Các thương hiệu xa xỉ đang phải đối mặt với thế hệ Gen Z - nhóm khách hàng mới. Những người mua này vừa thoát khỏi đại dịch kéo dài nhiều năm và gặp khó khăn do tình hình lạm phát. Nhiều ý kiến cho rằng nhóm khách hàng này sẽ tiết chế khoản chi tiêu cho mua sắm, theo đuổi lối sống tiết kiệm.
Thế hệ Gen Z được dự đoán sẽ là một trong những nhóm khách hàng chính của ngành công nghiệp xa xỉ. Ảnh: Page Six. |
Vào năm 2021, trong một cuộc họp của Business of Fashion, các diễn giả nhấn mạnh rằng nhóm khách hàng Gen Z dự kiến chiếm 40% thị trường hàng xa xỉ quốc tế vào năm 2035.
Theo ước tính của Bain and Company, thế hệ millennials và Gen Z sẽ nắm giữ 130% sức mua trong lĩnh vực này, kiểm soát tốc độ tăng trưởng thị trường từ năm 2021 đến 2025.
Hiện tại, Gen Z đang phải đối mặt với các khoản vay sinh viên, lạm phát có thể kéo dài và sức mua không thể đạt được. Đối với những người khác, bối cảnh giá nhà tăng nhanh và lãi suất có thể duy trì ở mức cao khiến việc chi tiền cho các món hàng xa xỉ trở nên khó khăn.
Forbes đưa tin thị trường xa xỉ đang phải đối mặt với một vòng xoáy đầy thách thức trong những năm gần đây. Thị trường đạt mức cao nhất là 307 tỷ USD vào năm 2019. Sau đó, ngành này bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Khoảng thời gian giãn cách cùng nhiều yếu tố khiến doanh thu giảm 22% trong thời kỳ cao điểm của đại dịch vào năm 2020.
Thế hệ Gen Z đang thắt chặt chi tiêu do lạm phát. Ảnh: Capital. |
Năm 2021, thị trường xa xỉ từng bước hồi sinh. Theo báo cáo của Bain, ngành công nghiệp này đã phục hồi vào năm ngoái, đạt 309 tỷ USD. Tuy nhiên, đây được xem như một sự may mắn. Khi nhìn vào sự phát triển lâu dài, các lãnh đạo của nhiều thương hiệu xa xỉ nhận thấy cần nhiều yếu tố khác.
Kenneth Chow, giám đốc công ty tư vấn Oliver Wyman, cho biết: "Ở Mỹ, lạm phát là một vấn đề lớn của nhiều công ty xa xỉ. Trong khi đó, tại Trung Quốc, tình trạng thất nghiệp ở thanh niên hiện đáng báo động".