Dịch bệnh khiến thế hệ hikikomori ở Hàn Quốc - những con người trốn trong nhà, không giao tiếp xã hội cả một năm - cũng thấy khó khăn, theo Wired.
Những con người ở lì, tách mình khỏi cộng đồng không đối phó với sự cô lập dễ như nhiều người nghĩ, nhất là với những ai đang tìm kiếm sự phục hồi.
Kim Ho-seon ở trong căn phòng của mình ở trung tâm K2. Ảnh: Wired. |
"Cuộc sống như chuột hamster chạy trên vòng quay"
Hikikomori là thuật ngữ xuất phát từ Nhật Bản, dùng ám chỉ những người từ chối tiếp xúc với xã hội, không đi học, đi làm và hầu như không giao tiếp với ai. Chỉ khi nào thật sự cần, họ mới chịu ra ngoài mua đồ dùng sinh hoạt cần thiết.
Những người này được xem là “lost generation” (thế hệ lạc lối) của đất nước, thất bại, sống ăn bám bố mẹ và cuộc sống chỉ xoay quanh màn hình máy tính, điện thoại.
Thông thường, hikikomori là những người trẻ tuổi, chủ yếu là nam giới, trong độ tuổi 20-30. Họ sống một mình hoặc nhốt bản thân trong phòng ngủ, tránh gặp mặt cha mẹ và người thân dù ở chung nhà.
Vì mục đích chính của họ là trốn tránh công chúng nên rất khó để thống kê chính xác có bao nhiêu người theo lối sống này ở Hàn Quốc.
Lee Ah Dang là một trung tâm tư vấn ở Seoul chuyên về hikikomori. Các nhà tâm lý học lâm sàng ở đây đã điều trị cho hàng chục người hồi phục. Hầu hết người tìm đến xin giúp đỡ đều có điểm chung: họ cảm thấy không thể đương đầu trong xã hội cạnh tranh của Hàn Quốc.
Trưởng nhóm tâm lý học Park Dae-ryeong cho hay áp lực thành công cao, thị trường việc làm nghèo nàn, đồng thời kiếm nhiều tiền trở thành tiêu chuẩn, đam mê chỉ là thứ yếu đã làm trầm trọng thêm cảm giác thiếu hụt, thất vọng và lo lắng ở thế hệ trẻ.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc so sánh cuộc sống của họ như chú chuột hamster chạy trên vòng quay, bởi vì để có được người bạn đời phù hợp, công việc tốt hay ngôi nhà đẹp, họ cảm thấy không bao giờ có thể nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, nếu công nghệ cho phép hikikomori có thể ở lỳ trong phòng suốt cả một năm, nó cũng có thể thúc đẩy họ thoát ra ngoài.
Khi xem qua nghiên cứu trực tuyến đề cập đến một trung tâm phục hồi chức năng có tên K2 International, Yoo Seung-gyu (37 tuổi, Seoul) nói rằng cuối cùng anh ấy đã có được can đảm để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Kim Ho-seon, một thanh niên khác, cho biết anh đang lướt mạng thì tình cờ nhìn thấy quảng cáo của tổ chức K2. Nội dung quảng cáo đã truyền cảm hứng cho anh thoát khỏi cảnh tự giam cầm.
Trong vòng 1 tháng, cả hai đã dọn ra khỏi phòng và vào K2. Sau một năm, Yoo thậm chí còn trở thành quản lý chương trình ở đó.
Hoạt động cơ bản tại K2 là sinh hoạt cộng đồng. Tại đây, 14 hikikomori, bao gồm cả Yoo và Kim, sống cùng nhau trong một tòa nhà 3 tầng, nơi các thành viên được khuyến khích thiết lập thói quen lành mạnh, hoàn thành các công việc được giao, giữ gìn vệ sinh và tuân theo sinh hoạt hàng ngày.
Không miễn nhiễm với đại dịch
Tháng 1 năm ngoái, các tin tức về loại virus chủng mới gây chết người ở Trung Quốc bắt đầu xuất hiện. Không lâu sau đó, dịch bệnh tấn công Hàn Quốc.
Giữa cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, những người sống ẩn dật, vốn đã quen với sự cô độc được cho là sẽ thích ứng tốt hơn ai hết. Nhưng hikikomori không miễn nhiễm với đại dịch.
Đối với những người mong muốn tái hòa nhập lại, nguy cơ sự cô lập của họ chỉ kéo dài và nghiêm trọng hơn. Còn đối với những người đã bắt đầu quay lại cuộc sống bình thường, khả năng tái nghiện cũng ở mức cao.
Công việc của Tổ chức Thanh niên Hàn Quốc đã bị chững lại trong phần lớn năm 2020. Khi ngày càng có nhiều hoạt động bị hủy bỏ, các hikikomori càng thấy bản thân ít việc để làm.
Yoo, người quản lý chương trình tại K2, nói: “Không còn gì vui và ý nghĩa nữa. Một số người rất buồn và rơi vào trầm cảm vì cơ hội của họ đã không còn. Tôi cảm thấy lo lắng cho họ".
Ahn Yoon-seung, một người điều trị ở K2, nộp đơn xin vào làm nhân viên quán ăn tại một trường trung học và đang hồi hộp chờ đợi kết quả. Nhưng vì Covid-19, Ahn phải đợi thêm ít nhất 1 tháng.
Một số chuyên gia tâm lý lo ngại số người theo lối sống hikikomori sẽ tiếp tục tăng dưới các tác động tiêu cực của đại dịch. Ảnh: Bloomberg. |
"Tôi thấy mình trở lại cuộc sống cũ, cả ngày không làm được gì. Tôi lo lắng tất cả những điều tôi đã lên kế hoạch cũng sẽ đổ bể. Bây giờ tôi không còn là hikikomori, nhưng tôi cảm giác mình dễ quay lại kiểu con người đó bất cứ lúc nào", anh nói.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, các nhà tâm lý học tại trung tâm Lee Ah Dang cho biết họ đã quan sát thấy sự gia tăng căng thẳng, cô đơn và tuyệt vọng của những hikikomori.
"Một người phụ nữ đã tiến bộ rất nhiều đến mức sẵn sàng tìm việc trở lại. Nhưng vì Covid-19, cô ấy không nhận được sự trợ giúp trực tiếp trong 2 tuần. Cuối cùng, cô ấy không chịu được và bỏ cuộc", nhà tâm lý học Han Chae Won cho biết.
Các nhà tâm lý đã chuyển sang tư vấn trực tuyến, song đơn giản là không hiệu quả. Một số hikikomori thậm chí còn từ chối tham gia vì lo sợ người nhà nghe được cuộc trò chuyện.
Nhưng quan trọng nhất, các cuộc trò chuyện trực tuyến không thể cung cấp liệu pháp chuyên sâu giống như việc gặp mặt đối mặt.
"Bệnh nhân không cảm thấy thực sự gặp tôi. Nhìn nhau qua màn hình tạo nhiều khoảng cách, một số người thậm chí còn thấy cô lập và chán nản hơn", Lee Seung-min, một nhà tâm lý học khác tại Lee Ah Dang, cho biết.
Không lâu sau, hình thức tư vấn qua Zoom tại trung tâm bị loại bỏ.
Ngoài ra, chứng kiến đợt bùng phát này diễn ra đến làn sóng lây nhiễm khác, nhiều người cảm thấy năm vừa qua là thời điểm tồi tệ nhất để nghĩ đến chuyện tái gia nhập xã hội.
Trước khi đại dịch xảy ra, số lượng lớn người liên hệ với Tổ chức Thanh niên Hàn Quốc để nhờ giúp đỡ phục hồi. Song, ít nhất 30% đã gọi điện lại báo hoãn hoặc không còn trả lời cuộc gọi của tổ chức kể từ lúc số ca mắc Covid-19 tăng nhanh.
"Đối với một số hikikomori, đại dịch là cái cớ để thuyết phục bản thân không vội hòa nhập. Không gặp gỡ ai trong thời gian dài, họ càng sợ hãi việc sống bình thường như trước", điều phối viên Park Jae Young của tổ chức, cho hay.
"Nhóm người này vốn cần rất nhiều can đảm để yêu cầu giúp đỡ. Nếu hệ thống và nhân viên không có sẵn ngay lúc đó, khả năng cao là các hikikomori sẽ từ bỏ ý định ban đầu", ông nói thêm.
Và không chỉ những người đang theo lối sống ẩn dật mới đáng lo. Nam Ki-woong, quản lý của Quỹ Thanh niên Hàn Quốc, bày tỏ lo ngại có thể sẽ có nhiều hikikomori hơn nữa khi đại dịch tiếp tục kéo dài.
"Hầu như trong ai cũng có phần mong muốn tách biệt khỏi xã hội lúc nào đó. Trong thời đại dịch bệnh, xu hướng đó càng khơi dậy mãnh mẽ hơn", Nam bày tỏ.