Sáng 18/11, bà Lee Tae-hee, 45 tuổi, ôm con trai thật lâu trước cổng trường trung học ở Yeouido, phía tây Seoul, trước khi nam sinh bước vào trường thi, bắt đầu “cuộc chiến” mà cậu đã chuẩn bị trong gần 10 năm.
“Tôi không thở nổi, chỉ mong con đạt kết quả xứng đáng với những nỗ lực thời gian qua. Dịch Covid-19 khiến tôi càng lo lắng hơn”, bà Lee nói, nấn ná đứng lại trước cổng trường dù theo quy định, phụ huynh không được ở ngoài trường thi cổ vũ con, tránh gây áp lực lên thí sinh, đồng thời giảm bớt nguy cơ lây bệnh.
Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng khiến phụ huynh, thí sinh càng thêm áp lực. Ảnh: AP. |
Kỳ thi căng thẳng giữa dịch bệnh
Dù cấm người thân cổ vũ trước cổng trường, Hàn Quốc vẫn không thể giảm bớt mức độ căng thẳng của kỳ thi tuyển sinh đại học (Suneung hay CSAT). Kỳ thi kéo dài 9 tiếng này ảnh hưởng đến vận mệnh của một người, từ công việc, địa vị xã hội đến chuyện tình cảm, dựng vợ gả chồng.
Trong ngày, thí sinh trải qua 5 phần thi, gồm 4 môn chính Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử Hàn Quốc và môn phụ (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, nghề, Ngoại ngữ 2, Hán tự).
Gần 510.000 thí sinh dự thi trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng cao lên đến 3.300 ca ghi nhận trong ngày. Thí sinh được kiểm tra nhiệt độ ở cổng, đeo khẩu trang trong suốt thời gian thi. Những em có dấu hiệu nhiễm SARS-CoV-2 sẽ chuyển sang phòng thi riêng theo chỉ định.
Theo mô tả của Channel News Asia, bầu không khí tĩnh lặng bao trùm Hàn Quốc trong ngày kỳ thi tuyển sinh đại học diễn ra. Văn phòng, công ty, cơ quan nhà nước mở cửa muộn hơn một tiếng để tránh tắc đường. Lực lượng cảnh sát được huy động để hộ tống thí sinh đến trường đúng giờ.
Trong 35 phút thí sinh thi phần Nghe môn Tiếng Anh, các chuyến bay không được hạ cánh hay cất cánh. Bộ Giao thông Vận tải cho hay 79 chuyến bay dời lại vì kỳ thi. Tất cả máy bay phải duy trì độ cao trên 3.000 m, tránh gây tiếng ồn.
Trước đó một tuần, toàn bộ trường THPT ở Hàn Quốc chuyển sang dạy học online, phụ huynh, thí sinh được yêu cầu cố gắng hạn chế ra ngoài để đảm bảo an toàn trước kỳ thi.
Để chuẩn bị cho Suneung, thí sinh phải vùi đầu học thêm và thi thử. Ảnh: Yonhap. |
Học vẹt và lao vào luyện thi
Theo South China Morning Post, không chỉ đề cập đến áp lực giới trẻ phải chịu đựng, giới phê bình còn đánh giá CSAT là bài kiểm tra mức độ giàu có, xem phụ huynh nào đủ tiền để cho con theo học các trung tâm luyện thi. Bên cạnh đó, họ nhận định bài thi tập trung vào khả năng ghi nhớ, thí sinh chỉ cần học vẹt. Cái giá phải trả là tính sáng tạo trong thế hệ trẻ.
“Đây không phải kỳ thi công bằng. Kết quả phụ thuộc vào mức độ học thêm của học sinh. Nếu chỉ học ở trường, các em không thể đạt kết quả tốt. Do đó, thí sinh thường ôn tập ở trung tâm luyện thi”, Lee Yoon-kyoung, Giám đốc Hiệp hội Phụ huynh Quốc gia Cham (Chân) Education, cho biết.
Bà giải thích trong khi trường học tập trung giảng dạy chương trình theo quy định, nội dung thi trong Suneung lại có những câu hỏi khác nằm ngoài chương trình.
Do đó, học sinh thường tập trung nhiều hơn vào các cuốn sách luyện thi. Học sinh lớp 12 kiếm cớ nghỉ học để đến trung tâm học thêm, thậm chí bỏ học để dành toàn bộ thời gian ôn tập cho kỳ thi.
Theo Cơ quan Thống kê Giáo dục, trong số gần 510.000 thí sinh dự thi năm nay, khoảng 14.000 em đã nghỉ học hoặc thường xuyên không đến trường.
Bà Lee Yoon-kyoung nói thêm ở trường, nhiều em ngủ gật vì thức khuya ôn tập hoặc phớt lờ bài giảng, chỉ tập trung làm đề thi mẫu. “Ở khía cạnh nào đó, Suneung đang phá hủy nền giáo dục”, bà nhận định.
Năm 2020, ngành giáo dục tư nhân Hàn Quốc đạt doanh thu 9.300 tỷ won. 5,35 triệu học sinh học thêm. Báo cáo năm 2018 của Cục Thống kê cho thấy 93,7% học sinh tiếp nhận ít nhất một loại hình giáo dục tư nhân. 97% tham gia luyện thi và 85% đến trung tâm luyện thi kể cả cuối tuần.
“Thời đi học không khác gì ở tù. Các bậc cha mẹ cũng chịu gông cùm, đầu tư toàn bộ tiền lương cho con học thêm, dành hết thời gian, năng lượng để chăm sóc con cái. Làm cha mẹ tức từ bỏ cuộc sống cá nhân”, bà Lee Yoon-kyoung cho hay.
Với học sinh, kỳ thi gắn liền với sự kinh hoàng và kỳ vọng vào tương lai có thể thở phào nhẹ nhõm, ám ảnh học suốt hơn 10 năm. Yoon Cho-eun, 18 tuổi, thừa nhận rất lo lắng về điểm số nhưng vẫn băn khoăn những năm học vừa qua có ích gì không.
“Em nghĩ hầu hết thí sinh chỉ cố gắng trả lời đúng câu hỏi để vào đại học chứ không phải tập trung vào những gì mình thích học hay khám phá điều mới mẻ. Sau kỳ thi, kiến thức học thuộc cũng biến mất khỏi não bộ”, Yoon tâm sự.
Phụ huynh cầu nguyện trong khi thí sinh làm bài thi. Ảnh: Yonhap |
Áp lực điểm số gây ra những cái chết trẻ
Bài thi tập trung vào điểm số kéo theo hàng loạt áp lực lên giới trẻ bất chấp Hàn Quốc đưa ra các biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng như yêu cầu phụ huynh, người quen không tụ tập trước cổng trường cổ vũ.
Dù vậy, quá nhiều mong đợi đổ dồn vào kết quả thi khiến đền, chùa chưa bao giờ vắng bóng người đến cầu nguyện trước mỗi kỳ thi. Theo South China Morning Post, tại đền Jogyesa ở Jongno, Seoul, trước ngày thi, đám đông gồm các ông bà, cha mẹ theo chân nhà sư cầu cho con đạt kết quả cao. Trong đền, một nhóm phụ huynh khác vừa kết thúc 100 ngày cầu nguyện.
Việc này diễn ra hàng năm, cho thấy tầm quan trọng của CSAT trong xã hội Hàn Quốc chưa giảm sút, đồng thời những tác động tiêu cực lên thế hệ trẻ vẫn tiếp diễn.
Kỳ thi tạo ra hệ thống mà học sinh được dán nhãn “người thắng cuộc” hay “kẻ thất bại” từ nhỏ. Nhiều nhà phê bình nhận định Suneung là một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề sức khỏe tâm thần, thậm chí tự tử ở người trẻ tuổi.
Trong số các quốc gia thành viên của Diễn đàn Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất. Những năm gần đây, trong khi tỷ lệ tự tử ở nhóm tuổi 30-80 giảm, các vụ tự tử của người thuộc độ tuổi 9-24 vẫn tiếp tục tăng.
Năm 2019, 876 vụ tử tử xảy ra ở nhóm này, tức cứ 10.000 thanh thiếu niên lại có một người tự chấm dứt mạng sống. Trong một số trường hợp, Suneung là nguyên nhân trực tiếp.
Vì vậy, bà Lee Yoon-kyoung cho rằng cần loại bỏ tính cạnh tranh trong giáo dục, không để những em thi không tốt, trượt đại học mặc định mình là người thất bại.
Bà cho biết thêm sau vụ phà Sewol chở giáo viên, sinh viên nghỉ mát trong chuyến du lịch mừng tốt nghiệp năm 2014, nhiều phụ huynh tham gia Hiệp hội Phụ huynh Quốc gia Cham Education.
“Rất nhiều người đã cảnh tỉnh, quyết định chính họ phải bắt đầu bảo vệ con cái chứ không chờ chính phủ đổi mới thi cử”, bà nói.
Bà kỳ vọng cách đánh giá bằng điểm số được thay thế bằng đạt hoặc không đạt, cho rằng điều này sẽ giảm bớt áp lực lên những đứa trẻ. Ngay trước khi CSAT 2021 diễn ra, hàng loạt nhóm phụ huynh, học sinh cũng đứng lên yêu cầu thay đổi thi cử mà theo bà Lee đánh giá là “dạy trẻ dẫm lên nhau để vươn lên”.
Ông Song In-soo, cựu giáo viên ở Seoul, đã vận động thay đổi hệ thống giáo dục trong hai thập kỷ qua. Năm 2008, ông thành lập tổ chức World Without Worries about Shadow Education để giải quyết nỗi ám ảnh học thêm.
Tổ chức này đóng vai trò quan trọng thúc đẩy chính phủ Hàn Quốc chuyển sang hình thức tuyển sinh/tuyển dụng cho các đại học, cơ quan công lập mà không dựa trên bối cảnh giáo dục của ứng viên.
Ngoài ra, họ còn nỗ lực để đến năm 2025, trường danh tiếng, chủ yếu dành cho người giàu, sẽ dần được thay thế bởi các trường phổ thông bình thường.
Dù vậy, vấn đề của Suneung vẫn chưa được giải quyết. Ông Song nhận ra áp lực cạnh tranh trong kỳ thi này còn đến từ phương thức tuyển dụng, tức thí sinh cần điểm cao mới đỗ trường tốt - bước đệm để vào tập đoàn, công ty lớn.
Vì thế, ông đang xây dựng phong trào giúp phụ huynh nhận ra con họ vẫn còn con đường phát triển khác đồng thời lên chiến dịch nhận định các công ty có cách tuyển dụng tốt, chia sẻ phương pháp đó với công ty khác. Ông kỳ vọng sự thay đổi từ đơn vị tuyển dụng sẽ chấm dứt việc người trẻ lãng phí 20 năm vùi đầu vào “nền giáo dục tốt” để rồi trở thành cá nhân ích kỷ hay "kẻ thất bại" khi không trúng tuyển đại học hàng đầu.