Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thí nghiệm 'Sóng nhạc lửa' khiến dân mạng thích thú

Hình ảnh thí nghiệm Vật lý "Sóng nhạc lửa" xuất hiện trên mạng xã hội khiến nhiều bạn tỏ ra thích thú. Người có phương pháp dạy thú vị này được gọi là "thầy Vật lý nhà người ta".

Ngày 22/3, bạn Hoàng Thạch Giang đăng video thí nghiệm Vật lý về sóng âm thanh lên Facebook. Video Sóng nhạc lửa dài hơn 6 phút này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Nhiều bạn tỏ ra thích thú trước màn thí nghiệm độc đáo và gọi giáo viên trong video là “thầy Vật lý nhà người ta”.

Bạn Thành Bùi bình luận: “Thầy giáo dạy Vật lý như này thì thổi được bao nhiêu đam mê cho học sinh đây!”.

Một số bạn còn tỏ ra “ghen tỵ” với học sinh Quảng Nam khi được học Vật lý, môn học vốn khô khan và khó, theo cách thú vị như vậy.

Thi nghiem song nhac lua anh 1
Thầy Thành và bạn Nguyễn Thành Tín, một trong hai tác giả của thí nghiệm Sóng nhạc lửa. Ảnh: NVCC.

Sức hút của video không chỉ nằm ở màn biểu diễn lửa ấn tượng mà còn nhờ những bản nhạc hay như Waiting for love của Avicii hay nhạc phim Hậu duệ mặt trời đang gây sốt khắp châu Á.

Thầy giáo xuất hiện trong video là Phan Công Thành, giáo viên môn Vật lý trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam.

Thầy Thành cho biết, đây là thí nghiệm do học sinh lớp 11 chuyên Toán thực hiện và quay bằng điện thoại.

“Các em dùng điện thoại ghi lại clip trên trong giờ học mang tính giải trí chứ không định đưa lên mạng. Mọi việc xảy ra hết sức tình cờ và rất bất ngờ”, thầy Thành chia sẻ.

Thí nghiệm dựa trên bài dự thi của hai cựu học sinh Nguyễn Thành Tín và Huỳnh Thị Ánh Tuyết. Tác phẩm từng đạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam, giải nhất chương trình nhà sáng chế trên kênh VTV2 số 26 năm 2014.

Dưới sự hỗ trợ của thầy Thành, hai bạn Thành Tín và Ánh Tuyết tìm hiểu thông tin và chế tạo lại ống Rubens. Việc chế tạo khá đơn giản, có thể giúp học sinh hiểu rõ hơn về hình dạng của sóng âm thanh được hình thành trong ống. Âm nhạc cùng sự thay đổi hình dạng liên tục của ngọn lửa khiến bài học trở nên thú vị, hấp dẫn.

Thí nghiệm này thường xuyên được giới thiệu tại trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam. Hình ảnh thí nghiệm hôm 19/3 của học sinh lớp 11 chuyên Toán bất ngờ xuất hiện trên mạng khiến những người trong cuộc hết sức ngạc nhiên.

Thầy Thành khẳng định, tất cả bài hát đều là lựa chọn của học sinh. “Học sinh làm hết, tôi chỉ đứng cầm cái loa. Các em tự mua ga, nhạc cũng do các em chọn”, thầy nói.

Sóng nhạc lửa rất ấn tượng nhưng cũng khiến một số bạn lo ngại vì mức độ an toàn. Người dùng Clover Nguyen bình luận: “Thầy hay thật nhưng dùng ga thế kia nhỡ có tai nạn không mong muốn thì sao”.

Facebook Tan Hau Le cũng chung quan điểm: “Đúng là cái này hay thật nhưng chúng ta có cách khác để biểu diễn phần sóng âm này ít mạo hiểm hơn”.

Thi nghiem song nhac lua anh 2
Hai tác giả của thí nghiệm Ánh Tuyết và Thành Tín.

Thầy Thành giải thích, khi nghiên cứu làm thí nghiệm, Thành Tín và Ánh Tuyết đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu. Ở nước ngoài, người ta thường dùng bình ga lớn để đảm bảo lửa không tắt trong quá trình thí nghiệm. Nhưng sau khi xem xét tính an toàn và mức độ khả thi, hai tác giả quyết định sử dụng bếp ga mini Namilux thế hệ mới có hệ thống khóa an toàn.

“Sự theo dõi, ủng hộ của cộng đồng mạng cho thấy việc dạy và học của chúng ta còn nhiều điểm cần được bổ sung, cân nhắc nhằm mang lại cho giới trẻ cơ hội học tập trong môi trường thú vị hơn, đồng thời nuôi dưỡng đam mê khoa học”, thầy giáo này cho biết.

Thí nghiệm Sóng nhạc lửa gây sốt cộng đồng mạng Video thí nghiệm Vật lý về sóng âm thanh của học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm Quảng Nam nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.

Là giáo viên gắn bó với nghề gần 13 năm, thầy Công Thành có nhiều trăn trở về việc phát triển khoa học công nghệ trong giới trẻ. Giáo viên này đã giúp học sinh thành lập Câu lạc bộ thiên văn Quảng Nam với quan điểm, thiên văn giúp giới trẻ đến gần hơn với khoa học.

Trong năm học 2015-2016, thầy cùng học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm kêu gọi sự hỗ trợ, đóng góp từ cộng đồng, trang bị một kính thiên văn hiện đại cho câu lạc bộ.

“Việc kêu gọi cộng đồng đóng góp sẽ thay đổi cách nhìn của mọi người đối với việc phát triển khoa học. Qua đó, phụ huynh cũng thay đổi quan niệm, hướng con em theo đuổi ngành này”, thầy Thành nói.

Phương pháp dạy học trực quan, sinh động của thầy được học sinh đón nhận nhiệt tình.



Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm