Thể lệ Hoa hậu Việt Nam 2008 bị rút xuống thế nào?
Bản thể lệ Cuộc thi đăng trên TPO ngày 23/8 bị rút xuống là một thực tế hiển nhiên và được phát hiện ngày 6/9. Địa chỉ ID của bản thể lệ này lưu trong database của Google và Yahoo! khẳng định điều đó.
Tân Hoa hậu Thùy Dung bên cạnh bố mẹ và ông Dương Xuân Nam, trưởng Ban tổ chức |
Hỏi: Báo Tiền Phong Online (TPO) ngày 10/9/2008 có bài “TPO không rút thể lệ cuộc thi HHVN 2008 vào ngày 26/8” khẳng định không rút bản tin “Mời tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008” đăng ngày 23/1/2008 xuống hoặc chỉnh sửa.
Cũng trong bài này, TPO dẫn lời ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Yahoo VN cho rằng “công cụ cache hoàn toàn không thể ghi nhận được một bài báo nào đó trên mạng đã bị rút xuống hoặc thay đổi nội dung”.
Xin quý báo giải thích khẳng định nầy có chính xác không?
- Ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc Công ty Nhịp sống số trả lời:Theo tôi, để làm sáng tỏ vấn đề cần lý giải hai điểm sau:
1. Bản thể lệ có bị rút xuống hay không?
Kết quả tìm kiếm từ Google và Yahoo đều dẫn về đường 1 hoặc đường 2 link của bản thể lệ này đó là http://www.tienphong.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=109263&ChannelID=97 (thuộc chủ đề Hoa hậu) và http://www.tienphong.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=109168&ChannelID=82 (thuộc chủ đề Làm đẹp) với cùng titre bài là “Mời tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008”.
Theo bài “Sự thật về bản thể lệ cuộc thi HHVN "vượt rào quy chế" trên báo Pháp Luật ngày 6/9/2008, khi bấm vào link này thì trên trang web TPO chỉ hiện ra một trang trắng (không tìm thấy bài viết nói trên).
Ảnh chụp lại màn hình trang web TPO trên đây cho thấy, tại thời điểm đó bài viết này đã bị tháo xuống. Điều này có thể lý giải như sau: Mỗi bản tin khi được xuất bản lên website đều được gán một số định danh (ID) duy nhất (không trùng lắp), được ghi vào database (cơ sở dữ liệu) và tạo thành một đường link trong website.
Sau khi xuất bản lên website, công cụ tìm kiếm Yahoo hoặc Google sẽ chụp hình lại nội dung theo đường link trong website để cập nhật phục vụ công tác tìm kiếm cho người dùng internet.
Công cụ tìm kiếm Yahoo và Google khi chụp lại nội dung, thường lưu lại trên cơ sở dữ liệu của họ 1 phiên bản ngay lúc chụp (cache), nhằm phục vụ so sánh thời gian và nội dung xuất bản.
Khi tháo gỡ (rút) bản tin đã xuất bản xuống, cơ sở dữ liệu của Yahoo và Google vẫn lưu lại bản cache này.
Trong cơ sở dữ liệu của Yahoo và Google có bản cache này, điều đó khẳng định, bản tin đã được xuất bản tại thời điểm lưu giữ bản cache (ở đây là thời điểm ngày 23-1-2008).
Có thể nói đây là tình trạng “giấu đầu lòi đuôi”…
Nói nôm na, việc tháo gỡ tin đã xuất bản trên website trong tòa soạn điện tử giống như ta xóa một file theo cách thông thường. Khi đó, file bị xóa chỉ biến mất trong danh sách hiển thị của hệ điều hành nhưng vẫn còn nguyên trên đĩa cứng và có thể được phục hồi lại dễ dàng (xem Tiền Phong online đã khôi phục bản thể lệ bị rút xuống).
Tóm lại, có thể khẳng định: vào thời điểm sáng 6-9-2008, bản tin “Mời tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt nam 2008” xuất bản ngày 23-1-2008 đã không còn tồn tại trên Tiền phong Online dù ID vẫn còn. Nó bị rút xuống vào một thời điểm nào đó từ 01:05:48 GMT ngày 26-8-2008 (thời điểm công cụ cuối công cụ chụp tự động của Google chụp) trở về trước.
Thời điểm “01:05:48 GMT ngày 26/8” phải được hiểu theo nghĩa duy nhất đúng rằng: Trang "trắng" không có bài báo nào trong database của Google, mà Pháp Luật Online tìm ra được vào sáng thứ bảy 6-9, đã được Google “chụp” vào thời điểm 01:05:48 GMT ngày 26/8. Còn bản cache đã được Google lưu giữ trước đó.
Nó chỉ được đưa lên trở lại sau chiều tối 6-9-2008 sau khi bài “Sự thật về bản thể lệ cuộc thi HHVN "vượt rào" quy chế" của pháp Luật đưa lên mạng, và trước 22giờ tối lúc tác giả truy cập trở lại để phát hiện bản thể lệ đã được khôi phục.
2. Bản cache có ghi nhận được sự thay đổi nội dung của bản tin hay không?
Điều này hoàn toàn có thể trong trường hợp công cụ tìm kiếm đã lưu lại bản sao của bản tin trước khi bản tin được sửa đổi.Cần lưu ý, do cache chỉ được lưu ở lần “chụp hình” bản tin mới nhất nên việc đối chiếu sự khác biệt giữa bản cache và bản gốc thường chỉ có giá trị khi tìm kiếm và lưu bản cache trước khi bản tin được thay đổi. Nếu bản tin đã được thay đổi và cache lại sau đó thì sự khác biệt giữa bản tin hiện hữu và bản cache sẽ không có.
Nếu người truy cập web tìm kiếm cùng một bản tin trong nhiều thời điểm khác nhau và mỗi lần đều chụp lại màn hình để đối chiếu thì có thể so sánh được sự khác biệt nếu có giữa các bản cache với nhau và giữa bản cache với bản tin đang hiện diện trên website.
Việc sử dụng bản cache để đối chiếu xem nội dung một bản tin trên trang web có bị thay đổi sửa chữa hay không từ lâu đã trở thành công cụ của cộng đồng cư dân mạng. Việc dùng bản cache để trưng ra bằng chứng trong trường hợp có tranh luận đã rất phổ biến chứ không phải “hoàn toàn không thể” như ông Tổng giám đốc Yahoo VN khẳng định.
Theo Pháp luật