Cả ba bộ phim đều được đạo diễn bởi ba tên tuổi lớn và dàn ê-kíp tài năng. Cả ba đều là những câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ về ba người đàn ông (hai có thật, một hư cấu) không bao giờ lùi bước, không bao giờ thỏa hiệp cho giấc mơ, cho giá trị và công lý mà họ theo đuổi.
The Martian (Người về từ sao Hỏa): Thích thú gì khi cứ rên rỉ, kêu than
Cảnh phim Người về từ sao Hỏa. |
Bộ phim khoa học giả tưởng của đạo diễn Ridley Scott (69 tuổi), dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên rất ăn khách của nhà văn Andy Weir, được làm theo tiêu chuẩn của bộ phim bom tấn với kinh phí lên đến 110 triệu USD và cả ê-kíp hùng hậu đằng sau.
Bản thân Ridley Scott là đạo diễn rất thành công với các bộ phim thuộc thể loại khoa học giả tưởng, đặc biệt là về không gian và vũ trụ như Alien (1979), Blade runner (1982) hay gần đây là Prothemeus (2012).
Nhưng với dự án điện ảnh mới này ông gần như bỏ qua những thế mạnh của mình và cuối cùng lại là bộ phim khoa học giả tưởng dễ tiếp cận nhất (về mặt khoa học) và rất hấp dẫn (về mặt giải trí), mà vẫn không đánh mất những tiêu chuẩn của bộ phim có tư tưởng và nghệ thuật.
Hành trình đơn độc của phi hành gia Mark Watney (Matt Damon đóng) khi bị bỏ lại trên sao Hỏa sau một cơn bão chính là sức hấp dẫn của bộ phim. Khán giả được nhìn thấy phẩm chất của nhà khoa học khi đứng trước tình thế sống còn, và khả năng xử lý tình huống trong môi trường khắc nghiệt mà trước đó anh ta chỉ nghiên cứu qua sách vở.
Nhưng hơn cả thế, người xem thấy như được tiếp thêm cảm hứng từ một tinh thần lạc quan và vô cùng hài hước của viên phi hành gia kiêm nhà thực vật học, kẻ tìm cách gieo những hạt giống khoai tây trên hành tinh đỏ để nuôi sống mình trong thời gian rất dài trước khi được những người đồng nghiệp ở NASA đến cứu.
Chính tinh thần này của nhân vật đã mang lại bầu không khí tươi sáng cho toàn bộ câu chuyện và giúp khán giả say sưa với màn độc diễn của Matt Damon mà không bị nhàm chán. Nói như Matt Damon, hẳn người xem sẽ chẳng cảm thấy thích thú gì khi phải nhìn thấy gã nào đó cứ rên rỉ, kêu than trong suốt hơn hai giờ.
The walk (Bước đi thế kỷ): Để vượt thoát khỏi khuôn mẫu
Cảnh phim The walk. |
Bộ phim của Robert Zemeckis, tác giả những bộ phim từng đoạt Oscar và rất ăn khách như Forrest Gump, Back to future, Cast away... bộ phim này dựa theo sự kiện có thật từng gây chấn động hồi thập niên 1970 của thế kỷ trước về một người đàn ông không sử dụng biện pháp bảo hộ đã đi qua đỉnh của hai tòa nhà Trung tâm Thương mại thế giới tại New York chỉ bằng một sợi dây cáp. Đó là một người đàn ông Pháp có tên Philippe Petit, người được mệnh danh là kẻ đi trên mây, kẻ tạo ra những cú đảo chính nghệ thuật mang tầm thế kỷ.
Câu chuyện của Petit đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người và từng được tái hiện trong bộ phim tài liệu Man on wire của đạo diễn James Marsh năm 2008 (đoạt giải Oscar cho phim tài liệu xuất sắc nhất).
Bản phim truyện của đạo diễn Robert Zemeckis với diễn xuất của tài tử trẻ Joseph Gordon-Levitt mang đến những hình ảnh ngoạn mục về thị giác (như thế mạnh vốn có của đạo diễn này), đặc biệt là trong 30 phút cuối với màn... khiêu vũ và đùa giỡn của Petit trên sợi dây cáp nối giữa hai tòa nhà ở độ cao 415 m.
Dù được quay bằng phông xanh và thực hiện hoàn toàn bằng kỹ xảo, những hình ảnh từ nhiều góc độ mô tả những “bước đi thế kỷ” của Philippe Petit mang lại cho người xem rất nhiều sự hứng khởi. Đó là sự hứng khởi về một người nghệ sĩ ngông cuồng, dám vượt qua những giới hạn không chỉ của bản thân mà cả con người để tạo ra sự thách đố.
Đó là sự hứng khởi về những người nghệ sĩ dám vượt thoát ra khỏi khuôn mẫu, thậm chí là những điều không tưởng. Và để tạo ra một cú nổ mang tầm thế kỷ, người nghệ sĩ đó không ngừng nuôi dưỡng ước mơ từ lúc là một cậu bé 8 tuổi, không ngừng rèn luyện và thách thức bản thân mình, bắt đầu từ sợi dây nhỏ đi trong vườn nhà đến sợi dây nối giữa nhà thờ Đức Bà Paris và cuối cùng là sợi dây nối giữa hai tòa nhà cao nhất thế giới vào thời điểm ấy.
Bridge of spies (Người đàm phán): Người đứng thẳng
Cảnh phim Người đàm phán. |
Một bộ phim mang đầy đủ “tiêu chuẩn Mỹ” với dàn tên tuổi lớn của điện ảnh Mỹ như đạo diễn Steven Spielberg, diễn viên Tom Hanks và nhà quay phim Janusz Kamiski - bộ ba đều đoạt hai giải Oscar trong sự nghiệp của họ và từng cộng tác chung trong bộ phim Saving private Ryan (1998).
Chưa hết, kịch bản còn được chấp bút bởi hai anh em nhà Coen, hai tên tuổi lớn khác cũng có ít nhất hai tượng vàng Oscar “bỏ túi”. Bộ sậu này đã mang lại cho bộ phim về đề tài chiến tranh lạnh vốn được điện ảnh Mỹ khai thác rất nhiều một sự hấp dẫn đặc biệt. Sự hấp dẫn đó không đến từ kịch tính (thậm chí còn bị triệt tiêu để không biến thành một bộ phim dễ dãi) mà đến từ tư tưởng và “giá trị Mỹ” mà các nhà làm phim xây dựng.
Dù ít nhiều mang màu sắc tuyên truyền và anh hùng ca như nhiều bộ phim lịch sử khác, vẻ đẹp tinh thần của nhân vật luật sư James B. Donovan (Tom Hanks đóng), người không bao giờ thỏa hiệp và lùi bước trước công lý, trước giá trị mà ông theo đuổi đã chinh phục người xem bởi những nhân vật như thế đang vắng bóng dần trên màn ảnh lẫn ngoài đời sống.
Trong một đoạn đối thoại ở nhà tù giữa James và Rudolf Abel, một điệp viên của Xô viết đang bị FBI bắt giữ mà James là người bào chữa, Rudolf nói rằng hình ảnh viên luật sư khiến ông ta nhớ lại hình ảnh người lính bạn của cha ông ta, kẻ dù bị tra tấn tàn bạo vẫn luôn tìm mọi cách để đứng thẳng dậy. Và khi James hỏi ngược lại điều gì ở ông khiến Rudolf nhớ tới người đàn ông ấy, Rudolf đã trả lời rằng: “Standing man, standing man” (Người đứng thẳng).
Cũng phải lâu lắm rồi khán giả mới gặp lại nhân vật luật sư như James B. Donovan, người mà với vẻ đẹp toát ra từ tinh thần và tính cách không lùi bước của nhân vật đã khiến người xem như được tiếp thêm niềm tin khi bước ra khỏi rạp chiếu phim.