Gần đây, Quốc hội lấy ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi. Từ phụ huynh cho đến giáo viên, từ các nhà giáo dục đến người dân đều quan tâm đến Luật Giáo dục vì ảnh hưởng của luật đến sự phát triển của thế hệ trẻ nói riêng và tương lai đất nước nói chung.
Luật Giáo dục của nước ta hiện nay được nghiên cứu xây dựng và sửa chữa nhiều lần. Tuy nhiên, một số điều luật không hợp lý vẫn còn tồn tại khiến dư luận không khỏi thắc măc. Một trong những điều luật đó là điều 84 về Chế độ cử tuyển.
TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm. Ảnh: NVCC. |
Điều 84 dự thảo luật Giáo dục sửa đổi quy định như sau:
Nhà nước dành riêng chỉ tiêu cử tuyển đối với các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có chính sách tạo nguồn tuyển sinh trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để học sinh các dân tộc này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ vào nhu cầu của địa phương, có trách nhiệm đề xuất chỉ tiêu cử tuyển, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề phù hợp, cử người đi học cử tuyển theo đúng chỉ tiêu được duyệt và tiêu chuẩn quy định.
Theo quy định của điều luật này, các sinh viên được tuyển sinh theo chế độ cử tuyển sẽ được nhập học ở các trường đại học theo chế độ dự bị đại học mà không phải dự thi tuyển sinh như các thí sinh khác.
Đây là điều bất cập lớn, mâu thuẫn với quy định công bằng trong giáo dục. Các sinh viên nhập học tại các trường đại học và cao đẳng cần có trình độ tương đương nhau.
Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc học tập và rèn luyện của các sinh viên. Chế độ cử tuyển đã tạo ra một lứa sinh viên với trình độ thấp, gặp nhiều khó khăn khi theo học tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước.
Từng là giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi đã nhiều lần gặp khó khăn khi hướng dẫn học cho các sinh viên hệ cử tuyển. Với việc nhập học quá dễ dàng, nhiều sinh viên hệ cử tuyển có trình độ học vấn thấp hơn hẳn các bạn trong lớp, trong trường. Do đó, việc học tập của các em gặp nhiều khó khăn.
Có nhiều em phải học đến 2-3 lần mới có thể hoàn thành một môn học. Có không ít trường học sinh viên hệ cử tuyển phải kéo dài thời gian học nhiều năm do việc học tập quá khó khăn. Tình trạng đi học với thái độ học tập không tốt cũng khá phổ biến ở sinh viên hệ cử tuyển. Việc nhập học quá dễ dàng khiến các sinh viên này không nhận thức rõ được quyền lợi và trách nhiệm học tập của mình.
Ngoài ra, tình trạng sinh viên hệ cử tuyển tốt nghiệp đại học và cao đẳng xong không trở về địa phương, nơi đã cử các em đi học mà ở lại tại các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm cũng khá phổ biến. Như vậy, mục tiêu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương cũng không thực hiện được.
Theo khoản 3 của điều 84, người được cử đi học theo chế độ cử tuyển được ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức. Như trên chúng tôi đã phân tích, đào tạo sinh viên hệ cử tuyển rất khó để đảm bảo được chất lượng đầu ra.
Nhưng theo quy định trên, các sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển lại được ưu tiên tuyển dụng công chức viên chức. Đây là bất cập lớn, tiếp tục gây mất công bằng trong việc tuyển dụng công chức viên chức, tạo điều kiện cho một số công chức, viên chức chất lượng kém vào làm trong các cơ quan nhà nước.
Mặc dù chúng ta luôn nêu rõ tinh thần công bằng - dân chủ - văn minh, nhưng những khoản không hợp lý của điều luật này liên tục tạo ra sự mất công bằng trong giáo dục và tuyển chọn nhân tài. Điều này khiến chúng tôi băn khoăn tự hỏi: Liệu có lợi ích nhóm trong quy định này.
Với con em đồng bào dân tộc thiểu số, nếu các em có nhu cầu học tập lên cao, nhất thiết phải có sự hỗ trợ vì điều kiện sống của các em còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các em hầu hết khó khăn về kinh tế và điều kiện học tập. Chúng ta nên chuyển chế độ hỗ trợ cử tuyển từ việc cộng điểm sang hỗ trợ kinh tế. Nên chăng, chúng ta cần có quy định hỗ trợ kinh tế dưới dạng học bổng cho các sinh viên đến từ các vùng đồng bào dân tộc, vùng kinh tế khó khăn.
Ngoài ra, tại các ngôi trường phổ thông dân tộc nội trú, chúng ta nên tạo ra các lớp học dạng dự bị đại học để tập trung ôn luyện cho các thí sinh đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn có điều kiện luyện tập để dự thi công bằng trong các kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng. Như vậy, những bất cập trên sẽ được giải quyết và không còn gây mất công bằng giữa các sinh viên bình thường và các sinh viên hệ cử tuyển.