Theo bản tin 6h ngày 29/5 của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố có thêm bệnh nhân là Bắc Giang (57), Bắc Ninh (27), Bạc Liêu (1), Gia Lai (1) và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (1).
Các bệnh nhân ở Bắc Giang ghi nhận trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan công nhân làm tại khu công nghiệp.
Bạc Liêu có ca bệnh đầu tiên được xác nhận là F1 của bệnh nhân Covid-19 liên quan ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, TP.HCM.
Những bệnh nhân mới tại Bắc Ninh, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) và Gia Lai đều thuộc diện F1, liên quan ổ dịch cũ, đã được cách ly.
Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 3.594 ca mắc Covid-19 trong nước tại 33 tỉnh, thành phố. Bắc Giang vẫn là địa phương có số lượng người mắc cao nhất cả nước.
8 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Từ 29/4 đến nay, tổng số mẫu xét nghiệm ngành y tế đã thực hiện là 1.132.626 cho hơn 2 triệu lượt người.
Hiện tại, số người phải cách ly là 161.445. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 5.373 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 32.404 trường hợp. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 123.668 người.
Chiều 28/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã họp trực tuyến với Công ty Zuellig Pharma - đơn vị đại diện cung ứng vaccine Covid-19 của Moderna cho Việt Nam.
Tại cuộc trao đổi, Bộ trưởng Y tế đề nghị công ty cung ứng vaccine Covid-19 cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất với mức giá hợp lý.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định Việt Nam cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để nhanh chóng đạt miễn dịch chủ động và tỷ lệ tiêm chủng cao.
Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn yêu cầu mục tiêu an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu, với phương châm "tiêm đến đâu an toàn đến đó".
Ông Tuyên nhấn mạnh vaccine phòng Covid-19 cũng như bất kỳ loại vaccine nào khác, có thể xảy ra một số phản ứng sau tiêm nhất định. Những trường hợp gặp phản ứng nặng sau tiêm cần được phát hiện và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.