Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Thế hệ 'kén chọn' đang thay đổi Nhật Bản

Nhiều người trẻ Nhật Bản không còn muốn công việc hứa hẹn trọn đời nhưng phải liên tục tăng ca. Điều này buộc các công ty phải thay đổi quy trình tuyển dụng, văn hóa doanh nghiệp.

Giữa tháng 3, khoảng 100 công ty dựng gian hàng cho hội chợ thông tin việc làm tại một trong những địa điểm tổ chức sự kiện lớn nhất ở Tokyo, Nhật Bản. Nhằm thu hút sự chú ý của sinh viên mới tốt nghiệp, các công ty này cho dựng các biểu ngữ đầy màu sắc: "Hơn 120 ngày nghỉ có lương, hai ngày nghỉ hàng tuần", "Thực hiện các cách làm việc đa dạng" và "Niêm yết trên thị trường chứng khoán chính của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo".

"Tôi đang tìm công việc cho phép mình có thể tận hưởng sở thích xem nhạc kịch", một sinh viên đại học năm thứ ba mặc bộ đồ đen đơn giản - đồng phục điển hình của những người săn việc trẻ - tham dự sự kiện, cho biết.

"Cả bố mẹ tôi đều đang làm việc và có vẻ tận tâm với công việc của họ, điều mà tôi tôn trọng. Nhưng tôi thích làm việc ở một công ty có thời gian nghỉ ngơi hợp lý hơn", cô nói Nikkei.

Ứng viên "tuyển" công ty

Một nhân viên tuyển dụng từ một công ty bán lẻ lớn cho biết: "Chúng tôi muốn có 120 sinh viên mới tốt nghiệp vào năm 2025, nhưng không có cách nào đạt được mục tiêu đó. Có nhiều việc làm hơn và ít sinh viên hơn. Rất nhiều người quan tâm đến việc có thể nghỉ lễ và kiếm tiền đều đặn, vì vậy chúng tôi phải đảm bảo cung cấp môi trường làm việc dễ chịu cho phép cân bằng giữa công việc và cuộc sống".

Theo Yosuke Hasegawa, nhà nghiên cứu tại Phòng nghiên cứu nghề nghiệp Mynavi, thái độ của các công ty đối với việc tuyển dụng đang thay đổi. "Trước đây, các công ty là những người lựa chọn từ một lượng lớn người nộp đơn, nhưng bây giờ sinh viên cũng đang lựa chọn các công ty và sự bất cân xứng trong mối quan hệ đó đang suy yếu. Ngày càng có nhiều công ty quan tâm đến việc lắng nghe mong muốn của ứng viên".

Theo Bộ Lao động, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đã giảm năm thứ 8 liên tiếp vào năm 2023. Theo ước tính năm ngoái của Recruit Works Institute, cả nước có thể thiếu 3,4 triệu người lao động vào năm 2030 và 11 triệu vào năm 2040.

lao dong nhat ban anh 1

Nhật Bản nổi tiếng với thời gian làm việc kéo dài.

Theo một cuộc khảo sát của Mynavi vào tháng 3, "chế độ đãi ngộ tốt", bao gồm tiền lương và các điều khoản về kỳ nghỉ, là yếu tố quan trọng nhất khi 1.200 sinh viên sắp tốt nghiệp cân nhắc lựa chọn nơi làm việc. Xếp sau đó là "văn hóa doanh nghiệp". Tiêu chí "ổn định" chỉ đứng thứ 3.

Hisashi Yamada, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, cho biết quá trình tuyển dụng sâu rộng của Nhật Bản "chỉ hoạt động dựa trên tiền đề rằng nhân viên nam ở độ tuổi 20-60 là nguồn lao động cốt lõi và có thể ưu tiên công việc hơn cuộc sống vì phụ nữ làm việc nhà và chăm sóc con cái".

"Tuy nhiên khi số lượng người lao động cốt lõi này sụt giảm, việc tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh đa dạng hơn tham gia lực lượng lao động là điều cần thiết".

Theo dữ liệu, số hộ gia đình chỉ có nam giới đi làm vào năm 2022 đã giảm hơn một nửa so với năm 1985, trong khi số hộ gia đình có thu nhập kép tăng 1,7 lần trong cùng thời kỳ. Tỷ lệ lao động nam trong khu vực tư nhân nghỉ thai sản là 14% vào năm 2021, tăng từ 0,5% vào năm 2004, mặc dù vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu.

Theo Kaoru Fujii, người phụ trách mảng nhân sự tại Recruit Co, đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy của người lao động, "đang khuyến khích nhiều người xem xét lại sự nghiệp và thiết kế lại lối sống để theo đuổi hạnh phúc, đặt trọng tâm vào những gì họ muốn làm và coi trọng trong cuộc sống".

Văn hóa làm việc thay đổi

Theo nhà kinh tế Yamada, văn hóa làm việc truyền thống của Nhật Bản, bao gồm làm thêm giờ, sau đó uống rượu vào đêm khuya và tham gia các sự kiện của công ty vào cuối tuần, đã mang lại lợi ích. Ý thức cộng đồng mạnh mẽ giữa các nhân viên đã dẫn đến sức mạnh tổ chức, giúp nâng cao trình độ chung về kỹ năng của nhân viên và duy trì chất lượng cao cho sản phẩm.

Tuy nhiên, các "bệnh lý" của hệ thống này đang bộc lộ rõ ràng hơn theo thời gian. Vào năm 2015, một người lao động 24 tuổi đã tự sát sau khi phải chịu đựng thời gian làm việc dài và bị sếp quấy rối tại công ty quảng cáo, khiến dư luận chú ý đến "karoshi", một từ tiếng Nhật có nghĩa là chết do làm việc quá sức.

Công ty đã bị phạt vì vi phạm luật lao động vào năm 2017 và Nhật Bản đã thông qua luật mang tính bước ngoặt vào năm 2019, lần đầu tiên giới hạn số giờ làm thêm và bắt buộc người lao động phải nghỉ ít nhất 5 ngày có lương hàng năm.

lao dong nhat ban anh 2

Người lao động trẻ quan tâm đến "chế độ đãi ngộ tốt" khi tìm việc.

Đại dịch đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang thời gian làm việc ngắn hơn. Theo Bộ Lao động, một công nhân toàn thời gian ở Nhật Bản đã làm việc khoảng 162 giờ/tháng vào năm 2022, ít hơn 5 giờ so với năm 2018.

Nhưng sự thay đổi này có tác dụng phụ. Yamada cho biết giờ làm việc ít hơn đồng nghĩa với việc có ít thời gian và đầu tư nuôi dưỡng nhân viên trẻ hơn.

Giáo sư Miyamoto nói rằng việc chấp nhận "nhảy việc" ngày càng nhiều, trái ngược với việc làm việc suốt đời tại một công ty, cũng khiến quá trình đào tạo trở nên khó khăn hơn. "Khi mọi người được tự do chuyển đổi công việc, các công ty sẽ mất đi động lực đào tạo nhân viên. Người lao động cần phải tự nâng cao tay nghề và các chính sách cần hỗ trợ điều đó".

Theo Cục Thống kê Nhật Bản, năm 2023, 3,3 triệu lao động thay đổi việc làm, gần đạt mức cao kỷ lục vào năm 2019 trước đại dịch, trong khi số lao động mong muốn thay đổi công việc lần đầu tiên đạt 10 triệu người.

Noriaki Yamamoto, Giám đốc điều hành của nền tảng tìm việc Bizreach, cho biết: "Ngày nay, các công ty không ngần ngại chấp nhận những người nhảy việc và cá nhân cũng không còn cảm thấy tội lỗi khi xây dựng sự nghiệp một cách độc lập".

Ai sẽ kế vị tỷ phú giàu nhất thế giới

Hai con trai của tỷ phú Bernard Arnault được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị của LVMH để củng cố quyền lực gia đình đối với tập đoàn và tăng thêm sức nóng cho cuộc đua thừa kế.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Lê Vy

Ảnh: Nikkei

Bạn có thể quan tâm