Trước buổi thi môn Ngữ văn, nhiều thí sinh dự đoán đề vào Người lái đò sông Đà hoặc Đất nước. Ảnh: Thái An. |
Sáng 28/6, Hữu Đạt, học sinh THPT Năng khiếu Thể dục Thể thao, có mặt tại điểm thi trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) từ 5h.
Không chỉ Đạt, trong buổi thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, theo ghi nhận của Tri thức trực tuyến, nhiều sĩ tử đến trường thi từ rất sớm để chuẩn bị tinh thần.
Tranh thủ ăn sáng, ôn bài
Tại điểm thi trường THCS Yên Hòa (Hà Nội), chưa đến 6h, cổng trường đã có khá nhiều thí sinh, phụ huynh đến. Sáng nay, Hà Nội mưa nhỏ. Vì vậy, họ đi sớm để tránh ùn tắc đường. Ngồi ngoài cổng trường, nhiều em tranh thủ ăn sáng hoặc ôn lại bài trước khi vào phòng thi.
“Trời mưa, lo tắc đường, em và bố chủ động di chuyển đến điểm thi từ sớm. Mẹ phải đi làm, chỉ bố đưa đi nhưng em vẫn cảm thấy được tiếp thêm động lực cho ngày thi hôm nay”, Đào Tuấn Nam chia sẻ khi đến trường lúc 5h45.
Nam sinh cho biết thêm sức học của em không quá tốt. Tối qua, em vẫn dành thời gian đọc lại kiến thức môn Ngữ văn đến khi ngủ quên. Đây không phải môn sở trường nên Nam đi thi với tâm trạng lo lắng, hồi hộp.
Với dự định chỉ để xét tốt nghiệp, em đặt mục tiêu trên 6 điểm ở môn Văn. Nam sinh hy vọng đề thi sẽ vào Người lái đò sông đà của Nguyễn Tuân do em ôn tập kỹ nhất tác phẩm này.
Tương tự, Hữu Đạt (TP.HCM) kỳ vọng đề Văn năm nay sẽ “gọi tên” Người lái đò sông Đà. Tác phẩm kỳ vọng thứ hai là Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Đây cũng là hai tác phẩm được Trà My (THPT Trần Hưng Đạo, Hà Nội) nhắc đến trước giờ thi. Nữ sinh cùng bạn có mặt tại điểm thi trường THPT Nhân Chính từ sớm, tranh thủ xem lại bài vở. Các em không quên động viên tinh thần nhau trước khi vào phòng thi.
Người lái đò sông Đà được nhiều thí sinh nhắc đến ngay trước giờ thi. Cát Tường (học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) chia sẻ em dùng phương pháp loại trừ, nhận thấy tác phẩm này nhiều năm chưa thi nên có khả năng sẽ xuất hiện trong đề thi năm nay.
Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm cũng là kỳ vọng của không ít sĩ tử. Trước giờ thi, Văn Mỹ (nam sinh đứng giữa), học sinh THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, dự đoán đề Văn vào tác phẩm này. Em cùng nhóm bạn thân tranh thủ ôn lại kiến thức trước giờ thi. Việc cùng nhau dự đoán đề thi vào phút chót được coi như cách giải trí, giảm bớt cảm giác áp lực.
Nhiều thí sinh có mặt tại điểm thi trường THCS Yên Hòa từ rất sớm. Ảnh: Ngọc Bích. |
Không có được tâm trạng thoải mái như vậy, Nguyễn Ngọc Mai (Đống Đa, Hà Nội) bước vào kỳ thi với cảm giác lo lắng. Nữ sinh chia sẻ cả đêm qua, em không ngủ được. Em thức trắng đêm để đọc lại kiến thức môn Ngữ văn, chờ đến sáng để đi thi.
“Em dự định ngủ lúc 23h. Nhưng càng đọc, em càng thấy còn thiếu kiến thức dù suốt một năm qua, em đã học rất chăm chỉ. Đến 4h hôm nay, em mới lên giường, cố gắng chợp mắt một lát song vẫn không ngủ nổi nên lấy sách ra học tiếp”, Ngọc Mai kể.
Năm nay, Mai đăng ký nguyện vọng 1 vào Đại học Công đoàn và đặt mục tiêu trên 24 điểm. Vì vậy, môn Văn, Mai phải được trên 8 điểm. Nữ sinh hy vọng đề thi sẽ vào bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm vì đây là bài nằm trong đề thi thử của tỉnh Nam Định.
“Nghe nhiều bạn kháo nhau đề thường trùng với Nam Định nên em mong vậy”, nữ sinh chia sẻ thêm.
Hồi hộp nhưng không quá áp lực
Cảm xúc trái ngược là điều dễ nhận thấy tại các điểm thi trong buổi thi đầu tiên. Trong khi nhiều thí sinh thấp thỏm, cố gắng ôn lại bài, không ít em bước đến trường thi với tâm lý thoải mái. Các em cùng nhau thảo luận, đoán đề, động viên nhau.
Với Hữu Đạt, Văn cũng không phải môn sở trường nên nam sinh chỉ đặt hy vọng đạt được 7 điểm trở lên.
Trước khi thi tốt nghiệp THPT, Đạt trúng tuyển Đại học Văn Hiến bằng phương thức xét tuyển sớm nhưng em không có ý định theo học. Nam sinh đặt mục tiêu thi vào ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học của Đại học Công nghiệp Thực phẩm. Vì vậy, dù có chút hồi hộp, em không quá nặng nề về kết quả môn Ngữ văn.
Cát Tường cũng cảm thấy khá thoải mái vì em chỉ thi để xét tốt nghiệp, không đăng ký xét tuyển đại học. Sắp tới, nữ sinh sẽ đến Mỹ theo học ngành Điều dưỡng tại một trường đại học ở New York.
Tương tự, Văn Mỹ đã có kế hoạch theo học ngành Kinh tế đối ngoại tại một trường đại học ở Australia. Em không quá áp lực với đợt thi lần này.
Dù vậy, nam sinh không dám đặt mục tiêu sẽ đạt bao nhiêu điểm vì sợ “nói trước bước không qua”, chỉ mong làm bài hết sức mình và đạt điểm số xứng đáng.
Đã chắc suất vào Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM bằng phương thức xét tuyển sớm, Bảo Trân, học sinh THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, khá thoải mái và không bị áp lực điểm số.
Trân đăng ký xét tuyển đại học bằng tổ hợp khối A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) nên em không đặt mục tiêu quá cao ở môn Văn. Nữ sinh chỉ mong đạt 6-7 điểm. Riêng môn Tiếng Anh, Trân quyết tâm thi được 9 điểm trở lên.
Tại điểm thi trường THPT Nhân Chính, Bình Minh (THPT Đào Duy Từ) giữ tâm lý thoải mái, không áp lực trước khi bước vào phòng thi. Em đoán đề Văn sẽ rơi vào phần truyện ngắn và đã ôn tập kỹ càng. Minh đặt mục tiêu đạt 27 điểm để đăng ký xét tuyển Đại học Kinh tế Quốc dân.
Bố của thí sinh Hương Giang (THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) dặn dò, động viên con gái trước khi thi. Ảnh: Thái An. |
Phụ huynh đứng chờ với cảm xúc trái ngược
Trước kỳ thi quan trọng, nhiều phụ huynh tạm gác công việc để đồng hành cùng con.
Trời mưa, chú Anh Ngọc (Nhân Chính, Thanh Xuân) vẫn nán lại điểm thi của con. Chú cho biết sẽ đợi đến khi con bắt đầu làm bài thi phòng trường hợp có sự cố hay con cần giúp điều gì.
Nhiều ngày qua, chú Anh Ngọc cố gắng tạo tâm lý thoải mái, không gây áp lực nhiều lên con. Phụ huynh kỳ vọng con làm thật tốt môn thi đầu tiên để thuận lợi xét tuyển vào Học Viện Báo chí và Tuyên truyền.
Phía ngoài điểm thi trường THPT Nhân Chính, rất nhiều phụ huynh đứng chờ con dưới mưa. Một phụ huynh chia sẻ dù biết thi cử bây giờ không còn áp lực như trước, chị vẫn sốt ruột, muốn đợi ngay cổng để có thể hỗ trợ con kịp thời, khi không may có sự.
Tại điểm thi trường THCS Yên Hòa, chú Đặng Quang Thanh (Mễ Trì, Hà Nội) vẫn ngồi ngoài đợi đến khi trống đánh vào thi môn đầu tiên mới về vì lo con quên hay có vấn đề gì trước thi.
Chú Quang đưa con đến trường thi từ lúc 6h30 với tâm trạng thấp thỏm. Chú cho cho biết năm nay, con thi vào Đại học Kinh tế Quốc dân. Điểm chuẩn vào trường thường khá cao, trên 27 điểm mới chắc suất đỗ nên chú khá lo lắng về buổi thi đầu tiên của con.
Trong khi đó, cô Trần Hòe (Hải Dương) đồng hành cùng con với tâm lý nhẹ nhàng. Sáng nay, trời mưa, hai mẹ con không bắt được ôtô nên gặp chút khó khăn trong việc di chuyển. May mắn, có người cho đi nhờ, họ vẫn đến điểm thi từ khá sớm.
Sợ thi xong con đói, mệt, cô Hòe theo một túi bánh, sữa bên cạnh. Cô cho hay con gái Hiền Thanh có sức học tốt, đã trúng tuyển thẳng khoa Kinh tế Quốc Tế, Đại học Ngoại thương. Thanh chỉ thi để xét tốt nghiệp. Do đó, cô Hòe không không lo lắng.
Đồng hành cùng con, nhiều bậc cha mẹ cũng không nặng nề điểm số, tránh gây áp lực lên thí sinh. Hương Giang, học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, được bố đưa đến điểm thi từ 6h20. Trước khi con gái bước vào cổng trường, bố em không quên nhắc con bình tĩnh làm bài, đọc kỹ đề, không cần quá áp lực chuyện điểm số.
“Trong thời gian ôn thi, em được bố mẹ tạo điều kiện ôn thi thoải mái, không áp lực. Bố mẹ cũng không ép em phải đạt được bao nhiêu điểm trong kỳ thi, chỉ mong em làm bài hết sức mình. Được bố mẹ ủng hộ, em rất vui vẻ, không căng thẳng”, Hương Giang chia sẻ trước khi bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ngay sau khi thí sinh hoàn thành môn thi đầu tiên, Tri thức trực tuyến sẽ cập nhật gợi ý đáp án môn Ngữ văn do cô Phạm Thị Thanh Nga và thầy Nguyễn Phú Hải, giáo viên THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) thực hiện.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.