Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thêm án nghi oan sai ở Bắc Giang

Vụ án kéo dài từ năm 2005 đến 2012 và từng bị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tuyên hủy án sơ thẩm, phúc thẩm.

Ngày 7/11, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có thư tay gửi tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị chỉ đạo tòa án thẩm tra lại vụ án của công dân Hàn Đức Long (54 tuổi ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) theo thủ tục giám đốc thẩm vì có dấu hiệu oan sai.

Bất thường các bản án

Theo hồ sơ vụ án, tối ngày 26/6/2005, vợ chồng anh Sơn, chị Liễu (ngụ huyện Tân Yên) không thấy con gái tên là Yến (5 tuổi) nên đi tìm. Sáng hôm sau, có người phát hiện xác của cháu Yến tại mương nước ngoài đồng. Khám nghiệm hiện trường và tử thi cho thấy âm đạo cháu bị rách.

Sau khoảng 4 tháng không tìm ra thủ phạm, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Bắc Giang tạm đình chỉ điều tra vụ án và kêu gọi dân tố giác tội phạm, trình báo việc trước nay có ai bị hiếp dâm hoặc biết được hành vi tình dục bất thường của ai đó thì báo.

Bị cáo Hàn Đức Long (giữa) tại phiên tòa phúc thẩm cuối tháng 11/2011 (Ảnh do VKSND tỉnh Bắc Giang cung cấp).

Sau đó, CQĐT nhận được đơn tố cáo của bà Ngô Thị Khuyến (SN 1930) và con gái của bà Khuyến là Trương Thị Năm (SN 1960) đều tố cáo bị ông Long hiếp dâm (hai người này từng có mâu thuẫn tranh chấp đất đai với ông Long). CQĐT lập tức bắt giam ông Long để điều tra. Trong quá trình hỏi cung, bị can Long thú nhận hiếp dâm mẹ con bà Khuyến và hiếp, giết cháu Yến.

TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm tuyên Hàn Đức Long án tử hình, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xử phúc thẩm tuyên y án. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm và yêu cầu điều tra lại từ đầu.

Năm 2011, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xử phúc thẩm lần hai vẫn giữ nguyên phán quyết tử hình.

Hồ sơ điều tra thể hiện bị cáo đã nhận tội nhưng tại các phiên tòa, bị cáo Long đều chối tội và khai bị đánh đập, bức cung. Đáng chú ý, vụ án xảy ra vào năm 2005 nhưng đến khi phải điều tra lại vào năm 2011 thì bị hại Trương Thị Năm cùng Trương Văn Sáu (con trai bà Khuyến) đã xin rút đơn đề nghị xử lý ông Long.

Đầu thú hay bị nhục hình?

Tiếp xúc với luật sư trong trại giam và tại phiên tòa, ông Long đều khai bị cán bộ điều tra đánh đập, ép cung và tưởng sẽ chết trong khi điều tra nên phải khai nhận theo những nội dung do cán bộ điều tra đọc cho để viết.

“Điều này lý giải vì sao các bản khai nhận tội do cán bộ điều tra viết và ông Long ký đều rất giống nhau, đồng thời lý giải tại sao lời khai của ông Long phù hợp với hiện trường phạm tội, phù hợp với các tài liệu thu thập khác của CQĐT”, luật sư Ngô Ngọc Trai, Trưởng Văn phòng Luật Ngô Ngọc Trai và Cộng sự (TP Hà Nội) nói.

Ông Trai nêu một sự việc đáng chú ý là khi cơ quan chức năng khám tủ hồ sơ của ông Dương Khương Duy (một điều tra viên, đã chết) thì trong số 49 bút lục tài liệu bị bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án, có một số bản viết tay đơn xin đầu thú của ông Hàn Đức Long. Hơn nữa, trước khi điều tra lại thì trong hồ sơ chỉ có một bản đơn xin đầu thú viết ngày 29/10/2005, trong khi bị cáo bị bắt từ ngày 19/10/2005.

Điều gì diễn ra trong khoảng thời gian 10 ngày từ khi bị bắt đến khi có đơn xin đầu thú? Phải chăng các đơn xin tự thú viết dở trước đó là do bị bức ép viết, mỗi ngày một ít cho quen và tới ngày 29/10/2005 mới có bản đơn xin đầu thú hoàn chỉnh?

Bị cáo Hàn Đức Long trong một phiên xử và thư tay của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Luật sư Trai phân tích khi xem xét lại bản đơn xin tự thú ngày 29/10/2005 gồm 4 trang giấy, có thể thấy rõ cứ cách một đoạn nét chữ viết đứng thẳng, cách một đoạn nét chữ lại nghiêng. “Sự khác nhau về nét chữ sau mỗi đoạn chứng tỏ có sự đứt quãng nghỉ ngơi rồi mới viết tiếp. Qua đó cho thấy lời khai bị cáo bị ép viết là có cơ sở”, luật sư Trai nói.

Tất cả những chứng cứ trên đã được ông Trai gửi kèm trong đơn kêu cứu gửi tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Bằng chứng ngoại phạm

Luật sư Ngô Ngọc Trai cho biết thêm: Buổi chiều cháu Yến bị sát hại, ông Hàn Đức Long xay thóc tại nhà ông Diêm Quảng Nam (ngụ cùng thôn). CQĐT đã hỏi ông Nam xem tối hôm xảy ra vụ án có những ai xay thóc thì được ông Nam kể ra 7 người, trong đó có ông Long. Nhiều người cùng xay thóc xác nhận điều này.

Ngoài ra, CQĐT lấy mẫu lông, tóc của 5 người đàn ông ở địa phương nhưng không bao gồm những người xay thóc ở nhà ông Nam hôm đó. Như vậy, ngay từ đầu, CQĐT cũng không xác định những người xay thóc tại nhà ông Nam là nghi phạm.

Tại bản Kết luận giám định pháp y số 363/PY ngày 4/7/2005, Công an tỉnh Bắc Giang xác định trong dạ dày nạn nhân có thức ăn đã nhuyễn và nạn nhân chết sau bữa ăn cuối cùng khoảng 4 - 6 giờ. Bố mẹ cháu Yến xác định cháu ăn bữa cuối cùng vào khoảng 12h cùng ngày. Mặt khác, theo chị Liễu thì khoảng 18h, cháu Yến gọi chị về bán hàng. Như vậy, thời điểm cháu Yến chết xê dịch trong khoảng lúc 18h và tài liệu điều tra ghi nhận ông Long đến cơ sở xay xát lúc 18h30 phút và khi về đến nhà là 19h47 phút. Như thế, vào thời điểm ông Long đi xay thóc, cháu Yến đã chết.

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm