Zing trích dịch bài đăng từ Wall Street Journal, đề cập đến xu hướng sống ở ngôi nhà chung của thế hệ Millennials trong thời gian đại dịch.
Trong đại dịch Covid-19, giới trẻ ở nhiều quốc gia lựa chọn rời thành phố để trốn về các thị trấn nhỏ. Điều này tạo ra sự thúc đẩy bất ngờ cho loại hình bất động sản hướng đến lối sống tập thể.
Điểm chung của những thanh niên “chạy trốn” là mong muốn được sống trong bầu không khí trong lành, thoáng đãng để tách rời khỏi các ổ dịch. Tuy nhiên, họ sợ viễn cảnh phải ở một mình, cô quạnh trong không gian rộng lớn.
Giới trẻ lựa chọn mô hình co-living để thoát khỏi nỗi cô đơn trong dịch bệnh. Ảnh: The Hype House. |
Do đó, mô hình co-living (sống chung) nhanh chóng trở thành lối sống mới của thế hệ Millennials trên thế giới. Họ tìm kiếm ngôi nhà có diện tích lớn, chia thành nhiều phòng và chung sống với những người bạn mới lạ mặt.
Nhiều ngôi nhà nghỉ dưỡng, trang trại hoặc khách sạn cũ ở vùng ngoại ô được biến thành không gian làm việc tập thể và nơi trú chân hấp dẫn dành cho các bạn trẻ tìm kiếm phòng thuê.
Sợ cô đơn
Thế hệ Millennials châu Âu là nhóm đón đầu xu hướng này. Coconat - tên viết tắt của “Cộng đồng tập trung làm việc trong tự nhiên” - là một ngôi làng bên ngoài thành phố Berlin (Đức).
Nơi đây có bất động sản rộng hơn 20.200 m2 vốn là một trang viên được tu sửa, bao gồm văn phòng chung, phòng xông hơi khô, hồ bơi, phòng tập yoga và 20 phòng ngủ cho thuê.
Cư dân được cung cấp đủ 3 bữa ăn/ngày. Thế nhưng, số tiền họ phải trả còn ít hơn chi phí thuê nhà ở Berlin.
“Thật ngạc nhiên khi chúng tôi đã kín phòng. Mọi người thực sự muốn trốn khỏi thành thị xô bồ”, Julianne Becker - người đồng sáng lập Coconat - chia sẻ.
Trang viên Coconat. Ảnh: Coconat. |
Bettina Kamps - một cư dân Berlin gần 40 tuổi - chuyển đến Coconat vào tháng 11. Kamps cho biết việc tản bộ qua những khu rừng gần đó và ngắm sao ban đêm giúp cô giải tỏa phần nào nỗi căng thẳng dịch bệnh.
Hồi ở Berlin, cô sống một mình trong căn hộ một phòng ngủ - nơi cũng sớm trở thành văn phòng tại gia của trong thời kỳ đại dịch. Kamps cảm thấy cô đơn vô cùng vì phải hạn chế tiếp xúc với mọi người.
Ban đầu, Kamps chỉ định ở lại Coconat trong 2 tuần nhưng đến nay, cô đã sống được 2 tháng. Cô quyết định cho thuê lại căn hộ của mình trong thành phố bởi chưa có kế hoạch rời khỏi trang viên này trong tương lai.
Coconat đang cố gắng cân bằng giữa việc tự do giao lưu và hạn chế rủi ro Covid-19. Cư dân nơi đây được yêu cầu đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội, đồng thời thường xuyên làm thông thoáng phòng riêng.
Becker cho biết nơi đây chưa có ca nhiễm nào, nhưng nhiều chủ nhà khác vẫn cẩn thận đề phòng.
“Nếu có ý định thuê phòng trong một ngôi nhà chung với nhiều người khác, bạn nên chuẩn bị tinh thần trước nguy cơ nơi đó biến thành ổ dịch”, Eduardo Diego - người điều hành không gian co-living Sun and Co. ở thị trấn Javea (Tây Ban Nha) - nói với Wall Street Journal.
Không gian thoáng đãng ở Coconat. Ảnh: Coconat. |
Hannah Ludlow (29 tuổi) - một trong những khách hàng gần đây của Diego - từng dành phần lớn thời gian năm 2020 để chống chọi lại nỗi cô đơn khi sống một mình ở Manchester. Những lớp học yoga online thông qua Zoom không cải thiện được mấy sức khỏe tinh thần của cô.
Do đó, vào tháng 9, Ludlow chuyển đến một ngôi nhà chung ở Tenerife. 2 tháng sau, cô đến sống ở Sun and Co. - không gian co-living do Diego quản lý. Cô quyết định sẽ ở đây lâu dài, ít nhất cho đến khi dịch bệnh lắng xuống.
“Tinh thần tôi phấn chấn hơn nhiều khi được thường xuyên ra ngoài trời”, Ludlow thừa nhận.
Xu hướng lan sang nước Mỹ
Mô hình co-living cũng ngày càng phổ biến tại vùng nông thôn và các thị trấn Mỹ. Mùa hè năm 2020, khi Google thông báo nhân viên được làm việc tại nhà đến giữa năm 2021, Sofia Taboada nhanh chóng từ bỏ căn studio ở quận Brooklyn (thành phố New York).
Hiện cô sống trong không gian co-living được điều hành bởi Outside ở Encinitas - thị trấn biển gần San Diego.
Tại ngôi nhà chung Lake Tahoe của Outside, hơn một nửa sống phòng được giữ chỗ ngay từ trước đại dịch. Đến nay, tỷ lệ kín phòng lên đến 90%, theo Emmanuel Guisset, người sáng lập công ty.
Khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9/2020, sinh viên Mỹ thường có 2 lựa chọn: học trực tuyến tại nhà hoặc trong ký túc xá của trường.
Thế nhưng, một số khác lại đang theo đuổi lựa chọn thứ 3, đó là thuê nhà có diện tích lớn để sống cùng bạn bè. Họ muốn thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình, đồng thời không bỏ lỡ những trải nghiệm quý giá thời đại học.
Tuy có nội thất xa hoa, tiện nghi nhưng không gian co-living ở Mỹ vẫn vừa túi tiền với sinh viên. Ảnh: Getty. |
Nhóm bạn trẻ này thường chọn những ngôi nhà lớn ở Hawaii, Ore hoặc Montana cho học kỳ tiếp theo. Các bất động sản này thường đa dạng, có nội thất xa hoa, trang bị đủ các thiết bị thông minh mà vẫn vừa túi tiền với sinh viên.
Chia sẻ với New York Times, Erik Boesen (19 tuổi) - sinh viên năm hai tại ĐH Yale, đang sống tại Durango với các bạn cùng trường - cho biết: “Lý do giới trẻ bị thu hút bởi lựa chọn này là vì họ muốn có thêm trải nghiệm mới. Dường như bị nhốt trong nhà quá lâu, chúng tôi muốn làm điều gì đó độc đáo chút”.
Phần lớn sinh viên đều tìm nhà thông qua Airbnb, nơi có nhiều chủ sở hữu đang giảm giá mạnh cho các kỳ nghỉ dài hạn.
Bang Utah là một trong những điểm tập trung nhiều ngôi nhà chung dành cho giới trẻ. Đa số sinh viên đổ xô đến khu vực này đều mang hy vọng sẽ tìm được một địa điểm có không gian ngoài trời.
“Nhà của tôi có 8 người. Xung quanh đó cũng có rất nhiều nhóm sinh viên”, Lucas Igel - sinh viên năm nhất trường MIT - chia sẻ.