Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của chánh án TAND Tối cao, hủy quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội, giữ nguyên bản án phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng bảo lãnh.
Nguyên đơn là Công ty TNHH KNV (công ty V), đồng bị đơn là Công ty TNHH SX&TM phân bón Cửu Long Việt Nam (Công ty Cửu Long) và Ngân hàng TMCP Việt Á (ngân hàng).
Theo hồ sơ, ngày 12/4/2016, công ty V ký hợp đồng với Công ty Cửu Long mua 3.000 tấn phân bón, tổng trị giá 15,3 tỷ đồng. Thời gian giao hàng chậm nhất là 20 ngày làm việc kể từ ngày bên bán nhận tiền ký quỹ/tạm ứng của bên mua.
Thông báo rút kinh nghiệm của VKSND Tối cao. |
Trường hợp bên bán chậm giao hàng, không giao hàng mà lỗi do bên bán thì phải chịu phạt 5% giá trị hợp đồng và trả lãi tiền ký quỹ/tạm ứng cho bên mua theo lãi suất ngân hàng.
Ngày 15/4/2016, bên mua đã chuyển 3,06 tỷ đồng vào tài khoản bên bán tại Ngân hàng Việt Á để đóng tiền ký quỹ/tạm ứng.
Số tiền này được ngân hàng phát hành thư bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước (thư bảo lãnh hoàn tạm ứng) ngày 14/4/2016.
Sau đó, ngân hàng có thư tu chỉnh bảo lãnh ngày 4/5/2016 tu chỉnh hiệu lực của thư bảo lãnh chấm dứt hiệu lực vào 17h ngày 9/5/2016.
Tuy nhiên, bên bán không giao hàng theo hợp đồng và đã hoàn trả 1,55 tỷ đồng cho bên mua, còn 1,51 tỷ đồng chưa trả.
Do đó, công ty V khởi kiện yêu cầu Công ty Cửu Long thanh toán tiền lãi, tiền phạt, yêu cầu ngân hàng thanh toán tiền tạm ứng ký quỹ còn thiếu là 1,51 tỷ đồng.
TAND quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng xử sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, buộc ngân hàng trả cho công ty V 1,51 tỷ đồng, buộc Công ty Cửu Long thanh toán cho công ty này 946,2 triệu đồng.
Công ty Cửu Long và Ngân hàng Việt Á kháng cáo bản án sơ thẩm.
TAND TP Hải Phòng xử phúc thẩm quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của Công ty Cửu Long, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau đó, ngân hàng có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tháng 6/2018, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội, hủy cả hai bản án sơ và phúc thẩm.
Công ty V, TAND TP Hải Phòng đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm trên.
Ngày 26/2, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã quyết định như trên.
VKSND Tối cao thông báo rút kinh nghiệm
Nhận thấy quá trình giải quyết ở cấp giám đốc thẩm (cấp cao) có một số vi phạm, ngày 28/4, VKSND Tối cao đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm.
Cụ thể, Công ty Cửu Long không thực hiện nghĩa vụ giao hàng trong thời hạn. Tòa cấp sơ thẩm buộc công ty này trả cho công ty V 946,2 triệu đồng gồm tiền phạt và tiền lãi là có căn cứ.
Công ty Cửu Long kháng cáo, tòa đã triệu tập hợp lệ hai lần nhưng vắng mặt. Do đó, tòa cấp phúc thẩm quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của công ty này là có căn cứ.
Quyết định giám đốc thẩm của tòa cấp cao không nhận định, đánh giá khoản tiền Công ty Cửu Long phải trả cho công ty V nhưng lại hủy toàn bộ hai bản án sơ và phúc thẩm là không đúng.
Do Công ty Cửu Long vi phạm nghĩa vụ giao hàng nên trước 17h ngày 9/5/2016, công ty V đã có công văn yêu cầu ngân hàng dừng bảo lãnh và hoàn trả tiền ứng trước.
Cùng ngày, ngân hàng có công văn gửi công ty V thông báo việc Công ty Cửu Long có công văn đề nghị ngân hàng tạm ngưng việc hoàn trả tiền tạm ứng.
Tuy nhiên, ngân hàng không đề cập đến việc từ chối trách nhiệm bảo lãnh do công ty V không gửi thư bảo lãnh bản gốc và cũng không yêu cầu gửi thư bảo lãnh bản gốc.
Đến khi hết thời hạn hiệu lực của thư bảo lãnh, ngân hàng mới thông báo với công ty V về việc này.
Quyết định giám đốc thẩm (cấp cao) nhận định việc chậm xuất trình bản gốc thư bảo lãnh và thư tu chỉnh bảo lãnh là lỗi của công ty V, ngân hàng có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là không đúng với bản chất vụ án.