Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế nào là 'Trung thu đúng nghĩa' trong lòng các 8X, 9X đời đầu?

Thật lạ khi ta chẳng thể nhớ mình đã làm gì và ở đâu vào Trung thu năm ngoái, trong khi ký ức về ánh sáng lấp lánh của chiếc đèn ông sao ngày bé lại lưu luyến mãi nơi tâm trí.

M

ột ngày, đám trẻ chúng tôi ngồi lại với nhau lên kế hoạch cho đêm Trung thu. Nhiều phương án được đưa ra, nhiều địa điểm được gợi ý, nhưng rồi đứa nào cũng ngao ngán lắc đầu vì chắc chắn những nơi đó ngày rằm sẽ đông nghịt người. 

Chẳng đứa nào muốn dành một đêm trăng mắc kẹt giữa tắc đường, xe cộ, ồn ào, đông đúc, chắc chắn không ít mệt mỏi và cáu kỉnh, mà tiệt chẳng còn sự háo hức hay niềm vui.

Rồi những buổi chiều, chạy xe trên đường phố Sài Gòn, thấy tràn ngập vỉa hè cửa hàng bánh nướng, bánh dẻo treo biển "mua 1 tặng 4", lòng vừa bồi hồi, song cũng vừa nhoi nhói.

Thật kỳ lạ khi tôi chẳng nhớ mình đã ở đâu và làm gì vào Trung thu năm ngoái, nhưng mùi thơm dịu dàng của xâu hạt bưởi đốt ở sân nhà, hay ký ức về ánh sáng lấp lánh của chiếc đèn ông sao, lại cứ vương vấn mãi trong tim.

Trung thu anh 1

Trung thu Hà Nội trong tôi là...

Hà Nội trong trí nhớ của tôi rất tối vì không có ánh đèn đường và chỉ sáng nhất vào đêm Trung thu.

Cái hình ảnh như nhà văn Băng Sơn từng miêu tả: "Phố Hàng Mã rực rỡ đèn hoa, nến và đồ chơi trẻ em. Phố Hàng Trống tưng bừng trong tiếng trống ếch, trống quân.

Không bánh Trung thu ở đâu sánh được với sản phẩm do chính tay những người thợ thủ công Hàng Đường, Hàng Buồm làm ra.

Phố Hàng Gai chuyên buôn bán giấy vốn là khu phố quý tộc nên hàng năm, cứ đến Tết Trung thu, những tiểu thư con nhà giàu ở đây lại 'khoe' sự khéo léo bằng việc trang trí và bày biện những mâm cỗ trên vỉa hè" đã miêu tả chính xác "36 phố phường" rộn ràng những ngày gần rằm tháng 8.

Trước Trung thu cả tuần, bố tôi sẽ bỏ vài bữa bia ở Chuồng cọp Cổ Tân hay Chuồng cọp Phùng Hưng để ở nhà chuẩn bị làm đèn Trung thu cho con.

Ông vót tre, làm khung, cắt dán loại giấy mỏng tang đủ để thấy ánh nến sáng bừng, trang trí đèn bằng giấy màu thủ công và dán bằng cơm nguội nấu nát.

Tôi không muốn nhớ lại năm ấy mình từng trách bố sao không khéo léo như bố đứa bạn hàng xóm, khi chú ấy có thể làm được chiếc đèn cá chép, đèn con gà, đèn mũ ông sư, đèn con thỏ, đèn xếp... đẹp lạ kỳ.

Trong khi bố tôi, bằng đôi tay vụng về của một người công nhân nhà máy ôtô Hòa Bình, chỉ có thể làm được chiếc đèn cù bằng vỏ lon bia, ống bơ, hay lén đổ hộp xà phòng Daso đắt đỏ của vợ, rồi lồng que kẽm vào làm tay xách cho con gái nghênh ngang khoe khắp khu phố nghèo.

Mâm cỗ Trung thu của những gia đình Hà Nội xưa cũng lắm kiểu cách. Ngoài các thức quả của mùa thu như nải chuối trứng cuốc chín vàng; trái na vỏ mỏng tang, mắt đều tăm tắp; trái bưởi vàng rám nắng, trái hồng vỏ căng bóng... sẽ phải là các món ăn "có xanh có chín".

Những đứa trẻ ngày đó được chuẩn bị cho chiếc bánh dẻo hình lợn con, bày bên cạnh các loại bánh Trung thu, khi ăn uống kèm với bình trà ướp sen. Đừng quên những con tò he mang hình thủy thủ mặt trăng, Tôn Ngộ Không, dũng sĩ Hecman... được làm bằng bột tẻ cứng cáp có thể chơi được vài tuần.

Mâm cỗ nhắm trông trăng đêm rằm cho cả nhà thường do mẹ tôi "đạo diễn". Sẽ có đĩa ốc nhồi lá gừng, với ốc đã ráo nước, giã mềm, trộn cùng giò sống, thêm mộc nhĩ, nấm hương, nhồi lại vào vỏ, chêm chút lá gừng, rồi hấp nước mắm hành thơm lừng.

Hồ Tây mùa thu, cá trắm béo tròn, thịt giòn dai, thơm lừng và ngọt lừ, được câu lên, rửa sạch với muối tinh, hấp lên rồi chấm tương Cự Đà, ăn kèm lá húng thơm dịu mát trồng ở làng Láng, một trong những loại đặc sản của Hà Thành gồm "Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm, cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây". 

Trung thu anh 2

Thú vui của những đứa trẻ ngày ấy

Lũ trẻ chúng tôi tối hôm ấy, tay cầm đèn lồng phết giấy, đứa mang ghế, đứa mang bao tải dứa, có khi là một cục gạch, ra sân trước Nhà hát Cải lương 72 Hàng Bạc xí chỗ ngồi xem văn nghệ.

Sau đó là màn hát múa, chơi trò công chúa, hoàng hậu của đám con gái, hay màn bắn súng nước "cao bồi" của tụi con trai.

Chỉ có đêm Trung thu mới biết trẻ con đông đến mức nào. Đúng giờ, từng hàng dài vừa rước đèn, vừa đi theo đoàn múa lân, lần lượt qua Hàng Da, Hàng Điếu, Lò Rèn, Cửa Đông, Hàng Phèn, Hàng Vải, Lãn Ông, rồi lại vòng về Thuốc Bắc, Hàng Điếu, Hàng Quạt. Tất cả khu phố tuổi thơ tôi đều rộn ràng với tiếng trống quân, tiếng hát nhộn nhịp, hân hoan.

Tôi nhớ chiếc đèn ông sao nhỏ tí xíu mà mình từng chơi ba năm không biết chán, dù vẫn là những lớp nan tre ấy, vẫn là lớp bóng kính đã sờn màu sơn, nhưng chỉ cần ánh nến thắp lên là có thể khiến đôi mắt trẻ con hấp háy.

Tôi vẫn không tìm lại được mùi thơm của tinh dầu bưởi và đốm lửa nổ tanh tách bắn ra từ những tia sáng của dây pháo hạt bưởi ngày nào.

Có lẽ trẻ con bây giờ không được biết tới những chiếc giấy bóng gói oản xanh đỏ tím vàng như chứa đựng cả trăm điều lung linh, mà ngày đó chỉ có những đứa nhà khá giả ở phố Hàng Giầy mới sở hữu. 

Hay cảm giác hạnh phúc rất thơ ngây khi đứng xếp hàng chờ phá cỗ, được phát cho một góc chiếc bánh nướng nhân thập cẩm lạp xưởng cắt nhọn hoắt như mảnh sắt khêu ốc.

Và nhớ nhất là nỗi ghen tỵ thèm thuồng khi nhìn những đứa trẻ sở hữu những chiếc mặt nạ, đèn kéo quân, bóng trang kim rực rỡ bóng loáng.

Mẹ tôi, một người phụ nữ Hà Nội điển hình, từng nói với tôi ngày còn nhỏ, rằng Tết Trung thu mới là dịp Tết đúng nghĩa, khi gia đình nào cũng quây quần đông đủ, trẻ con được phá cỗ, vui hội đêm rằm, còn người lớn không phải "chạy sô" sắm sửa tốn kém hay mệt mỏi vì thăm hỏi họ hàng.

Trung thu anh 3

Thật ra Trung thu vẫn ở đó, nhưng sự thay đổi theo thời gian là điều chắc chắn phải xảy ra. Đêm rằm tháng 8 thời hiện đại cũng vắng bóng cảnh quây quần sum vầy, mâm cỗ thành kính đêm trăng tròn bắt đầu dần thưa thớt.

Thế hệ trẻ con ngày nay chắc chắn sẽ lại có những ký ức khác về Trung thu. Những hoài niệm, tiếc nuối hay cảm giác nao nao trống vắng chỉ dành cho người từng đi qua tuổi thơ với phá cỗ, trông trăng, xem múa lân, rước đèn ông sao.

Chỉ có chúng tôi, những đứa trẻ ngày nào cùng phá cỗ, rước đèn ở các con phố cũ dù đều đã lớn lên, vẫn như một kẻ cố chấp luôn ngóng trông và nuối tiếc những ngày xưa ấy. 

Lễ hội rước đèn Trung thu lớn nhất Việt Nam 3.000 học sinh tham gia lễ hội rước đèn Trung thu tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), diễu hành qua các phố. Đây là lễ hội Trung thu được công nhận lớn nhất Việt Nam.

'Mách nước' để hội ế vẫn vui vẻ một mình đón Trung thu

Trung thu không chỉ là ngày vui chơi của trẻ em mà còn là dịp hẹn hò lý tưởng cho các đôi yêu nhau. Nhưng đối với dân F.A, họ sẽ làm gì khi chỉ có một mình?

Ngân Giang

Đồ họa: Sang Ngô

Bạn có thể quan tâm