Sau 9 tháng, phải khẳng định rằng 2016 là năm bội thu đối với thể loại kinh dị, giật gân. Hàng loạt tác phẩm kinh phí thấp như Lights Out, Don’t Breathe, 10 Cloverfield Lane hay The Shallows để lại ít nhiều ấn tượng trong lòng khán giả nhờ ý tưởng và cách thể hiện mới lạ.
Tại châu Á, The Wailing (tạm dịch: Tiếng than) là một trong ba tác phẩm đại diện cho Hàn Quốc tại Liên hoan phim Cannes 2016, thuộc thể loại kinh dị và nhận nhiều lời khen ngợi không kém bom tấn Train to Busan về mặt chất lượng.
Vẫn là câu chuyện trừ ma diệt quỷ quen thuộc, nhưng dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Na Hong Jin, The Wailing mang lại trải nghiệm mới về sự sợ hãi, xen lẫn nhiều nỗi mơ hồ khó đoán định.
Với 6,87 triệu lượt khán giả, The Wailing hiện nằm trong top 5 phim ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2016. Ảnh: Fox. |
Cốt truyện lắt léo, nhiều bất ngờ
Khi cô con gái bé bỏng bỗng nhiên trợn tròn mắt rồi hét lên rằng: “Tao sẽ giết mày!”, viên cảnh sát Jong Goo (Kwak Do Won) mới thực sự nhận thấy điều bất thường trong mái ấm của mình. Từ một cô bé ngoan ngoãn hiền lành, Hyo Jin (Kim Hwan Hee) như biến thành người hoàn toàn khác.
Cô bé trở nên háu ăn như thể đã bị bỏ đói lâu ngày, khắp người nổi mẩn đỏ và bắt đầu có nhiều cử chỉ kỳ lạ. Lần cuối cùng Jong Goo còn thấy Hyo Jin bình thường là khi cô bé mang quần áo đến trụ sở cảnh sát cho bố.
Đó là một đêm kinh hoàng đối với toàn bộ dân làng Gokseong, khi hàng loạt vụ án mạng kỳ lạ xảy ra mà chưa có lời đáp.
Ở những cảnh quay đầu tiên của The Wailing, đạo diễn Na Hong Jin đưa người xem đến ngôi làng Gokseong (cũng là tên gốc tiếng Hàn của bộ phim) vào một buổi sáng mưa nặng hạt. Khi trời còn nhá nhem tối, Jong Goo nhận cú điện thoại báo tin về một vụ giết người. Anh vội vã sửa soạn y phục, tranh thủ dùng cơm sáng rồi đi tới đến hiện trường.
The Wailing mở đầu bằng vụ thảm sát trong cơn mưa nặng hạt. Đó chưa phải là điều tồi tệ nhất xảy đến với ngôi làng Gokseong. Ảnh: Fox. |
Ống kính máy quay theo sát những bước chân của viên cảnh sát, cho đến khi anh đột ngột dừng lại, sững sờ trước cảnh tượng mà mình trông thấy: một người đàn ông gầy gò đang ngồi trước hiên nhà, toàn thân dính đầy máu, da lở loét như cái xác đang bị thối rữa, đôi mắt chỉ còn lòng trắng mà không rõ đang nhìn về đâu.
Sau lưng gã đàn ông là hiện trường vụ thảm sát. Toàn bộ gia đình vừa bị chính gã đâm chết và cả vài cái xác khác được đem đến từ nơi khác.
Liệu có mối liên hệ gì giữa những vụ thảm sát ở làng Gokseong và thái độ kỳ lạ của Hyo Jin hay không? Kết quả xét nghiệm cho thấy gã sát nhân đã ăn phải loại nấm độc có khả năng gây rối loạn thần kinh, khiến người ta phát điên. Giả thiết ấy càng có cơ sở khi triệu chứng của hắn cũng trùng khớp với một số người dân khác trong làng, bao gồm Hyo Jin.
Một ông lão người Nhật Bản trở thành đối tượng điều tra của cảnh sát và khiến câu chuyện càng trở nên rối ren. Ảnh: Fox. |
Tuy nhiên, Jong Goo và cộng sự lại chuyển hướng nghi ngờ đến một lão già người Nhật Bản (Jun Kunimura) mới chuyển tới sống trên ngọn núi gần ngôi làng.
Tất cả sự kiện kỳ lạ ở Gokseong chỉ bắt đầu kể từ khi lão xuất hiện. Một số lời đồn đại cho rằng ông lão ở truồng trên núi, ăn thịt tươi thú rừng và có đôi mắt đỏ như máu. Chuyện càng trở nên phức tạp khi Gong Joo quyết định đột nhập vào nhà lão.
Kịch bản pha trộn nhiều thể loại
Với thời lượng 156 phút và nhịp phim khá chậm rãi, The Wailing là thách thức thực sự đối với bất kỳ khán giả nào, đặc biệt bởi đoạn kết tương đối mơ hồ và gây ra nhiều tranh luận. Đạo diễn kiêm biên kịch Na Hong Jin đã chủ ý xây dựng tác phẩm giống như trò chơi ghép hình mà mỗi người xem phải tự mò cách sắp xếp để tìm ra lời giải.
Kịch bản phim gần như không đi theo cấu trúc ba hồi truyền thống, mà liên tục xoay chuyển với những tình tiết mới, mà mỗi phần lại mang sắc thắi khác nhau.
The Wailing khởi đầu như tác phẩm trinh thám giật gân (thriller), để rồi sau đó chuyển hướng sang câu chuyện trừ tà (exorcism). Ban đầu giọng kể chuyện của Na Hong Jin còn pha một chút hài đen (black comedy), nhưng càng về sau càng trở nên tăm tối và mang đúng chất kinh dị (horror) khi khép lại.
The Wailing mang nhiều yếu tố thể loại khác nhau. Điều quan trọng là mỗi lần "bẻ cảm xúc" khán giả, Na Hong Jin đều làm rất tốt. Ảnh: Fox. |
Do được pha trộn từ nhiều thể loại khác nhau, có thể thấy The Wailing tham chiếu rất nhiều tác phẩm quen thuộc. Cốt truyện chính khiến người xem liên tưởng ngay đến những “tượng đài” của dòng phim kinh dị, như The Exorcist (1973) hay The Shining (1980), khi vẫn là câu chuyện “trừ ma diệt quỷ” lồng ghép với tình cảm gia đình.
Bối cảnh làng quê nghèo Gokseong của bộ phim lại khiến gợi nhớ đến Memories of Murder (2003) hay Mother (2009) của Bong Joon Ho, hai tác phẩm hình sự kinh điển của Hàn Quốc.
Thậm chí, Na Hong Jin còn khéo léo đưa nhiều yếu tố khác như xác sống (zombie), kinh thánh hay tôn giáo vào mạch phim, nhằm đánh lạc hướng người xem.
Bước tiến mới của đạo diễn Na Hong Jin
Hai tác phẩm trước của Na Hong Jin là The Chaser (2008) và The Yellow Sea (2010) đều thuộc thể loại hình sự giật gân với những cảnh hành động nghẹt thở, đặt trong bối cảnh đô thị phồn hoa. Do đó, có thể xem The Wailing là bước chuyển mình đáng nhớ trong sự nghiệp của nhà làm phim.
Na Hong Jin đã rất nỗ lực trong việc “định nghĩa lại” dòng phim trừ ma diệt quỷ, đề tài vốn bị Hollywood khai thác đến sáo mòn trong nhiều năm qua.
Ông sử dụng nhiều “nguyên liệu” quen thuộc sẵn có, nhưng đồng thời tìm cách né tránh những lối mòn. Không có nhiều pha hù dọa bất ngờ (jump scare), mà bản thân câu chuyện của The Wailing đã thấm đẫm chất kinh dị, gây ra không khí ngột ngạt bao trùm.
Bộ phim để lại nhiều câu hỏi cho khán giả thông qua đoạn kết. Mỗi người xem có thể tự đúc kết ra một cách diễn giải riêng cho bầu không khí sợ hãi mà mình vừa trải qua. Ảnh: Fox. |
Trong The Chaser, nam diễn viên Ha Jung Woo từng vào vaitên sát nhân điên loạn, giết người không cần lý do. Đến The Yellow Sea, anh tiếp tục vào vai gã sát thủ vượt biên theo yêu cầu mà chẳng biết rõ lý do mình phải phạm tội.
Tương tự như hai tác phẩm trước đó của Na Hong Jin, The Wailing tiếp tục mang cái cảm giác “không rõ vì sao” đến cho người xem, nhưng ở cường độ cao hơn hẳn. Đạo diễn luôn tìm cách dồn nhân vật đến cuối chân tường và không để cho họ có bất cứ lối thoát nào.
Xuyên suốt bộ phim, Jong Goo không hề biết mình cần phải làm gì để cứu con gái. Anh cũng không rõ thế lực mà mình đang phải đối mặt là ai, liệu là người hay ma quỷ?
Sự hoang mang và tuyệt vọng của Jong Goo và cả dân làng Gokseong trong hành trình tìm kiếm sự thật chính là nỗi sợ hãi kinh hoàng mà có thể khiến bất cứ ai cũng phải “sởn gai ốc” ngay khi bộ phim đã khép lại.