Công an huyện Mê Linh, Hà Nội, cho biết đang điều tra xác minh vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
Người gửi đơn trình báo là chị H. (29 tuổi, người địa phương). Theo bị hại, sau khi nhận được điện thoại của một người thông báo chị có khoản vay chưa trả là 38 triệu đồng, chị này được kết nối điện thoại với cá nhân tự giới thiệu là cán bộ công an.
Nghe người tự xưng công an đề nghị cung cấp thông tin cá nhân để kiểm tra, chị H. làm theo hướng dẫn. Sau khi chuyển hơn 1,1 tỷ đồng vào tài khoản do đối phương cung cấp, người phụ nữ đến cơ quan công an trình báo.
Sau hàng loạt vụ lừa đảo với thủ đoạn như trên, Bộ Công an nhấn mạnh bị hại chủ yếu là người ít cập nhật thông tin, thiếu ý thức cảnh giác, không có kiến thức bảo mật thông tin hay hiểu biết về các hoạt động tố tụng.
Bộ Công an khẳng định cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra đều làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ của tổ chức, cá nhân. Công an tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.
Để tránh bị lừa, Bộ Công an khuyến cáo mọi người không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số giấy tờ tùy thân, địa chỉ nhà, số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai không quen biết, hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, người dân không nên tỏ ra lo sợ, cần nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Nếu nghi ngờ ai đó hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân có thể thông báo cho công an địa phương, hoặc tố giác tội phạm với cơ quan chức năng.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về phạt tiền, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.