Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế hệ 'lãi suất xuống đáy vẫn gửi tiền ngân hàng'

Khi bất động sản và chứng khoán không còn là con gà đẻ trứng vàng, nhiều người Trung Quốc cẩn trọng bỏ tiền của mình vào ngân hàng và vàng - lãi không nhiều nhưng chắc chắn hơn.

Sau khi xem xét cẩn thận lãi suất mà một số ngân hàng đưa ra cho khoản tiền gửi có kỳ hạn, Li Yuan đã gửi 200.000 nhân dân tệ (27.800 USD) vào một tổ chức tài chính nhỏ ở địa phương, hy vọng số tiền tiết kiệm khó khăn mới kiếm được của cô sẽ mang lại lợi nhuận hàng năm là 3,2% trong 3 năm.

Đây là năm thứ hai cô làm như vậy. Các quyết định đầu tư được cô cân nhắc cẩn thận do các kênh đầu tư truyền thống ở Trung Quốc chưa phục hồi trong nền kinh tế nhiều bất ổn.

"Tôi lên kế hoạch tiết kiệm cho con trai mình từ năm ngoái. Lãi ngân hàng không cao, nhưng ít nhất ổn định. Thị trường bất động sản đang rất tệ, chứng khoán cũng vậy", người mẹ một con ở tỉnh Hà Bắc nói với South China Morning Post.

"Mùa đông" đã đến

Li sở hữu một doanh nghiệp nhỏ và thấy may mắn vì nó đã sống sót sau đại dịch. Cô nằm trong số hàng triệu thành viên của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang phải vò đầu bứt tai để tìm các khoản đầu tư ra tiền mà không rủi ro quá lớn.

Thị trường bất động sản và chứng khoán - hai trong số những phương tiện phổ biến nhất mà người Trung Quốc dùng để tích lũy tài sản - giờ không còn an toàn như trước.

dau tu vang anh 1

Bất động sản và chứng khoán không còn là kênh đầu tư dễ kiếm lời ở Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Wu Fei, giáo sư tại Viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, lưu ý rằng các nhà đầu tư đã quen với lãi lớn trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong những thập kỷ qua, nhưng điều đó không còn đúng nữa.

"Mọi người đều nhận ra rằng mùa đông đã đến và họ trở nên thận trọng hơn, có ý thức rủi ro tốt hơn, đặc biệt là khi nói đến thị trường bất động sản và chứng khoán", Wu nói.

Theo các nhà quản lý và nhà nghiên cứu, các công cụ có rủi ro thấp hơn bao gồm chứng chỉ tiền gửi (CD) mệnh giá lớn, vàng và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phổ thông, đang trở nên phổ biến như một phương tiện bảo toàn tài sản gia đình.

Trong lĩnh vực bất động sản, giá nhà tại 70 thành phố lớn và vừa đã giảm trong tháng 12 với tốc độ nhanh nhất trong gần 9 năm, theo dữ liệu gần đây nhất từ ​​Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Theo số liệu chính thức, tổng lượng bất động sản được bán trên khắp Trung Quốc năm 2023 đã giảm 8,5% kể từ năm 2022, trong khi doanh thu bán hàng giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Evelyn Xu, nhà quản lý tài sản tại chi nhánh Ngân hàng Giang Tô ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, cho biết ngân hàng trung ương đã thực hiện nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm qua nhưng khách hàng đang tỏ ra đặc biệt quan tâm đến CD và trở nên thận trọng hơn.

"Đối với những người đang đầu tư vào các sản phẩm quản lý tài sản, kỳ vọng của họ bây giờ là 'đảm bảo không bị lỗ', thay vì kén chọn tỷ suất lợi nhuận hàng năm trước đây có thể lên tới hơn 5%", Xu cho biết.

Nơi trú ẩn

Tiền gửi mới trong khu vực hộ gia đình của nước này đã tăng nhanh kể từ năm 2022, đạt 17.900 tỷ nhân dân tệ (2,5 nghìn tỷ USD) - tăng 8.000 tỷ nhân dân tệ so với năm 2021. Năm 2023, con số này vẫn ở mức cao 16.670 tỷ nhân dân tệ.

Bên cạnh đó, nhiều người đổ xô mua vàng để tìm kiếm sự an toàn. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới vào cuối tháng 1, Trung Quốc đã vượt Ấn Độ để trở thành quốc gia đóng góp nhiều nhất vào lượng tiêu thụ vàng của thế giới vào năm 2023.

dau tu vang anh 2

Vàng đã trở nên phổ biến trong giới đầu tư Trung Quốc muốn bảo toàn tài sản của mình. Ảnh: Tân Hoa Xã.

"Vàng vẫn được ưa chuộng trong năm qua và được mua như một kênh trú ẩn an toàn. Giá vàng đã tăng mạnh nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng một mức giá mới vào năm 2024", Xu nói.

Tháng trước, một người đầu tư đã mua một lúc 3 kg vàng tại chi nhánh của Tập đoàn Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc ở Hàng Châu, tờ Qianjiang Evening News đưa tin.

Jin Xin, chuyên gia về quản lý tài sản gia đình tại College of Wealth, cho biết đối với những gia đình giàu có khởi nghiệp kinh doanh ở đồng bằng sông Dương Tử trong nhiều thập kỷ qua, chính sách bảo hiểm nhân thọ lớn và quỹ tín thác là hai lựa chọn phổ biến nhất để bảo vệ tài sản của họ.

Ông cho biết: "Các nhà sáng lập doanh nghiệp hầu hết đều bi quan về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc cũng như năng lực của con cái, vì vậy họ cần có kế hoạch dài hạn". Nhiều người khác cũng đang chuyển tài sản của họ sang các quỹ tín thác hoạt động bên ngoài Trung Quốc đại lục, đặc biệt là Hong Kong.

Theo một báo cáo tháng trước của Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, khi các nhà đầu tư thận trọng hơn, tốc độ tăng trưởng tỷ lệ đòn bẩy trong khu vực dân cư ở nước này vẫn chậm chạp kể từ năm 2020 sau khi tăng mạnh trong thập kỷ trước.

Báo cáo cho biết: "Khi kỳ vọng về tăng trưởng thu nhập suy yếu, các hộ gia đình đã chủ động giảm nợ phải trả, tăng tỷ trọng tiền gửi vào tài sản và cắt giảm tỷ trọng tài sản rủi ro trong tài sản của mình".

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Xu hướng gây ngạc nhiên của Gen Z

Doanh số bán sách bùng nổ cho thấy Gen Z đang quay trở lại với sách giấy, đồng thời có xu hướng ưa chuộng không gian yên tĩnh ở thư viện hơn là quán cà phê ồn ào.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm