Theo chân máy bay Mỹ giám sát đảo TQ xây dựng phi pháp ở Biển Đông
Thứ sáu, 21/9/2018 15:24 (GMT+7)
15:24 21/9/2018
Trong nhiều năm qua, Mỹ đã điều máy bay tuần tra không phận quốc tế tại Biển Đông nhưng thời gian gần đây, phi đội này thường xuyên nhận được cảnh báo từ Trung Quốc.
Trong lúc chiếc máy bay trinh sát của Hải quân Mỹtiến đến gần Đá Vành Khăn ở Biển Đông, một giọng nói bằng tiếng Anh ngắt quãng vang lên từ radio: "Máy bay quân đội Mỹ, bạn đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, xâm phạm an ninh và quyền lợi của chúng tôi. Bạn cần rời khỏi đây ngay lập tức và tránh xa nơi này". Ngồi trên chiếc phi cơ tuần tra hàng hải P-8A Poseidon đang bay trong khu vực được nhiều nước công nhận là không phận quốc tế, Thượng úy Dyanna Coughlin quan sát căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam qua camera ghi hình trực tiếp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế.
Ảnh: New York Times.
"Thật điên rồ. Hãy nhìn những công trình quân sự ấy kìa", Thượng úy Coughlin nói. 5 năm trước, phần lớn đảo san hô này còn nằm dưới nước, là nhà của cá và rùa biển. Hiện nay, nơi đây trở thành căn cứ quân sự hiện đại của Trung Quốc với hệ thống tên lửa đất đối không, vòm radar và một đường băng đủ dài cho máy bay chiến đấu. Ảnh: NASA.
Ngoài Đá Vành Khăn, nhiều đá khác cũng bị Trung Quốc bồi đắp nhằm xây dựng các công trình phục vụ cho mục đích quân sự hóa Biển Đông, ví dụ Đá chữ Thập, Đá Subi (ảnh). "Nói ngắn gọn là Trung Quốc đã có năng lực kiểm soát vùng Biển Đông trong mọi tình huống gần như chiến tranh với Mỹ", Đô đốc Philip S. Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc quân đội Mỹ, phát biểu trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ trước khi nhậm chức. Ảnh: New York Times.
Trên radio của chiếc P-8A Poseidon, cảnh báo của Trung Quốc vẫn vang lên đều đặn: "Hãy rời khỏi đây ngay lập tức". Trung tá Chris Purcell cho biết trong 4 tháng làm nhiệm vụ chỉ huy phi đội Mỹ trên không phận quốc tế ở vùng Biển Đông, ông thường xuyên nghe những lời cảnh báo tương tự thế này. Ảnh: New York Times.
"Họ muốn chúng tôi rời khỏi đây để họ có thể nói rằng chúng tôi rời khỏi vì đây là vùng không phận thuộc chủ quyền của họ", ông Purcell nói. "Đó là cách để họ hợp pháp hóa chủ quyền ở khu vực này, nhưng chúng tôi chắc chắn rằng đây là không phận quốc tế và các hoạt động tuần tra vẫn được thực hiện tại đây nhiều thập kỷ qua". Ảnh: Hải quân Mỹ.
"Những công trình này thực sự ấn tượng, dù chúng nằm ở giữa Biển Đông và cách khá xa những khu vực khác", Trung tá Purcell nói. "Chúng không bị che giấu, và rõ ràng ý định (của Trung Quốc) là những công trình này phải được trông thấy thật rõ ràng". Chiếc phi cơ tuần tra của Mỹ hạ xuống độ cao hơn 1.500 m để theo dõi hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở những đảo nhân tạo xây dựng phi pháp này. Ảnh: New York Times.
Theo New York Times, bất kỳ cuộc đụng độ nào xảy ra ở Biển Đông cũng có thể trở thành xung đột quốc tế. Vùng biển rộng hơn 3,6 triệu km2 này có hàng trăm hòn đảo tranh chấp giữa nhiều quốc gia, nơi hàng nghìn tàu cá, tàu chiến và tàu tuần tra, bảo vệ bờ biển lưu thông, giờ đây lại mọc thêm nhiều "pháo đài" của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Hồi tháng 8, Lầu Năm Góc công bố một báo cáo cho rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang rèn luyện "khả năng tấn công Mỹ và lực lượng đồng minh, cũng như các căn cứ quân sự ở vùng biển Tây Thái Bình Dương, bao gồm đảo Guam" với các hoạt động quân sự tại những hòn đảo bồi lấp trái phép trên Biển Đông. Ảnh: New York Times.
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng Mỹ mới là quốc gia đang quân sự hóa Biển Đông với hàng loạt tàu chiến và máy bay trinh sát được cử đến vùng biển này. Đáp lại, các quan chức ở Lầu Năm Góc cho rằng các hoạt động tuần tra trên nhằm thể hiện cam kết của Mỹ về tự do hàng hải trong khu vực. Ảnh: AP.
Hồi tháng 5, Mỹ loại Trung Quốc khỏi RIMPAC 2018, cuộc tập trận hàng hải có quy mô lớn nhất thế giới được thực hiện 2 năm một lần ở khu vực Thái Bình Dương, nhằm phản ứng với các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên Biển Đông. "Chúng tôi sẽ ủng hộ các quyết định của Trung Quốc nếu chúng hướng đến nền hòa bình và thịnh vượng lâu dài của khu vực", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis giải thích. "Tuy nhiên, các chính sách của Trung Quốc vẫn kiên định đối lập với chiến lược cởi mở của chúng tôi". Ảnh: Hải quân Mỹ.
Nhiều chuyên gia chỉ trích chính quyền cựu tổng thống Barack Obama vì đã chần chừ trong việc phản đối Bắc Kinh về vấn đề trên Biển Đông, không thực hiện tuần tra hàng hải thường xuyên ở khu vực này. "Việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông đã được thực hiện từ lâu, với nhiều giai đoạn mà Mỹ và các quốc gia khác hoàn toàn đã có thể can thiệp để ngăn chặn", New York Times dẫn nhận định của ông Alexander Vuving, giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: Digital Globe.
Năm 2016, Toà trọng tài thường trực quốc tế đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ kiện của Philippine về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, bác bỏ “đường lưỡi bò” hay còn gọi "đường chín đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời khẳng định Bắc Kinh không có "quyền lịch sử" đối với khu vực này. Phán quyết trên được đánh giá là không có hiệu lực thực tế, một phần là vì đương kim Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định không gây áp lực với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, hồi tháng trước, một đoạn ghi âm của báy bay P-8A Poseidon được đăng tải trên kênh BBC cho thấy Bắc Kinh có thái độ hung hăng với máy bay của Philippines hơn so với Mỹ. Tổng thống Duterte liền tỏ thái độ không hài lòng: "Tôi mong Trung Quốc kiềm chế hành vi của mình. Các bạn không thể bồi lấp một hòn đảo rồi khẳng định vùng không phận ở trên thuộc chủ quyền của các bạn". Trong ảnh, đoàn tàu Trung Quốc, gồm hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, tập trận trên Biển Đông. Ảnh: Getty.
Theo thông báo từ Lầu Năm Góc, hầu hết căn cứ quân sự của Trung Quốc tại vùng Biển Đông sẽ được hoàn thành trong năm nay. Câu hỏi được New York Times đặt ra là khi nào thì bãi cạn Scarborough, vị trí có thể đặt tên lửa tầm phóng đến thủ đô Manila của Philippines, sẽ xuất hiện các công trình quân sự của Trung Quốc. Nhìn từ khoang lái của máy bay trinh sát P-8A Poseidon, bãi cạn Scarborough trông thanh bình với những rặng san hô bao quanh vùng nước màu xanh ngọc. Ảnh: Getty.
Tuy nhiên, tàu tuần tra bờ biển của Trung Quốc thường xuyên rảo quanh khu vực này. Ngư dân Philippines than phiền rằng họ không được tiếp cận khu vực thuộc chủ quyền của họ. "Anh có thấy bất kỳ tàu xây dựng nào quanh đó không?", Thượng úy Coughlin hỏi. "Không, thưa bà", Thượng úy Joshua Grant trả lời. "Chúng ta sẽ quay lại đây trong thời gian tới để xem khu vực có thay đổi gì không". Ảnh: AGC News.
Tàu ngầm của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản lần đầu tiến hành đợt diễn tập trên Biển Đông, động thái nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở vùng biển này.
Ngày 22/11, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới vào Ukraine chính là thông điệp gửi tới phương Tây trước những hành động gây hấn vừa qua.