Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thị Nở' kêu cứu cho Hãng phim truyện VN

Diễn viên đóng vai "Thị Nở" nổi tiếng của phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" lên tiếng kêu cứu trước sự việc Hãng phim truyện VN bị bán.

NSƯT Đức Lưu – người ghi dấu ấn qua vai diễn Thị Nở trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh sự việc Hãng phim truyện Việt Nam bị bán.

giam doc hang phim khong co tai anh 1
NSƯT Đức Lưu. Ảnh: Hoàng Anh

“Minh Châu, em bó tay à? Đó là tổ tiên làng điện ảnh”

- Là nghệ sĩ đã về hưu từ lâu, điều gì khiến bà quyết định ký tên trong bản kiến nghị dừng cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam?

- Tôi đã nghỉ hưu nhiều năm rồi nhưng việc cổ phần hóa không minh bạch Hãng phim truyện Việt Nam là sự xúc phạm đến trái tim của người nghệ sĩ nên chúng tôi không thể tiếp tục im lặng. Số 4 Thụy Khê là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm của cá nhân tôi cũng như của các thế hệ diễn viên điện ảnh.

Đám cưới của tôi được tổ chức ở đây rồi lúc sinh con, thời chiến tranh gian khổ. Tôi đã gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam suốt một thời gian dài. Cuộc đời tôi thanh bạch nhưng thấy bất bình thì không thể không lên tiếng. Giờ tôi không có mong mỏi gì ngoài việc bản kiến nghị của 9 nghệ sĩ sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét và có động thái giải quyết. 

- Bà lại là người chủ động liên lạc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xin lịch gặp với Bộ trưởng?

- Tôi chính thức biết thông tin cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cách đây hơn một tuần, tức là muộn hơn các nghệ sĩ khác rất nhiều. Ngay khi từ TP HCM trở về, tôi đã gọi điện ngay cho nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Cô ấy giọng buồn bảo với tôi rằng “Em chả làm gì được nữa chị ạ! Chị có vào cuộc chứ em bất lực rồi”.

Tôi nghĩ cả một đêm hôm đó, hôm sao tôi gọi cho NSND Minh Châu, tôi bảo “Em bó tay thế à, đó là đất của tổ tiên làng điện ảnh Việt”. Ngay sau đó, tôi gọi cho NSND Thanh Vân hỏi “Còn một tia hy vọng nào không?”. Thanh Vân đáp là còn 5% hy vọng vì Bộ trưởng mới chưa ký.

Ngay sau khi hỏi ý kiến các nghệ sĩ, tôi liên lạc ngay với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bày tỏ nguyện vọng muốn được gặp Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Ngay sau khi Bộ trưởng mới đồng ý gặp nhóm nghệ sĩ, NSND Thanh Vân đã đặt vé máy bay cho NSND Trà Giang ra Hà Nội, còn nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã thảo ngay một bản kiến nghị cho mọi người đóng góp để trình lên cơ quan chức năng.

- Trong cuộc gặp với nhóm 9 nghệ sĩ, Bộ trưởng đã có những phản hồi như thế nào, thưa bà?

- Bộ trưởng là người thân thiện, tử tế. Ông bày tỏ sự xúc động khi được gặp các nghệ sĩ gạo cội ở ngoài đời vì trước kia chỉ được nhìn thấy trên màn ảnh. Ông lắng nghe tất các phản hồi của nghệ sĩ.

Đầu tiên là NSND Trà Giang đọc bản kiến nghị của các nghệ sĩ trong TP HCM. Sau đó Hồng Ngát phát biểu, cô nói một ý rất hay là ông Putin ở Nga quyết định ký đặc cách không để cổ phần hóa hãng Mosfilm vậy tại sao chúng ta không giữ lại Hãng phim truyện. Đến Minh Châu phát biểu, chưa nói đã khóc vì cô ấy rất hay nghẹn ngào.

Còn tôi, trước Bộ trưởng, Thử trưởng, và các Vụ trưởng, tôi chỉ nói rằng: “Các đồng chí còn trẻ quá lại ở tỉnh khác nên chưa hiểu hết thành tựu của Hãng phim truyện Việt Nam đi đôi với Cách mạng”.

Tôi cũng kể chuyện Bác Hồ ký thành lập Xưởng phim Việt Nam, rồi chuyện làm phim phục vụ Cách mạng, có cả mồ hôi, nước mắt, máu và sự nguy hiểm. Thế nên thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 là không thể chấp nhận được.

giam doc hang phim khong co tai anh 2
Các nghệ sĩ cùng ký trong bản kiến nghị. Ảnh: Khuê Tú

- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng các nghệ sĩ như bà đã lớn tuổi nên không nắm được tình hình thua lỗ đến bờ phá sản của Hãng phim truyện Việt Nam những năm gần đây?

- Sao lại nói Hãng phim truyện Việt Nam thua lỗ. Thua lỗ là dành cho hoạt động buôn bán còn Hãng phim đâu phải mớ rau, con cá mà nói đến kinh doanh. Từ khi ra đời đến nay hãng phim luôn phục vụ chính trị, phục vụ cách mạng, truyền tải tinh thần yêu nước, phản ảnh đời sống con người.

Vĩ tuyết 17 ngày và đêm, Lãng Vũ Đại ngày ấy, Chị Dậu và rất nhiều bộ phim khác đâu phải là sản phẩm kinh doanh, đánh giá lỗ hay lãi là không đúng. Hãng phim truyện Việt Nam không phải là nơi sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp như các doanh nghiệp khác.

‘Không có chuyện dừng cổ phần hóa Hãng phim truyện VN’

Đó là khẳng định đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Zing.vn trước thông tin Bộ sẽ dừng cổ phần hóa vì sự phản đối của nghệ sĩ.

“Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay không có tài”

- Trong bản kiến nghị của nhóm 9 nghệ sĩ còn có nội dung là đề nghị thay Giám đốc hiện tại của Hãng phim truyện Việt Nam. Bà có thể cho biết lý do của việc này?

- Ông Vương Đức – Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam hiện này có những điều không đàng hoàng, lại không phải người có tài năng nghệ thuật, nhiều quyết định rất mập mờ đó là còn chưa kể đến việc ông ấy không có tầm nhìn xa, nhìn tới tương lai. Ông ấy đã để hãng phim lụi bại nên giờ không ai ủng hộ.

Nếu có giám đốc mới là một người tâm huyết, nhiệt tình lại có tài có đức thì chắc chắn Hãng phim truyện Việt Nam sẽ khởi sắc. Còn ông Vương Đức thì không được, ông ấy là người không có tài đức.

- Ông Vương Đức đã phản bác tất cả các cáo buộc của nhóm nghệ sĩ về việc cổ phần hóa không minh bạch trong biên bản họp công ty ngày 31/5. Bà nghĩ gì?

- Tôi già nhưng chưa lẫn. Tôi từng giảng dạy về kinh doanh và cũng có bằng về kinh tế. Đấu thầu là phải nhiều lần và phải đưa ra công chúng, phải có đối thủ cạnh tranh và định giá chứ cổ phần hóa như Hãng phim truyện Việt Nam sao có thể coi là minh bạch được.

Chỉ có một đối tác như thế thì đặt ra thế nào mua thế. Việc gạt hết đối tác ra và bảo rằng đã hết hạn đăng ký kèm theo câu “hoa hậu còn hết hạn” là không minh bạch và không chấp nhận được. Họ cứ tưởng mấy bà già là không biết gì chứ chúng tôi quá hiểu. Tôi không cần gì hơn chỉ muốn công bằng và minh bạch.

giam doc hang phim khong co tai anh 3
Các nghệ sĩ đề nghị dừng cổ phần hóa. Ảnh: Khuê Tú

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có động thái gì kể từ khi nhận đơn kiến nghị của các nghệ sĩ?

- Bộ thì chưa có phản hồi gì nhưng theo nguồn tin mà tôi nắm được thì Văn phòng chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Về phía nhóm nghệ sĩ, chúng tôi cũng có mời một luật sư chuyên về cổ phần hóa để tư vấn pháp lý. Luật sư này chúng tôi không phải trả tiền hay thuê mướn gì vì nghệ sĩ về hưu nghèo lắm, làm gì có tiền, đến gặp mặt nhau còn người mời nước, người mời bữa sáng. Chúng tôi không kiện tụng gì chỉ là nhờ một luật sư để có những phân tích chính xác nhất về việc này.

- Trường hợp Hãng phim truyện Việt Nam không được đặc cách trong tiến trình cổ phần hóa như mong muốn của nhiều nghệ sĩ thì bà nghĩ sao?

- Trường hợp việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vẫn tiếp tục và không được đặc cách thì chúng tôi cũng không có phản hồi gì vì chủ trương là rất đáng hoan nghênh.

Nhưng chúng tôi đề nghị là phải cổ phần hóa lại từ đầu, mở rộng đối tác, minh bạch trước công chúng và lấy ý kiến của các nghệ sĩ.

Ngoài ra, chủ đầu tư phải trình phương hướng phát triển, trong đó chắc chắn có nội dung vẫn giữ xưởng phim chứ nhất quyết không để thương mại. Và phải giữ tên Hãng phim truyện Việt Nam. 

Hãng phim truyện Việt Nam bị bán vì thua lỗ triền miên

‘Giá trị thương hiệu của hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 vì hãng thua lỗ triền miên và chưa bao giờ có lãi’- NSƯT Vương Đức nói.

Khuê Tú

Bạn có thể quan tâm