Ngày 13/3, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) bắt đầu triển khai hoạt động nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Người dân tại 5 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận.
“Đây là mong đợi của người dân cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó rút ngắn thời gian cũng như các thủ tục trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, việc không phải đến cơ quan chức năng để nộp phạt sẽ giúp người dân hạn chế việc đi lại, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm”, thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh.
Tài xế Bùi Đức Minh (Thái Bình) cho biết từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, anh hoàn toàn từ bỏ rượu bia kể cả khi không tham gia giao thông. Ảnh minh họa: Hồng Quang. |
Cục CSGT đã dự báo tình hình, sự đón nhận của người dân khi sử dụng hai dịch vụ công này trong thời gian tới nên đã chú ý quan tâm hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng kết nối, đảm bảo hoạt động thông suốt.
Bên cạnh đó, theo Phó cục trưởng Cục CSGT, thực hiện tốt hoạt động qua Cổng dịch vụ công quốc gia cũng mang lại lợi ích cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi đây là hoạt động dùng chung giữa các ngành, qua đó sẽ góp phần tạo sự liên kết dữ liệu, phục vụ tốt cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông cũng như các trường hợp lợi dụng các tuyến giao thông để thực hiện hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục CSGT, việc xử lý vi phạm trên Cổng dịch vụ công quốc gia phải theo quy định của pháp luật.
"Không phải người dân bị lập biên bản hành chính, thì ngay sau đó lên cổng thông tin mà có luôn được. Bởi trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ theo Luật xử lý vi phạm hành chính", thiếu tướng Lê Xuân Đức chia sẻ.