Kỳ thi đại học ở Hàn Quốc được gọi là Suneung hoặc tiếng Anh là CSAT. Theo Telegraph, đây là kỳ thi cấp quốc gia, giống như thi SAT ở Mỹ. Học sinh Hàn Quốc sẽ hoàn thành 7 môn gồm Quốc ngữ, tiếng Anh, Hóa học, tiếng Trung cơ bản, Toán học, Khoa học xã hội và thi nghề.
Điểm số trong kỳ thi Suneung ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống của các em sau này, bao gồm cả triển vọng nghề nghiệp và hôn nhân.
Thi đại học ở Hàn Quốc quyết định tương lai của học sinh. Ảnh: Chinadaily. |
Kết quả thi không chỉ quyết định bạn trẻ sẽ đỗ vào trường nào mà còn học gì ở đó. Thí sinh sẽ phải tự lượng sức mình để nộp đơn xét tuyển vào trường phù hợp.
Những người đạt điểm không quá xuất sắc vẫn có thể vào một trong các đại học SKY (bộ 3 trường danh tiếng hàng đầu ở Hàn Quốc gồm Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei), nhưng chỉ có thể học ngành nghệ thuật và không thể chuyển ngành sau khi vào trường.
Các trường SKY chỉ chấp nhận những người đạt điểm xuất sắc. Những điểm số hoàn hảo này là kết quả của kỳ thi diễn ra trong 9 giờ.
Nếu quyết định vào các trường đại học bậc hai, ít uy tín, bạn có thể học kỹ thuật, nhưng sẽ khó cạnh tranh với các ứng viên khác khi ra trường và xin việc. Đó có lẽ là lý do tỷ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc chỉ là 3,1% nhưng có tới 40% người thiếu việc làm.
Chuẩn bị trước kỳ thi đại học
Áp lực thi đại học ở Hàn Quốc rất lớn. Vì vậy, ngay từ những năm trung học phổ thông, học sinh đã phải học tập rất vất vả để có thể ghi tên vào bảng vàng.
Thông thường, các em thức dậy vào 6h hàng ngày. Buổi học tại trường bắt đầu từ 7h30, kéo dài đến 17h. Sau đó, mọi người ở lại trường để tự học và ăn tối, thường là để xem lại những gì đã học ngày hôm đó và nghiên cứu trước những thứ sẽ học vào ngày mai.
Đến 22h, một số em tham gia lớp học thêm, số khác về ký túc xá và tiếp tục tự học. Hầu hết học sinh chỉ đi ngủ khi đồng hồ điểm 2 giờ sáng hoặc muộn hơn.
Cuối tuần, nhiều em phải học tới 5-6 ca. Chính phủ quy định các trung tâm phải đóng cửa vào lúc 22h nhưng một số nơi vẫn vi phạm. Họ khóa cửa lúc 22h nhưng các lớp ôn thi đại học vẫn tiếp tục diễn ra bên trong tới tận 2h sáng.
Người Hàn Quốc quan niệm “tứ lang ngũ lạc”, tức là nếu ngủ 3 tiếng mỗi đêm, bạn có cơ hội vào trường SKY; ngủ 4 tiếng mỗi đêm có thể đậu vào những đại học khác; ngủ 5 tiếng mỗi đêm, hãy quên việc vào đại học đi.
Thi đại học ở Hàn Quốc là cuộc chiến chung của cả phụ huynh và học sinh. Kết quả thi rất quan trọng bởi nó có thể giúp cuộc đời các em sau này xán lạn hơn hoặc khiến tương lai bị phá hủy.
Vì thế, hình ảnh các chuyến tàu điện ngầm chật kín học sinh vào lúc 23h-24h không hề xa lạ ở Hàn Quốc, bởi đó là thời điểm các em kết thúc giờ học thêm tại trung tâm và trở về nhà.
Các phương tiện được huy động để đưa học sinh tới địa điểm thi đúng giờ. Ảnh: Aljazeera. |
Cả nước tập trung cho kỳ thi quan trọng
Thi Suneung ở Hàn Quốc được tổ chức vào ngày thứ năm đầu tiên của tháng 11, từ 8h đến 17h. Vào ngày này, các sàn chứng khoán, ngân hàng mở cửa muộn để tránh ùn tắc giao thông, đảm bảo phụ huynh có thể đưa con em đến địa điểm thi đúng giờ. Công trường xây dựng bị tạm ngừng hoạt động vì tiếng ồn có thể khiến học sinh mất tập trung.
Giới chức cũng cấm các chuyến bay thương mại trên toàn quốc vì gây tiếng ồn. Cảnh sát hỗ trợ để đảm bảo đưa các em đến hội trường thi đúng giờ. Xe buýt, tàu điện ngầm tăng cường vào giờ cao điểm, giúp thí sinh không bị muộn. Trong khi đó, cảnh sát hạn chế giao thông xung quanh khu vực thi 200 m để giảm tiếng ồn.
Nhiều gia đình đứng ngoài địa điểm thi, trao những cái ôm, giương khẩu hiệu, áp phích, cờ hoa đánh trống cổ vũ học sinh.
Một số tổ chức còn trao cho thí sinh lá bùa may mắn được gọi là “Yut” với mong muốn các em sẽ đỗ vào trường mong muốn. Trong khi đó, ở nhiều ngôi chùa, nhà thờ, mọi người tổ chức thắp nến cầu nguyện cho con em mình.
Mọi người tập trung trước cổng trường cổ vũ cho các thí sinh thi đại học. Ảnh: Aljazeera. |
Ở Hàn Quốc, đỗ đại học như tấm vé thông hành giúp các bạn trẻ bước vào đời dễ dàng hơn, có cơ hội làm việc ở các công ty lớn, làm công chức và tìm được người bạn đời phù hợp. Chính vì thế, kỳ thi đại học rất được coi trọng và khiến học sinh bị áp lực nặng nề.
Nếu kết quả thi không tốt, các em học thêm một năm nữa để thi lại. Khoảng 20% thí sinh sẽ thi lại, thậm chí có người thi đại học tới 3 lần.