Chiều 10/3, cuộc thi “Ngồi không” đã diễn ra tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) với sự tham gia của hơn 30 thí sinh.
Cuộc thi bao gồm hai phần: Phần một kéo dài 15 phút, người tham gia phải ngồi xếp bằng, hai tay đặt qua hai bên với ngón cái và ngón trỏ chạm vào nhau; Phần hai kéo dài 30 phút, người tham gia được ngồi tự do nhưng không được nhúc nhích hay thay đổi biểu cảm, kể cả hướng nhìn của mắt.
Mặt khác, thí sinh không được phát ra tiếng động hay ngủ trong suốt 45 phút cuộc thi diễn ra.
Nút “pause” của cuộc đời
Việt Trang (32 tuổi) đặt ra thử thách để bản thân ngồi thẫn thờ trong vòng 45 phút như một dịp để tạm xa rời công nghệ và cho bản thân một dịp để thả lỏng. Tuy nhiên, cô lại thất bại vì không thể giữ nguyên biểu cảm trong suốt 30 phút của phần thi thứ hai.
“Thật ra mình cũng không nhận ra là mình đã thay đổi biểu cảm cho đến khi bạn MC thông báo đâu. Tưởng là dễ nhưng mà lúc làm thì mới thấy cuộc thi này siêu khó”, Việt Trang kể.
Với Việt Trang, thử thách giữ nguyên biểu cảm trong phần hai khá khó. Ảnh: Đông Tùng. |
Dù vậy, chia sẻ với Tri thức - Znews, cô cho biết bản thân vừa có một trải nghiệm khá ‘healing’ (chữa lành). “Khi thả lỏng cơ thể, giữ biểu cảm thẫn thờ và nhìn xa xăm thì mình suy nghĩ rất nhiều thứ. Mình thấy đây là dịp để những người đam mê công nghệ số như thế hệ bọn mình tạm nghỉ ngơi”, cô nói.
Trong khi đó, Khánh Ngâu (30 tuổi) cũng suýt bị loại ở những giây cuối cùng. “Việc ngồi yên một chỗ khó lắm, mình tưởng đã thua rồi nhưng may là ban tổ chức du di cho mình vì đã trụ đến phút cuối cùng.
Cuộc thi này giống nút "pause" (tạm dừng - PV) trong cuộc sống của mình vậy. Nhờ nó mà mình có dịp suy nghĩ về toàn bộ điều đã trải qua trong đời. Tuy nhiên việc không được sử dụng điện thoại mà cũng không được làm gì khác rất khó chịu luôn”, Khánh Ngâu kể lại với Tri thức - Znews. Cô cũng nhấn mạnh bản thân sẽ thử thực hành việc ngồi không tại nhà để giữ cho cuộc sống không bị “trôi tuột”, vô nghĩa.
Vốn có thói quen ngồi thẫn thờ từ trước, Minh Long (áo trắng) xem thử thách của cuộc thi "khá là dễ". Ảnh: Đông Tùng. |
Ngược lại, với Minh Long (21 tuổi) - một trong những người chiến thắng, việc ngồi thẫn thờ “khá là dễ”. “Những khi buồn thì mình cũng hay có thói quen ngồi thẫn thờ, cứ ngồi thôi và không suy nghĩ gì cả. Do đó mình thấy để chiến thắng cuộc thi này cũng khá là dễ”, Minh Long tự hào chia sẻ.
Dù vậy, nam sinh viên 21 tuổi tâm sự việc ngồi và không thay đổi tư thế trong hai phần thi làm cậu bị choáng và đau mắt. “Dù vậy em cảm thấy rất vui khi mình không sử dụng điện thoại và được quyền ‘không làm gì’, cuộc sống như nhẹ bẫng đi vậy”, Long nói.
Theo ban tổ chức, cuộc thi “ngồi không” thuộc chiến dịch truyền thông cho bộ phim Kung Fu Panda 4 mới ra mắt và chỉ được tổ chức với mục đích đơn thuần là một dịp để mọi người giải trí ngày cuối tuần.
Giá trị của khoảng thời gian không làm gì
Tương tự, Hàn Quốc cũng có một cuộc thi tên là Han River Space out Competition (Tạm dịch: Cuộc thi ngồi không bên sông Hàn - PV).
Tại đây, người tham gia cũng được yêu cầu ngồi với tư thế và gương mặt không thay đổi trong vòng 90 phút. Người chiến thắng sẽ là người có nhiều phiếu bầu và nhịp tim ổn định nhất.
Các cuộc thi "ngồi không" của Hàn Quốc được tổ chức thường niên kể từ năm 2014. Sự kiện này lần đầu tiên được tổ chức bởi một nghệ sĩ Hàn Quốc tên là Woopsyang. Ý tưởng tổ chức xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân của cô trong việc vượt qua tình trạng kiệt sức bằng cách ngồi không trong thời gian dài.
Tính đến nay, cuộc thi “ngồi không” đã được tổ chức hơn 30 lần. Trong đó có 7 lần được tổ chức cấp quốc tế và hơn 20 lần tổ chức với quy mô cấp địa phương tại Hàn Quốc. Kỷ lục, năm nhiều nhất có đến hơn 4.000 đơn đăng ký tham gia cuộc thi.
Cuộc thi "ngồi không" năm 2022 được diễn ra trên cầu Jamsu bắc qua sông Hàn ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Newsis. |
Theo Space Out Competition, trang thông tin chính thức của cuộc thi, mục đích của các cuộc thi “ngồi không” là để phá vỡ định kiến không làm gì là lãng phí thời gian. Qua đó, ban tổ chức muốn truyền tải thông điệp tự tin tận hưởng cuộc sống dù thực hiện những hoạt động nhỏ nhặt như ngồi tắm nắng, uống cà phê.
Từ cuộc thi này, nhiều sản phẩm truyền thông cũng được sáng tạo ở Hàn Quốc để bắt kịp trào lưu “không làm gì”, theo Korea JoongAng Daily.
Chẳng hạn, năm 2020, Hệ thống phát thanh giáo dục Hàn Quốc (EBS) đã phát sóng chuỗi chương trình 10 Minutes’ Nothingness (Tạm dịch: 10 phút không làm gì - PV) với các đoạn video con ốc sên đang bò hoặc quá trình làm ra một chai soju mà không có lời bình hay phụ đề.
Một sản phẩm phim ngắn, tiết tấu chậm, nội dung đơn giản ở Hàn Quốc. Ảnh: CGV. |
CGV cũng ra mắt hai phim ngắn Peace of Mind (2021) và Body Scan (2021) để cung cấp nội dung thiền định với phong cảnh thiên nhiên trên nền nhạc nhẹ nhàng. Mặc dù những bộ phim ngắn này không đứng đầu doanh thu phòng vé, các bình luận trên website rạp chiếu phim đều rất tích cực.
Theo nhà phê bình văn hóa đại chúng Jeong Deok-hyun, sự bùng nổ của các cuộc thi "ngồi không" và các nội dung đi kèm là hiện tượng tự nhiên nảy sinh trong môi trường bận rộn và nhộn nhịp của thế kỷ XXI.
"Những cảm giác dường như đối lập luôn song hành. Khi mọi người tiếp xúc với quá nhiều kích thích từ thế giới bên ngoài, họ có xu hướng nghĩ cuộc sống thật buồn tẻ vì đã quá quen với nó rồi.
Thế nên, trong khi có những người muốn thứ gì đó vượt trội, thú vị hơn thì cũng có những người khác chỉ muốn thoát khỏi tất cả và trở về với những gì cơ bản, đơn giản nhất để bộ não được nghỉ ngơi".
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.