Việc thêm một hãng hàng không khai thác đường bay đến Côn Đảo được cho là một tín hiệu tích cực cho ngành du lịch tại địa phương. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Dự kiến từ tháng 8, hãng hàng không Vietjet Air sẽ khai thác chuyến bay từ TP.HCM và Hà Nội đến Côn Đảo, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ với Tri thức - Znews.
Hãng bay tư nhân này chưa chính thức đưa ra thông báo nêu trên đến hành khách, nhưng nhiều đại lý bán vé máy bay trên cả nước đã đăng tải lên mạng xã hội thông tin về lịch bay, tàu bay, giai đoạn khai thác và số hiệu chuyến bay của Vietjet Air với lộ trình từ sân bay Nội Bài/ Tân Sơn Nhất đến sân bay Côn Đảo từ 1/8, nhận sự quan tâm lớn của du khách.
Từ sau ngày 31/3, Vasco (công ty con của Vietnam Airlines) là đơn vị duy nhất khai thác đường bay đến từ TP.HCM đến Côn Đảo. Chính bởi thế độc quyền này, người dân muốn đi du lịch Côn Đảo, đặc biệt từ khu vực miền Bắc, gặp khó khăn về chi phí, lộ trình.
Việc thêm hãng hàng không Vietjet Air tham gia thị trường giúp du khách có thêm lựa chọn bay, đồng thời khiến một số đơn vị lữ hành cấp tập lên kế hoạch nhằm khai thác lộ trình luôn "hot" này.
Cơ hội gỡ gạc
Chặng Hà Nội - Côn Đảo được đánh giá là một trong số đường bay ăn khách nhất khi đến 90% lượng khách tại đảo đến từ khu vực miền Bắc, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam vào năm 2020.
Thời điểm có hơn một hãng hàng không khai thác tuyến bay thẳng ra đảo, một số đơn vị lữ hành kinh doanh vé máy bay, tour tuyến tấp nập khách hỏi mua, đặc biệt là đoàn từ 20-30 khách, nhờ giá vé cạnh tranh.
Các khung giờ bay thuận tiện thường cạn vé. Đáng chú ý, khoảng cuối tháng 3, Bamboo Airways thông báo đóng cửa chặng bay (do trả nốt 3 chiếc máy bay Embraer E190) khiến nhiều du khách vội vã dời lịch trình đến Côn Đảo lên sớm so với kế hoạch.
Đến tháng 4, khi đơn vị bay này rút hoàn toàn khỏi thị trường, hãng lữ hành cũng bị ảnh hưởng không ít. Đơn cử là Công ty Du lịch BestPrice.
Du khách check-in với máy bay tại Đầm Trầu (Côn Đảo). Ảnh: Linh Huỳnh. |
Bà Nguyễn Thị Trang, trưởng phòng Kinh doanh đơn vị này, cho biết doanh nghiệp đã vơi 80-90% lượng khách mua vé máy bay trong thời điểm này. Chính vì vậy, việc Vietjet Air mở đường bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch tại địa phương nói chung, đồng thời là cơ hội để điểm kinh doanh này gỡ gạc thiệt hại đã mất trước đó.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews về kế hoạch vận hành khi Vietjet Air mở đường bay đến Côn Đảo, bà Trang cho hay hiện đơn vị đã hoàn thành kế hoạch bán vé máy bay. Một khi hãng bay tư nhân này khai thác chuyến đầu tiên đến Côn Đảo, doanh nghiệp sẽ mở bán ngay.
"Tôi đã nghe thông tin này trước đó. Tính đến thời điểm hiện tại (30/5), BestPrice chưa khai thác tour đến Côn Đảo, nhưng có bán vé máy bay đến đây. Vé tàu bay sẽ mở lại, nhưng tour đến đảo chúng tôi đang cân nhắc, nghiên cứu triển khai", bà Trang nói.
Ngoài du lịch tâm linh, du khách tìm đến Côn Đảo với thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên hoang sơ. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Trong khi đó, Công ty CP Truyền thông Du Lịch Việt cũng bắt đầu triển khai mở tour cho khách đoàn có nhu cầu đến Côn Đảo vào tháng 8 và trong quý IV. Trước đó, lượng khách hỏi mua tour đến đảo tại doanh nghiệp cũng sụt giảm đáng kể khi hãng Bamboo Airways rút khỏi thị trường địa phương. Đây là tình hình chung tại một số điểm bán tour đến Côn Đảo.
"Chúng tôi đang xem xét dòng khách để đưa ra kế hoạch đặt chỗ tàu bay đến đảo lâu dài. Về dòng khách lẻ, đơn vị đã có kế hoạch bán định kỳ cả mùa hè. Ngoài ra, nhóm gia đình và khách đoàn đi ra đảo vào tháng 8 sẽ thuận tiện hơn, nhiều lựa chọn với giá cạnh tranh", ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông doanh nghiệp trên, nói với Znews hôm 29/5.
Mở tour cầm chừng
Đối với điểm đến có vị trí đặc thù như Côn Đảo, Phú Quốc, nút thắt chính của ngành du lịch là phương tiện di chuyển.
Khi một hãng hàng không dừng vận hành lộ trình Côn Đảo, hãng lữ hành như Du Lịch Việt phải mở thêm tour ra đảo di chuyển bằng tàu cao tốc, mở rộng phương tiện đi lại đối với khách đoàn. Song, lượng khách đến đảo vẫn chưa nhộn nhịp như lúc nhiều hãng hàng không cùng khai thác, giá vé cạnh tranh, lại đa dạng khung giờ khởi hành.
Lý do là tàu cao tốc còn nhiều bất cập về thời gian di chuyển, điều kiện thời tiết biến động và sức khỏe của hành khách.
Tình hình đường bay thẳng đến đảo hiện tại cũng không mấy suôn sẻ. Hãng hàng không với logo bông sen vàng tuy độc chiếm "sân chơi" tại Côn Đảo nhưng tàu bay lại chưa đủ đáp ứng số lượng khách lớn. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến tình hình mua bán tour tại một số đơn vị lữ hành.
Ông Vũ từ Du Lịch Việt cho biết hãng Vasco khai thác tàu nhỏ đến đảo, công suất chỉ khoảng 65 chỗ. Bamboo Airways trước đó sử dụng tàu bay lớn hơn, cung cấp đa dạng lựa chọn cho doanh nghiệp.
Tàu Thăng Long vận tải khách đi Côn Đảo sáng 25/5. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Tương tự, Công ty du lịch Côn Đảo Explorer (đơn vị chuyên khai thác tour Côn Đảo), cũng hợp tác với hãng tàu biển nhằm mở rộng thị phần khách từ khu vực TP.HCM, bà Quyên, đại diện doanh nghiệp nói với Znews hôm 29/5.
Hiện tại, du khách từ khu vực TP.HCM, Vũng Tàu, Sóc Trăng, Cần Thơ có thể lựa chọn đa dạng phương thức di chuyển đến Côn Đảo từ máy bay, tàu cao tốc thậm chí là trực thăng (đối với Vũng Tàu).
Từng chia sẻ với Znews về tình hình du lịch tại Côn Đảo, bà Lê Thị Ngọc Cương, Giám đốc phòng Kinh doanh và Truyền thông khách sạn The Secret Côn Đảo, cho biết đơn vị đón lượng khách không như kỳ vọng khi du khách ít sự lựa chọn phương tiện đi lại dịp 30/4.
Việc Côn Đảo Express khai trương chuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo vận tải khoảng 1.000 khách là sự kiện đáng mừng cho ngành du lịch tại đảo. Tuy nhiên, hình thức di chuyển này chưa thể thu hút đông đảo khách bằng đường hàng không do một số hạn chế về điều kiện thời tiết, thời gian di chuyển, sức khỏe hành khách.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.