Những nhóm nhỏ trong đoàn 4.500 khách của Tập đoàn dược phẩm Sun Pharmaceutical Industries Limited (Ấn Độ) đã đến Hà Nội du lịch trong vài ngày qua. Chiều 28/8, ngay sau khi đặt chân tới Việt Nam, địa danh đầu tiên một nhóm khách ghé thăm là Văn Miếu - Quốc Tử Giám và di tích Nhà tù Hỏa Lò. |
Phần đông du khách trong nhóm này là nam giới. Do lần đầu biết đến mảnh đất hình chữ S, họ rất quan tâm đến lịch sử Việt Nam, tập trung lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu ở mỗi điểm đến. |
Trước cổng khu di tích, những vị khách Ấn Độ thích thú khi thấy một số phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài. Annotam (ảnh trái) chia sẻ: "Tôi thấy họ mặc trang phục truyền thống rất dịu dàng, nữ tính. Cả đoàn đều tò mò nên hướng dẫn viên đã đặc biệt dừng lại để giới thiệu với chúng tôi về trang phục này". |
Sau khi được hướng vẫn viên giải thích về các hiện vật trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một du khách đã thử sờ lên bức tượng hạc để cầu may. |
Đoàn khách không quên chụp ảnh, lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp khi đến thăm Hà Nội. Theo các thành viên, họ sẽ tranh thủ khám phá thêm các điểm vui chơi giải trí buổi tối ở Hà Nội, không bỏ phí bất cứ thời gian nào khi ở đây. |
Một nữ du khách thoải mái dạo quanh khuôn viên của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Chị cho biết, đây là lần đầu tiên đến Việt Nam và thấy mọi người thân thiện, vui vẻ. "Tôi rất thích bầu không khí này", chị nói. |
Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng nằm trong lịch trình tham quan chiều 28/8, các vị khách say sưa nghe thuyết minh về những hiện vật được bài trí ở đây. |
Du khách tò mò ngắm hiện vật và chụp ảnh lưu niệm tại khu di tích. |
Trong những ngày này, Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã bố trí người hướng dẫn tại các điểm khách tham quan, các bảng chỉ dẫn gồm 3 ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hindi và sắp xếp một số hướng dẫn viên nói tiếng Hindi để chào đón đoàn khách. |
Trước đó vào ngày 27/8, hơn 800 du khách của đoàn này đã đến Hà Nội rồi đi tham quan khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: Trần Bá Nghị |
Đoàn chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 45 đến 50 người. Theo hành trình, các du khách di chuyển từ bến thuyền qua hang Lấm, đền Cao Sơn, hang Vạng, Thủy Đình, hang Thánh Trượt, núi Địa Linh, đền Suối Tiên,... rồi quay lại bến thuyền.
Sau đó, đoàn khách di chuyển về nhà hàng ở thành phố Ninh Bình để dùng bữa. Công ty tổ chức du lịch đã đưa đầu bếp, bếp nướng và các đồ phục vụ đến nhà hàng để nấu ăn cho đoàn. Đoàn ăn món thuần chay theo kiểu buffet. 90% nguyên liệu chế biến món ăn được đưa từ Ấn Độ sang.
Ông Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, cho biết ông rất vui mừng chào đón đoàn du khách Ấn Độ đến tham quan Tràng An. Ông chúc đoàn có chuyến đi vui vẻ, hạnh phúc, đạt được nhiều kết quả như mong muốn.
Sau khi được Sở Du lịch và Khu Du lịch sinh thái Tràng An tiếp đón, tặng hoa và quà lưu niệm, đoàn di chuyển ra bến thuyền để tham quan tuyến số 2 khám phá 4 hang động và 3 điểm tâm linh.
Do số lượng khách đông, Sở Du lịch Ninh Bình đã bố trí lối đi riêng xuống bến thuyền để tránh ùn tắc, giúp trải nghiệm du lịch của đoàn khách liền mạch.
Đầu tháng 8, tỷ phú Ấn Độ thông báo sẽ đưa 4.500 nhân viên đến Việt Nam du lịch. Đoàn chia thành 6 nhóm nhỏ, dự kiến du lịch 4-5 ngày, tham quan Hà Nội, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình).
Chương trình du lịch kéo dài 5 ngày 4 đêm không lưu trú ở Ninh Bình và Hạ Long dù các điểm này có trong lịch trình. Họ sẽ dành cả 4 đêm tại Hà Nội tổ chức các hoạt động: hội nghị, tọa đàm, gala dinner... Tại Hà Nội, đoàn tham quan các điểm đến: Lăng Bác, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò.
Trước đó, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội đã chỉ đạo các điểm đến, các khách sạn đón tiếp đoàn khách, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn thực phẩm.