Sĩ tử hào hứng đưa ra dự đoán về đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ghi nhận tại Hà Nội, từ 5h45, lác đác học sinh đã có mặt tại trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy). Là một trong những thí sinh đến sớm nhất, em Tiến Trung (học sinh trường THPT chuyên Đại học Sư phạm) cho biết tâm trạng của em sáng nay khá thoải mái, không có gì căng thẳng.
Bước vào môn thi đầu tiên với tâm trạng thoải mái
Năm nay, nam sinh dự tính thi vào Đại học Kinh tế Quốc dân và đã trúng tuyển sớm. Sau kỳ thi, Trung sẽ có một chuyến du lịch Hàn Quốc. Đây sẽ là động lực để em hoàn thành tốt kỳ thi này. Trung đặt mục tiêu sẽ không môn thi nào dưới 5 điểm.
Nhà cách điểm thi không quá xa, dù vậy, sáng nay, hai mẹ con cô Thanh Khoa (quận Cầu Giấy) cũng xuất phát từ 5h30. Hai mẹ con khá hào hứng với kỳ thi cuối cùng của đời học sinh. Cô Khoa cho biết con gái cô không căng thẳng, tinh thần khá thoải mái vì đã trúng tuyển sớm vào hai trường đại học. Vì vậy, cô khá yên tâm, dự định về nhà và trưa sẽ quay trở lại đón con.
Tại TP.HCM, Xuân Bách, học sinh trường Phổ thông Năng khiếu, được bố mẹ đưa đến trường THPT chuyên Lê Hồng Phong từ sớm do nhà cách điểm thi 25 km. Môn thi đầu tiên là Ngữ văn, Bách không lo lắng vì môn thi này em chỉ đặt mục tiêu trên 5 điểm để đậu tốt nghiệp.
Với các môn Toán, Hóa học, Sinh học, nam sinh kỳ vọng sẽ đạt hơn 8 điểm mỗi môn để xét tuyển vào Đại học Y dược TP.HCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Khác với bạn bè cùng lớp đã đăng ký xét tuyển sớm và trúng tuyển, Bách lại chọn “all-in” vào đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thanh Trực đã trúng tuyển ĐH Ngoại thương nên không quá lo lắng về kỳ thi. Ảnh: Thái An. |
Được sự hướng dẫn của cán bộ điểm thi, Thanh Trực, học sinh trường Phổ thông Năng khiếu, tranh thủ cất những vật dụng không cần thiết vào thùng đựng đồ ở phòng mà điểm thi bố trí. Cũng giống như bạn cùng trường Xuân Bách, Trực không đặt nặng môn Văn nên cảm thấy không áp lực, chỉ mong đạt 6-7 điểm trở lên.
Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nam sinh đã trúng tuyển sớm vào Đại học Ngoại thương nên em cũng giảm phần nào áp lực khi thi tốt nghiệp THPT. Sắp tới, em sẽ chờ Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố điểm chuẩn rồi cân nhắc nên học trường nào.
Vào Đất Nước hay Việt Bắc đây?
Trong khi đó, vì dự tính đăng ký xét tuyển đại học theo khối D, vào ngành Sư phạm Tiếng Anh của một số trường đại học, Khánh Huyền (ọc sinh trường THPT Mỹ Đức B, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) kỳ vọng mình đạt trên 8 điểm môn Ngữ văn để tăng cơ hội trúng tuyển theo nguyện vọng 1.
Nhà cách điểm thi hơn 15 km, từ 5h15, Khánh Huyền cùng mẹ xuất phát để chủ động. Em hồi hộp vì đây là môn thi đầu tiên, lại thi theo hình thức tự luận.
Nữ sinh kỳ vọng phần Nghị luận văn học sẽ rơi vào tác phẩm Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu.
“Em ôn tập hết các bài và ôn trọng tâm hơn tác phẩm này", Huyền chia sẻ.
Tương tự, Hồng Nhung (học sinh trường THPT Lý Thái Tổ) cho biết em khá lo lắng, hồi hộp khi bước vào môn thi đầu tiên. Nữ sinh hy vọng Việt Bắc sẽ vào đề thi Ngữ văn năm nay. Đây cũng là môn thi Nhung lo lắng nhất, cảm thấy học bao nhiêu cũng không đủ.
“Em chỉ lo sẽ vào dạng đề em chưa tiếp cận. Văn là môn thi em dùng trong tổ hợp xét tuyển nên lo lắm”, Nhung chia sẻ.
Trong khi đó, học cùng trường THPT với Huyền, Nguyễn Châu dự đoán khả năng cao tác phẩm Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm sẽ xuất hiện trong đề thi môn Văn.
“Với những sự kiện xảy ra ở nước ta trong năm nay như Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, em nghĩ đề thi sẽ vào tác phẩm này", nữ sinh nói.
Thí sinh ở Hà Nội đến điểm thi trong cơn mưa nhỏ. Ảnh: Ngọc Bích. |
Khác với Huyền, Châu được thi ngay tại trường THPT em theo học. Dù nhà chỉ cách điểm thi chưa đầy 1 km, bố của Châu vẫn đưa em đi thi để động viên tinh thần cho con gái.
“Hôm trước, em cũng cùng mẹ đi lễ cầu may. Gia đình, thầy cô, bạn bè động viên, chúc thi tốt khá nhiều nhưng em vẫn hồi hộp”, Châu chia sẻ.
Mục tiêu của Châu năm nay là đỗ vào trường Sư phạm. Trước đó, em đã trúng tuyển vào một số trường đại học theo phương thức xét tuyển học bạ nhưng chưa thực sự ưng ý. Vì vậy, Châu quyết tâm đạt điểm cao trong kỳ thi này để đăng ký thêm nguyện vọng vào ngành Sư phạm Ngữ văn mà mình yêu thích nhất.
Chung dự đoán, Quỳnh Anh, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cũng đoán đề thi sẽ rơi vào tác phẩm Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm. Lý do là tác phẩm này lâu rồi chưa xuất hiện trong đề thi, 2024 lại là năm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nên có thể Bộ GD&ĐT sẽ sử dụng tác phẩm này làm trong đề thi.
Ngoài ra, Quỳnh Anh mong rằng phần nghị luận xã hội sẽ đề cập đến trách nhiệm của giới trẻ hoặc thời đại công nghệ 4.0.
“Em trúng tuyển sớm Đại học Luật TP.HCM và Đại học Kinh tế TP.HCM nên không áp lực lắm, chỉ cần đạt 8 điểm môn Văn là được”, nữ sinh chia sẻ.
Bảo Trân, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cũng đưa ra dự đoán và nêu lý do giống như Quỳnh Anh. Nữ sinh nói thêm rằng 2024 là năm đặc biệt với đất nước nên em cũng hy vọng đề nghị luận xã hội sẽ đặt câu hỏi liên quan chủ đề yêu nước.
Do môn Ngữ văn không phải sở trường, kèm theo việc đã trúng tuyển sớm Đại học Luật TP.HCM và Đại học Kinh tế TP.HCM, Trân không áp lực với môn Văn và chỉ hy vọng đạt 5 điểm để đủ tốt nghiệp.
“Bố mẹ không gây áp lực, với những môn không phải thế mạnh thì bố mẹ mong em thoát liệt là được rồi”, nữ sinh vui vẻ nói với Tri Thức - Znews.
Trong khi đó, để chuẩn bị cho bài thi môn Ngữ văn, Phi Thường, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đã “học tủ” 3 tác phẩm là Đất Nước, Việt Bắc và Người lái đò sông Đà. Nam sinh dự đoán đề Văn có thể rơi vào thơ, nhiều khả năng là Việt Bắc. Do Văn không phải thế mạnh, Thường chỉ mong đạt 5 điểm trở lên để đủ xét tốt nghiệp.
Sáng 27/6, hơn một triệu thí sinh trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong ca thi sáng, các bạn làm bài thi môn Ngữ văn ở hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút.
Sau khi hoàn thành môn Ngữ văn, thí sinh tiếp tục làm bài thi môn Toán vào chiều 27/6, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội vào sáng 28/6 và buổi chiều là thời gian làm bài thi môn Ngoại Ngữ.
Theo quy chế của Bộ GD&ĐT, những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật đến mức hủy kết quả, không bài, môn thi nào bị điểm liệt (dưới 1 điểm) và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 trở lên sẽ được công nhận tốt nghiệp.
Điểm xét tốt nghiệp không chỉ phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT mà còn căn cứ trên kết quả học tập của lớp 12. Cách tính điểm xét tốt nghiệp với đối với học sinh THPT như sau:
ĐXTN = {(Tổng điểm 4 bài thi tốt nghiệp THPT + Tổng điểm khuyến khích)/4 x 7 + Điểm trung bình cả năm lớp 12 x 3}/10 + Điểm ưu tiên.
Cách tính điểm xét tốt nghiệp với học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT như sau:
ĐXTN = {(Tổng điểm 3 bài thi tốt nghiệp THPT/3 + Tổng điểm khuyến khích/4) x 7 + Điểm trung bình cả năm lớp 12 x 3}/10 + Điểm ưu tiên.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.