Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'The Last Duel' - sự thật trần trụi về phiên tòa đấu tay đôi

Sử dụng “hiệu ứng Rashomon”, đạo diễn Ridley Scott mang đến cái nhìn mới mẻ, thậm chí trần trụi về phiên tòa đấu tay đôi cuối cùng tại Pháp qua tác phẩm “The Last Duel”.

Thể loại: Sử thi, chính kịch.

Đạo diễn: Ridley Scott.

Diễn viên: Matt Damon, Adam Driver, Jodie Comer, Ben Affleck…

Đánh giá: 7/10.

(*) Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim.

Sau hơn 10 năm kể từ Robin Hood, đạo diễn kỳ cựu Ridley Scott mới thực hiện phim điện ảnh lấy bối cảnh thời Trung Cổ. Lần này, qua đứa con tinh thần The Last Duel, dựa theo cuốn sách do Eric Jager chấp bút, ông đưa lên màn ảnh lớn sự kiện lịch sử nổi tiếng nhưng cũng gây tranh cãi bậc nhất tại Pháp: Phiên tòa đấu tay đôi (được công nhận là hợp pháp) cuối cùng giữa hai hiệp sĩ Jean de Carrouges và Jacques Le Gris.

Cuộc đấu sinh tử nhân danh công lý

Carrouges (Matt Damon thủ vai) và Le Gris (Adam Driver thủ vai) vốn là đôi bạn thân luôn sát cánh bên nhau trên chiến trường.

Tuy nhiên, vào ngày nọ, nàng Marguerite (Jodie Comer thủ vai), vợ của Carrouges, bỗng lên tiếng tố cáo Le Gris cưỡng hiếp mình. Nhờ mối quan hệ với các nhà quý tộc quyền lực, Le Gris dễ dàng khiến đơn kiện của hai vợ chồng bị tòa bác bỏ.

Không chấp nhận kết quả này, nhằm bảo vệ thanh danh cho vợ và gia đình, Carrouges cầu xin vua Charles VI phân xử vụ việc thông qua một trận đấu tay đôi tới chết. Anh tin rằng người ngay thẳng, chính trực sẽ được Thiên Chúa ban ơn để giành chiến thắng. Đáng chú ý, nếu Carrouges thua cuộc, Marguerite phải chịu hình phạt thảm khốc là hỏa thiêu vì tội vu khống.

Hiệu ứng Rashomon và góc nhìn đa chiều

Năm 1950, tác phẩm Rashomon của "quái kiệt" Akira Kurosawa đã làm khuynh đảo nền điện ảnh thế giới, qua đó hình thành thuật ngữ tâm lý học nổi tiếng "hiệu ứng Rashomon".

Hiểu đơn giản, "hiệu ứng Rashomon" chỉ ra rằng một sự kiện khi được miêu tả qua lăng kính chủ quan sẽ sai lệch đi ít nhiều so với thực tế. Bởi lẽ, con người có khuynh hướng diễn đạt vấn đề theo chiều hướng thuận lợi cho bản thân.

The Last Duel, Ridley Scott sử dụng hiệu ứng tâm lý này để giúp khán giả có cái nhìn công tâm, đa chiều hơn về mẩu giai thoại thoạt nghe như bản anh hùng ca tôn vinh tinh thần, phẩm chất hiệp sĩ. Nội dung phim được trình bày dưới dạng chương hồi, từng chương tương ứng với phần hồi tưởng của ba nhân vật chính Carrouges, Le Gris và Marguerite.

Nhờ vậy, hình tượng mỗi nhân vật trong mắt những người xung quanh hiện lên rất thú vị. Đơn cử, Carrouges tự nhận anh là bề tôi trung thành, hiệp sĩ xem trọng danh dự và công lý. Thế nhưng, góc nhìn của Le Gris và Marguerite đã hé lộ rằng anh thực chất rất nóng nảy, ngầm ganh ghét Le Gris do đối phương được lãnh chúa trọng dụng hơn mình.

Đặc biệt, thủ pháp dẫn dắt trên cũng bóc trần mối quan hệ thật sự giữa ba nhân vật chính. Nếu Carrouges khẳng định anh luôn hết mực yêu thương, chiều chuộng vợ, Le Gris cố chứng minh Marguerite chủ động khiêu khích, khơi gợi ham muốn nơi anh, thì Marguerite cho thấy cả hai chỉ khao khát quan hệ thể xác, kiếm con nối dõi chứ không hề yêu thương cô.

Thông điệp ý nghĩa đề cao tinh thần nữ quyền

Mổ xẻ câu chuyện dưới 3 lăng kính khác nhau, The Last Duel khiến người xem xúc động và khâm phục ý chí của Marguerite.

Để tố cáo kẻ thủ ác, cô không ngại ngần đối diện với thách thức, định kiến ở xã hội lúc bấy giờ. Cô dũng cảm tường thuật chi tiết vụ cưỡng hiếp trước đám đông và hội đồng xét xử chỉ bao gồm đàn ông, cũng như trả lời câu hỏi chất vấn đầy khiếm nhã, mang nặng tính đổ lỗi từ họ.

Tiếc rằng, nỗ lực của Marguerite không được bất cứ ai, kể cả phái nữ đương thời, ủng hộ. Cô bị mẹ chồng hắt hủi, bị bạn bè xa lánh, thậm chí vướng cảnh bị lan truyền thông tin thất thiệt. Trong khi đó, lý do duy nhất khiến Carrouges đồng ý đứng về phía vợ là anh muốn lợi dụng bê bối để hủy hoại danh tiếng kẻ mình căm ghét.

Đỉnh điểm, Marguerite buộc đặt cược tính mạng vào cuộc đấu tay đôi mượn danh thánh thần. Phán quyết cho thấy cô ngay thẳng hay dối trá được phân định bằng trận thư hùng sống mái giữa hai người đàn ông, nơi kẻ mạnh mẽ và may mắn hơn sẽ giành chiến thắng, thay vì pháp luật nghiêm minh. Sự thật dường như chẳng còn quan trọng.

Qua loạt diễn biến căng thẳng, kết hợp với việc khắc họa cuộc sống hôn nhân buồn tẻ, nhiều áp lực mà Marguerite phải chịu đựng, đạo diễn Ridley Scott diễn tả chân thực số phận đáng thương của biết bao phụ nữ thời Trung Cổ. Ngoài ra, ông cũng gửi gắm thông điệp ý nghĩa đề cao tinh thần nữ quyền, tố cáo vấn nạn xâm hại tình dục đang ngày càng tinh vi, phức tạp hơn bao giờ hết.

Điểm mạnh và điểm yếu

Bên cạnh thể loại khoa học giả tưởng vốn là sở trường, Ridley Scott còn đứng sau thành công của không ít tác phẩm thuộc thể loại lịch sử, sử thi như Gladiator hay Kingdom Of Heaven. Bước sang The Last Duel, nhà làm phim kỳ cựu 84 tuổi tiếp tục ghi điểm nhờ sự chăm chút kỹ lưỡng về mặt bối cảnh, phục trang, và đặc biệt là yếu tố hành động.

Dẫu chiếm thời lượng khiêm tốn, các đại cảnh, trường đoạn chiến đấu xuyên suốt bộ phim đều được dàn dựng công phu. Loạt đòn đánh kết liễu kẻ thù tuy dứt khoát, bạo lực nhưng vẫn mang đến trải nghiệm thị giác ấn tượng, đậm chất điện ảnh.

Quy tụ dàn sao Hollywood thực lực, khán giả khó có thể tìm thấy điểm gì đáng chê về mặt diễn xuất ở tác phẩm. Hóa thân thành đôi bạn "bằng mặt không bằng lòng", Matt Damon và Adam Driver lột tả trọn vẹn sự đối lập thú vị giữa hai gã hiệp sĩ: Một Carrouges mang dòng máu quý tộc nhưng cục cằn, thô lỗ, trái ngược với Le Gris lịch lãm, điển trai, có học thức dù xuất thân từ tầng lớp bần hàn.

Dù vậy, bất chấp ấn tượng ban đầu, lối dẫn dắt tưởng chừng độc đáo của The Last Duel sớm bộc lộ hạn chế vào nửa cuối phim. Thủ pháp sử dụng hiệu ứng Rashomon nhằm phơi bày góc khuất bất ngờ đã trở nên quá quen thuộc với cộng đồng fan điện ảnh. Do vậy, người hâm mộ phim ảnh không mất nhiều thời gian để đoán ra ý đồ tác phẩm ngay từ chương hai (khoảng 60 phút đầu).

Còn trong mắt khán giả trẻ, lối tường thuật lặp đi lặp lại một câu chuyện duy nhất khả năng cao đem tới cảm giác nhàm chán. Hơn nữa, tiết tấu chậm rãi, ít cao trào, cộng thêm bầu không khí chính kịch nặng nề càng khiến họ mất kiên nhẫn, chỉ nóng lòng muốn biết kết cục trận đấu một cách nhanh chóng.

Nhìn chung, The Last Duel là tác phẩm điện ảnh chỉn chu, với kịch bản có lối sắp xếp rõ ràng cùng dàn diễn viên thực lực đồng đều. Tuy nhiên, nếu so với loạt tác phẩm mà Ridley Scott từng cầm trịch trước đây, đứa con tinh thần lần này của ông lại thiếu đi sự mới mẻ, đột phá trong cách kể chuyện, thông điệp và tính biểu tượng.

Đẳng cấp Lương Triều Vỹ

"Shang-Chi" cho thấy nỗ lực làm mới Vũ trụ Điện ảnh Marvel của Marvel Studios qua việc xây dựng hình tượng nhân vật phản diện Wenwu do Lương Triều Vỹ đóng.

Phim thần tượng Hàn Quốc giảm sức hút

Kịch bản cũ kỹ, diễn xuất non kém là nguyên nhân chính khiến phim truyền hình về chủ đề thần tượng không còn được khán giả xứ kim chi yêu thích.

Hai luồng tranh luận về 'Hellbound'

Nhiều nhà truyền giáo cho rằng cách tôn giáo được miêu tả trong phim ảnh Hàn Quốc có thể làm gia tăng sự thù ghét.

Nguyên Khánh

Bạn có thể quan tâm