“Show diễn tiền tỉ”, hay một show diễn có tiêu chuẩn ngang hàng với nhà mốt quốc tế là những gì mà người khác hay nói khi đề cập đến buổi trình diễn thời trang của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường. Hay nói đúng hơn là người khác “nhắc lại” qua tuyên bố của anh. Và The Muse 2 đã chứng minh điều đó.
Điều đầu tiên thể hiện đẳng cấp đó, chính là The Muse 2 là show diễn thời trang hiếm hoi có quy mô và mức độ chú ý ngang với những sự kiện giải trí. Điều này có được không chỉ nhờ mức độ đầu tư lớn, sự hùng mạnh trong công tác truyền thông và dàn ngôi sao góp mặt trên sàn diễn; mà còn bởi cá nhân nhà thiết kế.
Không giống như các nhà thiết kế khác chỉ chuyên làm thời trang, Đỗ Mạnh Cường được nhiều người biết đến với hàng loạt sự kiện và phát ngôn thẳng thắn. Độ phủ sóng của anh ngang tầm với những ngôi sao hàng đầu.
Và vì thế, các show diễn của anh luôn luôn được chú ý bởi số đông công chúng - điều mà ngay cả những tuần lễ thời trang được tổ chức công phu cũng khó lòng đạt được.
Sự xuất hiện của Tăng Thanh Hà giúp show của Đỗ Mạnh Cường đạt hiệu ứng truyền thông. |
Tuy nhiên, sự chú ý đó cũng mang lại những điểm yếu chí mạng, vì chúng không thể thay thế được tính đột phá trong tư duy và sáng tạo - điều rất quan trọng trong một sự kiện thời trang.
Một màu và nhàm chán
Quy tụ dàn ngôi sao đình đám nhất Việt Nam và thể hiện lại những thiết kế thành công trong 10 năm vừa qua, show diễn The Muse 2 dường như có nhiều yếu tố giải trí hơn là trình diễn nghệ thuật thời trang đích thực.
Với The Muse 2, hiệu ứng sân khấu hay những bộ phục trang thể hiện rõ óc sáng tạo, đột phá trong tư duy thiết kế dường như không xuất hiện. Cũng khó trách khi Đỗ Mạnh Cường đã nói rõ đây chính là sự tái hiện những mẫu đồ thành công nhất trong 10 năm vừa qua.
Mà “thành công”, chính là được nhiều người ưa chuộng. Điều đó cũng tương đương với việc những thiết kế ấy thoả mãn thị hiếu của đám đông và không có các yếu tố cầu kỳ hay phá cách.
Quả vậy, The Muse 2 đẹp. Nhưng đó là một cái đẹp khá an toàn và nhàm chán. Cả show diễn rực một màu đỏ chói, như đưa người xem bước vào cả thế giới ảo vọng của riêng nhà thiết kế, một thế giới dễ dàng đến mức nhìn bộ phục trang nào cũng có thể thấy được hình ảnh mình trong đó, với phom dáng an toàn và một màu độc nhất.
Những bộ phục trang được trình diễn trong The Muse 2 mang phom dáng đơn giản và tuyền một màu đỏ. |
Chính vì thế, cả show diễn The Muse 2 không sai. Còn sai làm sao được, khi anh chỉ dùng đúng một màu đỏ cho cả bộ sưu tập? Còn sai làm sao được, khi anh dùng toàn những phom dáng kinh điển không bao giờ lỗi mốt?
Và còn sai làm sao được, khi anh đã tập trung mọi sự chú ý quanh mình với dàn ngôi sao, mỹ nữ hàng đầu của Việt Nam?
Thế nhưng, The Muse 2 vẫn còn thiếu gì đó. Một cái gì sáng tạo và đột phá. Đành rằng, việc dùng đúng một màu trong cả bộ sưu tập là điều không riêng Đỗ Mạnh Cường mới có. Điều đó đã được thể nghiệm rõ trong show diễn Ralph Laurent Xuân Hè 2018 hay Dior Thu Đông năm 2017.
Nhưng chí ít, trong đó vẫn có nhiều yếu tố sáng tạo trong phom dáng và chất liệu đặc biệt. Nhưng The Muse 2 có gì? Có lẽ chỉ là một màu đỏ rực rỡ nhưng vô cùng buồn chán.
Với những ai đã trông chờ một điều gì đó hoành tráng và đột phá trong show diễn kỷ niệm, The Muse 2 có lẽ là một sự thất vọng. Nhưng với những ai yêu cái đẹp đơn thuần, và mong chờ tính ứng dụng cao trong những món đồ thời trang, The Muse 2 đã đủ để thoả mãn.
Mặt trái của cái đẹp
Tất nhiên, khả năng thiết kế của Đỗ Mạnh Cường không dừng lại ở đó. Anh hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn thế, nhất là khi nhìn lại quãng đường đầu lập nghiệp và các show đầu đời, khi còn chưa bị hòa lẫn nhiều vào yếu tố thị trường.
Các thiết kế hồi ấy, có thể còn đôi chút vụng về hay mơ mộng, nhưng ít nhất chúng thể hiện được một óc tưởng tượng và khả năng thể nghiệm những điều mới - những yếu tố rất cần trong thế giới thời trang.
Phần trình diễn Haute Couture vào lúc kết show diễn, tuy cũng thể hiện sự sáng tạo nhất định trong tính toán về hình khối và chất liệu, nhưng vẫn chưa đủ để được xem là đột phá. Chúng hoàn toàn lạc lõng với những gì được thể hiện ngay từ đầu show diễn.
Các thiết kế avant garde độc đáo nhưng lại quá chênh lệch với toàn bộ phần còn lại của show diễn. |
Chúng cồng kềnh, nặng nề và tính ứng dụng bằng không. Điều đó không quan trọng, vì với Haute couture, mọi thứ đều có thể. Nhưng Haute couture của The Muse 2 đơn giản chỉ là sự thể hiện cái tôi và không nói lên được gì khác.
Đó là chưa kể nhiều mẫu trong số đó khiến người xem liên tưởng đến show diễn trước đây (The Little Black Dress), với tông màu chuyển từ đen sang đỏ.
Nhưng cuối cùng, những gì Đỗ Mạnh Cường thể hiện, hay những gì mà anh muốn mọi người thấy rằng anh đang thể hiện, cũng đúng với những gì đang diễn ra trong thế giới thời trang.
Đó là khi sự hiện diện của những người như Alexander McQueen, Rei Kawabuko hay Rick Owens ngày càng mất dần đi, khi Dior đang bị xem “mất chất” dưới thời Maria Chiuri thay vì John Galliano, hay khi các nhà mốt lớn dần hướng đến tầng lớp khách hàng mới.
Vì thế, nếu nói show diễn The Muse 2 có “đẳng cấp quốc tế, ngang tầm với nhà mốt hàng đầu”, có lẽ cũng không phải là quá lộng ngôn.