Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thể loại video ăn thùng uống vại xâm chiếm TikTok

Sự nổi lên của trào lưu #EatWithMe và mukbang khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu TikToker có đang giúp đỡ người bị rối loạn ăn uống hay chỉ tạo ra những clip câu view.

Trào lưu #EatWithMe không hỗ trợ giải quyết chứng rối loạn ăn uống. Ảnh: Reuters.

Các clip #EatWithMe trở nên phổ biến trên TikTok. Những đoạn video này thường ghi cảnh các cô gái trẻ đang ăn uống đồng thời khuyến khích mọi người thưởng thức thức ăn cùng mình.

Nhiều người sáng tạo nội dung cho biết mục đích của họ là giúp những cá nhân mắc chứng rối loạn ăn uống vượt qua nỗi sợ đồ ăn, theo The Conversation.

Tuy nhiên, một số clip gắn hashtag #EatWithMe cũng bắt đầu với hashtag #mukbang. Mukbang là trào lưu phát sóng cảnh tiêu thụ lượng thức ăn lớn bắt nguồn tại Hàn Quốc. Trong một vài năm trở lại đây, thể loại này bị lên án và tẩy chay vì lãng phí thực phẩm, thúc đẩy chế độ ăn không lành mạnh.

Mối liên hệ không rõ ràng giữa #EatWithMe và mukbang khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: Liệu các TikToker có đang thực sự giúp đỡ người bị rối loạn ăn uống hay chỉ tạo ra những clip ăn uống vô độ nhằm câu kéo lượt xem.

Rối loạn ăn uống

Các video #EatWithMe trên TikTok đại diện cho một thể loại tương đối mới, được nhen nhóm trong đại dịch.

Những người tạo clip #EatWithMe thường tuyên bố sẽ ảnh hưởng tích cực đến mối quan hệ của người xem với thức ăn.

Nhóm khuyến khích khán giả ăn cùng mình, như một cách để vượt qua cảm giác thèm ăn. Nhiều người sáng tạo cũng khẳng định mình đang hồi phục sau chứng rối loạn ăn uống.

Là một chuyên gia về rối loạn ăn uống, Vivienne Lewis, trợ lý giáo sư tâm lý học tại Đại học Canberra, nói với The Conversation rằng những clip dạng này rất khó có thể hỗ trợ mọi người phục hồi.

mukbang anh 1

Các clip mukbang phổ biến trên TikTok.

Trên thực tế, đam mê ăn uống và quan sát người khác ăn có thể là triệu chứng của chứng rối loạn ăn uống hạn chế. Xem nội dung #Eatwithme và mukbang thậm chí có thể tạo ra các vấn đề khác.

"Thứ nhất, phục hồi chứng rối loạn ăn uống không chỉ đơn thuần là ăn uống. Đó là về nhận thức của một người về cơ thể và bản thân họ, lòng tự trọng, cách họ đối phó với cảm xúc và cảm giác về giá trị bản thân".

Lewis giải thích phần ăn uống của quá trình phục hồi sau chứng rối loạn ăn uống bao gồm 5 giai đoạn được gọi là mô hình RAVES, viết tắt của ăn uống thường xuyên, ăn uống đầy đủ, ăn nhiều loại thực phẩm, ăn uống xã hội và ăn uống tự phát.

"Một người thường phải mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, để đạt được điều này. Nó đòi hỏi sự khuyến khích và hỗ trợ từ một chuyên gia dinh dưỡng được công nhận, một nhà tâm lý học được công nhận, gia đình và bạn bè. Nó không thể đơn giản đạt được chỉ bằng cách xem clip về những người đang ăn".

Rối loạn ăn uống là tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng cần được điều trị và chăm sóc chuyên khoa. Tìm đến những người có ảnh hưởng chưa được đào tạo để xin lời khuyên hoặc phương pháp điều trị đi kèm với nhiều rủi ro.

Mukbang trở lại

Đáng chú ý là nhiều video #EatWithMe bao gồm cả #mukbang. Các video có cả hai hashtag này không tập trung vào việc phục hồi chứng rối loạn ăn uống mà tập trung vào cảnh tượng nhìn thấy người khác ăn một bữa thịnh soạn một cách chân thực và ồn ào.

Các clip mukbang có cảnh mọi người ăn một lượng lớn thức ăn, chẳng hạn như bữa ăn 10.000 calo hoặc ngấu nghiến gần 50 miếng gà rán trong vài giờ.

Mukbang bắt nguồn từ Hàn Quốc vào khoảng năm 2008. Các video thuộc thể loại này được mô tả là "food porn" hay "gastronomic voyeurism", nhanh chóng trở thành một xu hướng quốc tế.

mukbang anh 2

Sự nhập nhằng giữa #EatWithMe và mukbang gây lo ngại. Ảnh: The Conversation.

Như nhà nhân chủng học Crystal Abidin đã quan sát thấy, khả năng tiêu thụ một lượng lớn thức ăn trong khi vẫn giữ được thân hình mảnh mai chính là điểm thu hút của clip mukbang.

Nhiều người sáng tạo nội dung mukbang có thân hình mảnh mai. Nhiều nơi ở châu Á có những tiêu chuẩn sắc đẹp cực kỳ khó khăn, đề cao sự gầy gò như một hình thể lý tưởng đáng để theo đuổi bằng bất cứ giá nào. Đối với những người bỏ đói bản thân để theo đuổi mục tiêu ngoại hình, mukbang gần như là sự giải phóng về mặt tâm lý.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mukbang bị tẩy chay tại nhiều nơi, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc, vì lãng phí đồ ăn và gây hại cho sức khỏe. Nhiều người quay mukbang từng phải nhập viện, thậm chí tử vong vì thói quen ăn uống thiếu lành mạnh.

Các video mukbang và #EatWithMe chia sẻ một số chủ đề hình ảnh phổ biến. Cả hai thường sử dụng hình ảnh một cô gái tương đối mảnh khảnh đang ăn như một hình thức giải trí và giải tỏa thị giác.

Không khó để thấy những người mắc chứng rối loạn ăn uống có thể bắt đầu bằng cách xem các video #EatWithMe xoay quanh việc phục hồi chứng rối loạn ăn uống nhưng cuối cùng lại theo dõi clip mukbang.

Với mối liên hệ giữa cộng đồng mukbang và cộng đồng rối loạn ăn uống trực tuyến, có vẻ như việc xem những video này sẽ không hữu ích cho một người đang cố gắng hồi phục.

Theo Sijun Shen, giảng viên về nghiên cứu truyền thông tại Đại học Monash, rối loạn ăn uống rất phức tạp và cần điều trị dựa trên y học thực chứng. Phương pháp điều trị này có thể tốn kém và khó tiếp cận, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi mọi người chuyển sang TikTok để được giúp đỡ.

Nhưng những người có ảnh hưởng trực tuyến thường không phải là chuyên gia được đào tạo.

"Mặc dù nhiều người sáng tạo nội dung có thể có ý tốt nhưng không có bằng chứng nào cho thấy xem các clip TikTok #EatWithMe hoặc mukbang giúp điều trị thành công chứng rối loạn ăn uống", chuyên gia nhận định.

Nạn nhân thực của trào lưu giúp đỡ người nghèo trên TikTok

Trong trào lưu "lan tỏa lòng tốt" trên TikTok, nhiều người cảm thấy bị quấy rầy, xúc phạm, chà đạp nhân phẩm vì những clip quay lén, tiết lộ danh tính và miệt thị hoàn cảnh.

Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.

> Xem thêm: Sách cho tuổi trẻ

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm