp của giới trẻ.

Năm 2022, Joell Tee (26 tuổi) bắt tay vào dự án Dinner With Stranger (Tạm dịch: Ăn tối cùng người lạ - PV). Đúng như tên gọi của nó, Tee sẽ cung cấp dịch vụ tạo điều kiện cho người lạ trò chuyện và ăn tối cùng nhau.

Những người muốn tham gia trước tiên phải điền vào một bảng hỏi cung cấp thông tin về bản thân. Họ sẽ được yêu cầu mô tả công việc của mình cho một đứa trẻ tám tuổi, viết một câu hỏi mà họ sẽ hỏi ai đó ở quán bar hoặc chia sẻ sở thích mà họ muốn thử sức nếu không bị giới hạn về thời gian, tiền bạc.

Sau đó, Tee sẽ nhóm các hồ sơ lại theo nhóm 14 người và lập tài khoản ẩn danh cho những người trong nhóm. Những thông tin về sở thích, công việc của 14 người này sẽ được chia sẻ trong nhóm để họ có thể biết về nhau trước khi bữa tối bắt đầu.

Ket ban truc tiep anh 3

Một bữa ăn tối cùng người lạ do Dinner With Stranger tổ chức. Ảnh: Handout.

Cô nói: “Tôi không muốn công việc là điều đầu tiên mọi người biết về nhau. Tôi muốn thể hiện một khía cạnh khác của mọi người và bằng cách nào đó, ‘lớp băng’ sẽ được phá vỡ, Khi bạn bước vào bữa tối, bạn sẽ không phải suy nghĩ về những gì mình muốn nói”.

Các bữa tối được công ty Dinner With Strangers tổ chức đều có số đăng ký vượt mốc tối đa là 50 người. Tuy nhiên, Joell Tee tâm sự cô sẽ giữ quy mô những nhóm ăn tối ở mức nhỏ để khách tham gia không phải giao tiếp liên tục hay cảm thấy bị choáng ngợp vì lượng thực khách quá đông.

“Tôi nghĩ việc kết bạn ở văn phòng hiện nay không quá dễ dàng. Mặt khác, không phải ai cũng sẽ kết hôn sớm và có gia đình riêng cho mình. Do đó chúng ta cần những cách kết bạn mới”, Tee nói thêm.

Ang Rui Xuan (26 tuổi, công chức) đã tham gia một bữa tối do Tee tổ chức khi vừa trở về Singapore từ chương trình thạc sĩ ở Hà Lan.

“Trước đây, tôi khá hài lòng với các mối quan hệ xã hội của mình. Tôi sẽ gặp bạn bè hai tuần một lần, và đôi khi mỗi tuần để vui chơi. Tôi cũng sẽ dành thời gian cho gia đình vào cuối tuần. Tuy nhiên, khi vừa về Singapore, tôi lại có ít bạn hơn do bạn bè đã có cuộc sống riêng”, Xuan nói.

Grace Ann Chua (30 tuổi) lại vận hành một dịch vụ giúp những người hàng xóm kết bạn với nhau. Sau nhiều năm sống ở ký túc xá đại học, Chua khá thân thiết với hàng xóm khi cùng chơi thể thao hay ăn tối. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp đại học và về lại nhà, cô lại cảm thấy cô đơn vì hàng xóm quanh nhà không được như thế.

Vì vậy, Chua quyết định sáng lập Friendzone, một nền tảng tạo điều kiện để những người hàng xóm kết bạn với nhau.

Theo Chua, người Sinapore thường không có thói quen bắt chuyện hay kết bạn với hàng xóm. “Về mặt văn hóa, người Sinapore không chào người lạ”, cô nói. Do đó, những mối quan hệ “tình làng nghĩa xóm” cũng khó mà có không gian phát triển.

“Việc gặp gỡ và kết bạn mới tùy thuộc vào suy nghĩ và nhu cầu của mỗi người”, Chua phân tích. Cô kể rằng những người tham gia buổi nói chuyện của Friendzone, dù chưa biết nhau, vẫn khá cởi mở và sẵn sàng kết bạn ngay khi gặp mặt. Cô hy vọng hoạt động này sẽ nay đổi cách sống của mỗi cá nhân và cho họ can đảm để nói chuyện với người lạ.

Tuấn An

Theo SCMP

Bạn có thể quan tâm