Tính đến tháng 10, Hàn Quốc đã kéo dài chuỗi ngày thiếu hụt việc làm lên 8 tháng trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, theo dữ liệu chính phủ công bố. Số lượng người có việc làm ở nước này đã giảm 421.000 người so với năm ngoái, xuống còn 27,9 triệu người, Korea Herald đưa tin.
Tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia này cũng tăng 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, lên 3,7 phần trăm - con số cao nhất trong tháng 10 trong hai thập kỷ trở lại đây. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên (15-29 tuổi) đạt 8,3% vào tháng 10, tăng 1,1 điểm phần trăm so với năm trước.
Thậm chí, tỷ lệ thất nghiệp thực tế của thanh niên xứ kim chi, tính ở những người làm việc dưới 36 giờ/tuần hoặc không tìm được việc trong 4 tuần qua, đã tăng lên 24,4%, cao nhất kể từ khi cơ quan thống kê nhà nước bắt đầu tổng hợp dữ liệu liên quan vào tháng 1/2015.
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều thanh niên Hàn Quốc khó tìm việc. Ảnh: AFP. |
Bên cạnh đại dịch, những chính sách sai lầm được chính phủ Hàn Quốc thực hiện trong 3 năm rưỡi qua là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng việc làm ở Hàn Quốc ngày càng xấu đi.
Việc tăng mạnh lương tối thiểu và rút ngắn thời gian làm việc trong tuần đã làm tăng chi phí lao động, dẫn đến nhiều nơi phải sa thải bớt nhân viên, đặc biệt là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, việc chính phủ thúc đẩy tạo việc làm tạm thời bằng tiền thuế cũng đã đạt đến giới hạn. Hơn nữa, hầu hết công việc từ nguồn này đều dành cho người cao tuổi trong khi tầng lớp người trẻ thất nghiệp cũng phải đối mặt không ít khó khăn.
Cuộc sống bấp bênh, nhiều người trẻ Hàn Quốc không muốn kết hôn, sinh con. Ảnh: Reuters. |
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, số lượng nhân viên ở độ tuổi 20 đã giảm 210.000 người so với năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2009. Gần 290.000 người trong độ tuổi 25-39 đã tốt nghiệp hoặc đang học đại học chưa một lần tìm được việc làm.
Trước tình hình này, nhiều người lo ngại những người trẻ không có việc làm trong thời gian dài có thể trở thành “thế hệ thua cuộc” trong xã hội Hàn Quốc. Họ có xu hướng trì hoãn hoặc không kết hôn, tiếp tục làm giảm tỷ lệ sinh trong nước - vốn đã nằm trong nhóm thấp nhất thế giới những năm gần đây.
Theo nhiều chuyên gia, đây không phải là lúc để tiếp tục phủ nhận tình trạng việc làm ngày càng trầm trọng ở quốc gia này hay mơ mộng viển vông về tương lai của nền kinh tế. Chính phủ xứ kim chi cần thúc đẩy sự thay đổi về chính sách cơ bản để cải thiện thị trường việc làm, cung cấp cho người trẻ nhiều cơ hội hơn.