Không làm tròn điểm
Sau khi công bố điểm thi THPT quốc gia, trên diễn đàn Vật lý Phổ thông, nhiều thí sinh thắc mắc điểm thi của mình hụt hơn so với dự tính. Câu hỏi của nhiều học sinh là việc làm tròn điểm thi được thực hiện như thế nào?
Tuy nhiên, theo quy chế của Bộ GD&ĐT, điểm THPT quốc gia năm nay điểm thi được chấm theo thang 10 và lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn. |
Quy chế này được PGS.TS Đỗ Văn Xê – Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ chỉ rõ: Các môn thi theo hình thức trắc nghiệm được chấm theo thang điểm nhảy theo bậc cách nhau 0,25 điểm, tương ứng số lượng câu trả lời đúng. Do đó, tổng số điểm của mỗi bài không cần phải làm tròn.
Các môn thi theo hình thức tự luận được chấm dựa vào phiếu chấm,các câu hỏi nhỏ được chia thành các thành phần nhỏ với mức điểm 0,25. Điểm được làm tròn theo từng phần nhỏ, do đó tổng điểm của từng bài chỉ có ở các mức cách nhau 0,25 điểm, nên không cần phải làm tròn nữa.
Như vậy, tổng số điểm của mỗi môn thi ở các mức cách nhau 0,25 nên không làm tròn. Từ 2014 trở về trước, tổng số điểm của 3 môn được làm tròn đến mức 0,5 điểm, và điểm chuẩn cũng được tính theo bước cách nhau 0,5 điểm.
Năm nay, để giảm số lượng thí sinh trùng điểm gây khó khăn cho việc xác định điểm chuẩn, Đại học Cần Thơ sẽ không làm tròn tổng số điểm của 3 môn nữa và điểm chuẩn được tính theo bước cách nhau 0,25 điểm.
Nộp đơn phúc khảo
Như vậy, việc hụt điểm của thí sinh so với dự kiến không phải do quy chế làm tròn điểm. Có thể việc chênh lệch này do thí sinh không nhớ chính xác bài làm của mình hoặc sai sót trong quá trình chấm thi. Vì vậy, mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi và phải nộp lệ phí theo quy định.
Bắt đầu ttừ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu, thí sinh xin phúc khảo đến hội đồng thi, Sở GD&ĐT nhận đơn xin phúc khảo trong thời hạn 10 ngày. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, hội đồng thi phải công bố kết quả phúc khảo.
Thí sinh lưu ý, nếu muốn phúc khảo điểm thi, có thể liên hệ với Sở GD&ĐT nơi mình cư trú hoặc nơi nộp hồ sơ đăng kí để được hướng dẫn. Ví dụ, học sinh lớp 12 nộp tại trường THPT thì nộp đơn phúc khảo tại trường THPT, thí sinh tự do thi tại Cụm thi TP HCM nộp đơn phúc khảo tại Cơ quan Đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM.
Chấm thi phúc khảo
Với các môn tự luận, mỗi bài thi sẽ do hai cán bộ chấm, chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh. Nếu kết quả hai lần chấm phúc khảo giống nhau thì giao bài cho trưởng ban ký xác nhận điểm chính thức. Nếu quết quả có sự chênh lệch thì tổ chức lần chấm thứ ba trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác.
Nếu kết quả ba lần chấm vẫn lệch nhau thì trưởng ban phúc khảo lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức rồi ký tên xác nhận.
Trong trường hợp điểm phúc khảo bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên đối với môn khoa học tự nhiên và từ 1 điểm trở lên đối với môn khoa học xã hội, phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản). Có biểu hiện tiêu cực, sẽ xử lý theo quy định.
Với các môn trắc nghiệm, tổ phúc khảo có thành phần tương tự như tổ xử lý bài trắc nghiệm của ban chấm thi. Điểm chấm lại của tổ phúc khảo bài thi trắc nghiệm là điểm thi chính thức của thí sinh trong kỳ thi. Trước ngày 20/7, các cụm thi hoàn thành công tác chấm thi và báo cáo kết quả sơ bộ về Bộ GD&ĐT.