Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thêm bệnh vì lạm dụng nước súc miệng

Lâu nay, chị Hoa có thói quen dùng nước súc miệng để khử mùi hôi. Thời gian đầu miệng thơm tho hơn, nhưng gần đây chị cảm thấy niêm mạc miệng bị khô, bỏng rát.

Thời gian đầu súc miệng, chị thấy thích lắm, bởi vì sau khi đánh răng xong lại bổ sung thêm một lần súc miệng nữa thì cảm giác răng miệng sạch sẽ thơm tho hẳn. Thế nên gần như là chị “nghiện” nước súc miệng này, ngày 2 lần sáng - tối đều đặn. 

Nhưng gần đây, chị cảm thấy nước súc miệng không còn tác dụng nữa mà nó còn khiến chị cảm thấy niêm mạc miệng bị bỏng rát, khô miệng. Hay là lần này chị mua phải nước súc miệng dỏm? Mang suy nghĩ này ra thắc mắc, chị được giải thích:

Trong lĩnh vực nha khoa, người ta đã chế ra nhiều loại nước súc miệng với mục đích khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại nước súc miệng như thế nào cho an toàn và hiệu quả thì không phải ai cũng biết. 

Mỗi loại nước súc miệng lại có công dụng khác nhau như: nước súc miệng làm mất mùi hôi của răng miệng bằng cách loại bỏ vi khuẩn và những mảng bám ở nướu răng; nước súc miệng có chứa thành phần làm trắng răng nhưng không có tác dụng ngừa sâu răng; nước súc miệng ngăn ngừa sâu răng hoặc trị liệu những bệnh về răng...

Thành phần và tác dụng của các chất có trong nước súc miệng bao gồm cetylpyridinium chloride, chlorhexidine và các hợp chất phenolic là những chất có tác dụng làm giảm các vi khuẩn có trong khoang miệng; sodium bicarbonate, chlorine dioxide có tác dụng che giấu và khử mùi hôi ở miệng; hydrogen peroxide giúp tiêu diệt vi khuẩn kỵ khí bằng cách cung cấp ôxy để tiêu diệt chúng; chất fluoride có tác dụng làm chắc răng và ngừa sâu răng; chất làm giảm đau chứa những chất giảm đau khi răng bị đau, tê; chất đệm (tức là dung dịch đệm) để giảm đau ở những mô mềm, làm giảm độ acid có trong miệng và hòa tan những lớp màng mỏng bám vào niêm mạc miệng...

Tuy nhiên, các sản phẩm nước súc miệng cũng đồng thời còn chứa một hàm lượng lớn chất cồn (ethanol) với tỷ lệ từ 6-27%. Vì vậy, nếu súc miệng lâu dài, nước súc miệng này có thể gây cảm giác nóng rát ở má trong, nướu, lưỡi, tăng nguy cơ nhiễm nấm, sâu răng, các bệnh về nướu, hơi thở hôi, chứng khó nuốt... Chất cồn còn gây tình trạng khô miệng khiến tăng nguy cơ bị sâu răng; đặc biệt nồng độ chất cồn cao có trong nước súc miệng còn liên quan đến ung thư miệng. 

Chính vì thế mà Hiệp hội Nha khoa Mỹ không khuyến khích sử dụng nước súc miệng đơn thuần mà việc vệ sinh răng miệng cần kết hợp chải răng và dùng chỉ nha khoa.

Nước súc miệng cũng không sử dụng cho trẻ em vì trẻ có thể nuốt vào bụng, nếu lượng lớn có thể gây co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong.

Mặt khác, tính hiệu quả của nước súc miệng còn tùy thuộc vào cách sử dụng chúng vì khi dùng không đúng cách thì không có tác dụng. Chẳng hạn nước súc miệng chứa fluoride nhằm ngăn ngừa sâu răng mà lại sử dụng với mục đích loại bỏ những mảng bám ở răng sẽ không có kết quả.

Khi sử dụng nước súc miệng cũng có thể có những tác dụng phụ như ố răng, làm hỏng những mảng trám răng, rối loạn vị giác, nha chu, kích ứng miệng lưỡi... Vì vậy cần cẩn trọng khi sử dụng nước súc miệng, điều cốt yếu là chải răng đều đặn và đúng cách, thường xuyên sử dụng chỉ nha khoa là cách an toàn nhất để chăm sóc và bảo vệ răng.

http://suckhoedoisong.vn/duoc-si-tu-van/them-benh-vi-lam-dung-nuoc-suc-mieng-2015091818512749.htm

Theo Việt Hà/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm