"Độc thân và sống một mình không phải là trọng tội. Nếu đúng như vậy, 92 triệu người chúng ta sẽ bị trừng phạt".
Đó là lời tâm sự của cô gái có nickname Baobao (29 tuổi, Quảng Châu), tự nhận là người "độc thân cả đời". Cô nằm trong số 92 triệu người trẻ ở Trung Quốc đang sống một mình, theo Insider.
Theo số liệu thống kê do chính phủ Trung Quốc vừa công bố, đất nước tỷ dân hiện có nhiều hơn khoảng 15 triệu người độc thân sống một mình so với năm 2018.
Những người trẻ Trung Quốc như Baobao được gọi là các thanh niên "không tổ ấm". Họ có nhà, nhưng lựa chọn sống một mình, không tìm kiếm các mối quan hệ lãng mạn, kết hôn hoặc sinh con.
Trước tình trạng này, tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc diễn ra hồi đầu tuần, Hu Wei, một quan chức Trung Quốc, kêu gọi chính phủ nên quan tâm nhiều hơn đến "vấn đề hôn nhân và tình yêu của những thanh niên không có tổ ấm" bằng cách cung cấp cho họ "các dịch vụ liên quan đến sức khỏe tâm thần và thể chất".
Khoảng 92 triệu người trẻ Trung Quốc đang sống một mình. Ảnh: Getty. |
Theo People.cn, nhiều người cũng lo ngại tình trạng này có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh của Trung Quốc.
Trang tin Dazhong đã thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến độc giả để tìm hiểu lý do có sự gia tăng những người độc thân chọn cuộc sống một mình.
Theo đó, khoảng 41% người được hỏi cho biết họ "chủ động chọn cuộc sống độc thân và đã quá mệt mỏi với những mối quan hệ rối rắm, vô bổ"; 38% cho rằng trở thành một "thanh niên không tổ ấm" còn là lựa chọn của những người muốn "thoát khỏi trách nhiệm lập gia đình".
Trong khi đó, 13% cho biết họ buộc phải sống một mình do áp lực cuộc sống và kinh tế, khoảng 7% cho biết "không thể tìm thấy tình yêu đích thực".
Nhiều người hài lòng với cuộc sống độc thân, không hôn nhân hay con cái. Ảnh: Xinhua. |
Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người cũng bày tỏ quan điểm trái ngược về hiện tượng này.
"Bây giờ có rất nhiều ứng dụng hẹn hò, chẳng có lý do gì bạn phải độc thân cả, dù bạn lùn, xấu hay từng tổn thương trong tình yêu. Hãy nghĩ đến gia đình bạn và sự xấu hổ của họ khi có một đứa con trai không kiếm được vợ", HuTaoPuTao, một người dùng Weibo 28 tuổi sống ở Bắc Kinh, bày tỏ.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng dù chủ động chọn cuộc sống một mình hay do hoàn cảnh xô đẩy, mỗi người nên được tôn trọng lối sống của họ.
"Tại sao tôi lại cần gánh nặng vợ con khi đang hạnh phúc một mình?. Tôi không cảm thấy mình là một sự ô nhục. Chúng ta đang sống trong một thế giới mới rồi", YouyouZi (33 tuổi) đến từ Nam Kinh, cho biết.
Wuxi (31 tuổi), sống ở Thượng Hải, cũng đồng tình: "Tôi làm việc chăm chỉ, chơi hết mình và có rất nhiều tiền. Nếu tôi muốn sống và chết như một 'gái ế' cùng với 20 con mèo tôi nuôi, thì đó cũng chẳng phải việc của ai ngoài tôi cả".