Chiều nay, vào lúc 2h45, tại hội đồng thi trường THPT Đoàn Thị Điểm, thí sinh kết thúc môn thi Hóa học với tâm lý vui vẻ.
Theo nhận định của học sinh tại đây, đề thi chiếm khoảng 80% lý thuyết, đây là những phần khiến thí sinh thi khối A dễ gỡ điểm nhất. Đề thi nằm chủ yếu trong chương trình SGK lớp 12, không có câu hỏi hóc búa hay đánh lừa học sinh, hầu hết các thí sinh làm bài trong thời gian 40-50 phút đối với quãng thời gian 60 phút cho phép.
Thí sinh tại hội đồng THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) khá mệt mỏi khi kết thúc bài làm môn Hóa. Ảnh: Lê Hiếu. |
Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn hóa học năm 2014 bao gồm 40 câu trắc nghiệm. Đối với phần lý thuyết, nhiều học sinh cho rằng cần phải biết xâu chuỗi tính chất hóa học của các chất, nhóm chất bằng cách hệ thống hóa, so sánh những điểm giống nhau và khác nhau để lựa chọn phương án đúng. Phần bài tập của môn Hóa học được nhận định là khá đơn giản, yêu cầu học sinh tính lượng chất tham gia phản ứng, chất tạo thành trong một phương trình phản ứng hóa học…
Theo nhận định tại hội đồng thi trường THPT Đoàn Thị Điểm, các thí sinh dự thi đại học khối A, B tự tin vào điểm số cao sẽ đạt được. Còn học sinh dự thi khối C, năng khiếu không dễ dàng làm hết các câu hỏi trong đề thi, có khả năng đạt 7-8 điểm.
Lê Trung (học sinh trường Hermann Gmeiner Hà Nội chia sẻ: “Đề thi chủ yếu là lý thuyết, thí sinh có học lực trung bình có thể đạt được 6-7 điểm. Đề thi chủ yếu là phần vô cơ – chiếm 1 nửa đề bài”.
Hai thí sinh tại Hà Nội xem lại đề bài. Ảnh: Lê Hiếu. |
Kim Anh (trường THPT Đoàn Thị Điểm) nhận định: “Đề thi năm nay dễ, phần lý thuyết chỉ có một vài câu hơi khó thuộc phần hữu cơ".
Tại hội đồng thi trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhiều thí sinh ra khỏi trường thi với tâm trạng hớn hở. Nhiều em chia sẻ vì làm được bài hoặc đã hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp.
Thí sinh sự thi tại hội đồng THPT Võ Thị Sáu cùng nhau xem lại đề bài. Ảnh: Như Quỳnh. |
Về độ khó của đề, hầu hết học sinh đều nhận xét đề thi Hóa năm nay cũng tương đương so với năm ngoái. Em Trần Chí Minh Trung, học sinh chuyên hóa, THPT Võ Thị Sáu nhận định: “Theo em đề cũng dễ như năm ngoái. Em chỉ cần 20 phút là làm xong bài, và tự tin mình đúng được 35 câu. Đề chỉ khoảng 2 câu khó, rơi vào phần hóa vô cơ, hữu cơ”.
Trong khi đó, dù không học chuyên hóa nhưng Trương Ngọc Thủy Tiên cũng tự tin mình đúng được ít nhất 30/40 câu trắc nghiệm. “Em nghĩ đề này là vừa sức với học sinh có học lực trung bình, nếu học bài đầy đủ là làm được. Duy có câu về axit amin và lý thuyết phèn chua là hơi rắc rối, em không nghĩ ra hai câu này”.
Nhiều thí sinh khác vui vẻ, dù không hoàn thành tốt bài thi. “Em thi khối D, nên môn Hóa em không ôn nhiều, chắc chỉ được 25 câu đúng. Em thấy một số bài toán vế hóa vô cơ hơi phức tạp, lý thuyết có 2 câu là đánh đố. Nhưng em cũng hài lòng vì đã hoàn thành mục tiêu đậu tốt nghiệp dù mới chỉ dự thi 3 môn”, đó là chia sẻ của em Nguyễn Phú Vinh (THPT Võ Thị Sáu).
Về đề thi Hóa tốt nghiệp, thầy Trần Xuân Phú, giáo viên Hóa học trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định nhận xét: “Đề thi này có độ khó tương đương như các năm trước. Tuy nhiên, một lợi thế năm nay đó là học sinh được quyền lựa chọn môn tương ứng với khối thi đại học. Vì vậy, với các học sinh ban tự nhiên, các em chỉ mất 30-40 phút là có thể hoàn thành bài làm”.
Theo nhận định của thầy, đề Hóa tốt nghiệp năm nay có khoảng 7-8 câu tương đương với kỳ thi đại học.
Với các học sinh ban C, D nếu chọn thi môn Hóa, thầy Phú cho rằng các bạn sẽ gặp khó khăn ở một số câu hỏi khó, nhưng vẫn có thể đạt 7-8 điểm.
Một điểm mới của đề thi năm nay đó là xuất hiện nhiều câu hỏi gắn với thực tế cuộc sống như câu về bảo vệ ống thép (dẫn nước, dẫn dầu, dẫn khí đốt) bằng phương pháp điện hóa cần phải gắn vào mặt ngoài kim loại nào; hay cách xử lý chất thải có tính axit.