Thi đỗ thủ khoa chỉ với 50.000 đồng
Hành trình đi thi đại học chỉ với 50.000 đồng trong túi, cô học trò nghèo Nguyễn Thị Quyên đã đỗ 2 trường đại học và trở thành thủ khoa của trường ĐH Kinh tế Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên.
Sau 2 ngày thi trở về, Quyên vẫn còn giữ nguyên 50.000 đồng trong túi để gửi lại bố mẹ.
Mấy ngày nay, người dân xóm Chùa, xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) đi đến đâu cũng tự hào khoe về thủ khoa của xóm nghèo.
Quyên trở thành thủ khoa của ĐH Kinh tế Quản trị Kinh doanh (ĐH KTQTD) Thái Nguyên với số điểm 24,5 (khối D1) và ĐH Bách Khoa HN với số điểm 23,5. Số điểm của Quyên không phải là tuyệt đối, nhưng hành trình Quyên “chinh phục” giấc mơ ĐH là sự nỗ lực vượt bậc chiến thắng số phận và cái nghèo.
Hai bịch sữa tươi và 50.000 đồng
Men theo con đường làng hun hút, chúng tôi tìm đến nhà thủ khoa Nguyễn Thị Quyên. Dù đường vào ngoắt ngoéo nhưng đến đâu dân làng chỉ dẫn nhiệt tình: “Ai chứ, nhà con bé Quyên thì chúng tôi lạ gì, nó vừa đỗ thủ khoa” – một người hàng xóm tự hào khoe.
Đến thăm gia đình Quyên vào đúng giờ cơm trưa, cả nhà Quyên đang vui vẻ trò chuyện bên mâm cơm chỉ có hai món là… cơm trắng với muối vừng. Căn nhà đơn sơ tưởng chừng như không có một tài sản vật chất gì có giá trị. Có lẽ tài sản quý giá nhất trong ngôi nhà này chính là những tấm bằng khen, giấy khen của hai chị em Quyên.
Góc học tập đơn sơ của Nguyễn Thị Quyên là tài sản lớn trong ngôi nhà |
Cô Dương Thị Chung, mẹ Quyên xúc động khóc trong niềm tự hào khi nói về con gái: “Có ai đi thi trong túi chỉ có 50.000 đồng như nó. Trước khi Quyên đi thi, vợ chồng tôi quyết định bán cây xoan trước ngõ để có tiền cho con lên thành phố, ai ngờ thi xong hai ngày, nó về đưa lại mình đúng 50.000 đồng”.
Nói về “hành trình” cùng 50.000 đồng của mình, Quyên hào hứng kể: “Lên thành phố, cái gì cũng đắt đỏ, tốn kém nhưng may có tấm lòng hảo tâm của nhiều người đã giúp đỡ, ở miễn phí, lại được ăn trong chùa nên không tốn kém. Ngoài ra, chị em mình không chi tiêu thêm bất cứ khoản gì. Trước khi đi, mình cũng được mẹ mua thêm cho hai hộp sữa tươi để mang theo rồi”.
Trong câu chuyện kể, cô thủ khoa Nguyễn Thị Quyên không hề lộ nét buồn khi thiệt thòi hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa. Đối với Quyên, được đi học đã là một điều may mắn: “Nhà mình bữa ăn còn lo từng ngày nên mình chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện học thêm. Từ bé đến giờ mình được đi học chính quy là nhờ vào học bổng và chính sách miễn giảm học phí dành cho hộ nghèo”.
Thủ khoa có được làm sinh viên?
Gia đình Quyên thuộc gia đình đặc biệt khó khăn của xã vùng sâu thuộc huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. Bố mẹ Quyên đều làm việc thuần nông, cả nhà chỉ trông vào 4 sào ruộng bạc màu. Bố Quyên mắc bệnh thần kinh nên mất sức lao động. Để có thêm thu nhập cho gia đình, mẹ Quyên phải làm thêm nghề thu nhặt phế liệu. Để phụ giúp bố mẹ có thêm tiền trang trải, ngoài giờ học trên lớp, Quyên vẫn tranh thủ đi nhổ cỏ thuê, dọn nhà hay dọn vệ sinh cho một số gia đình.
Việc Quyên đỗ đại học, lại trở thành thủ khoa là niềm tự hào với không chỉ gia đình của Quyên mà còn với cả xóm Chùa nghèo vốn chỉ quen với đồng ruộng, với thu nhặt phế liệu. Nhưng niềm vui bất ngờ đến lại mang theo nỗi lo toan phía trước.
Tâm sự về chuyện học tập sắp tới của Quyên, cô Chung nói trong những giọt nước mắt buồn – vui lẫn lộn, tự hào đấy để rồi lại tủi phận: "Chúng tôi mừng lắm, tự hào lắm nhưng lại thấy mình như bất lực. Đứa lớn nhà tôi vừa tốt nghiệp ĐH Sư phạm ra trường. Nó cũng được bằng giỏi nhưng giờ vẫn thất nghiệp. Nay lại thêm Quyên đi học xa nhà, chúng tôi lấy đâu ra tiền cho con ăn học bây giờ?”.
Món vay nợ tiền trợ cấp cho học sinh nghèo đang ngày một lớn dần mà gia đình Quyên chưa có khả năng chi trả, nay lại thêm những lo toan chuẩn bị cho 4 năm đèn sách của tân thủ khoa, bố mẹ Quyên cảm thấy mình gần như kiệt quệ. Tài sản gia đình Quyên không còn thứ gì để bán đi được nữa. Con đường học tập là cách nhanh nhất để thoát khỏi cái nghèo nhưng với tân thủ khoa Nguyễn Thị Quyên, chặng đường vẫn còn lắm gian truân phía trước.
“Hoàn cảnh gia đình khó khăn, có lúc mình cũng thấy nản nhưng nghe mẹ động viên lại thấy mình càng phải cố gắng hơn. Khi chưa đi học cứ nghĩ là sinh viên thật thích, nhưng bây giờ mình thấy sao con đường trở thành sinh viên còn nhiều khó khăn quá” - Nguyễn Thị Quyên thật thà chia sẻ suy nghĩ.
Theo Khám Phá