Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào 1 trường. Cả 4 nguyện vọng này sẽ có thứ tự ưu tiên ngang bằng nhau. Điều này khiến cho những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào một ngành hoang mang vì không đoán được lượng thí sinh nguyện vọng 2, 3, 4 có thể cạnh tranh với mình.
Khảo sát danh sách đăng ký của Đại học Y Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP HCM), thí sinh xét tuyển vào các trường này thường có xu hướng đăng ký NV1 vào ngành cao nhất của trường và những nguyện vọng 2, 3, 4 vào các ngành thấp hơn.
Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP HCM) hiện có 504 hồ sơ nộp nguyện vọng 1 vào ngành Kinh tế đối ngoại. Ngành này chỉ tuyển 130 chỉ tiêu.
Nếu kết quả này được giữ nguyên, 374 thí sinh sẽ bị đẩy xuống các ngành đăng ký nguyện vọng 2, 3, 4 là Tài chính Ngân hàng, Kinh tế học...
Như vậy, những em đăng ký nguyện vọng 1 vào các ngành điểm thấp hoang mang vì hàng trăm người trượt những ngành điểm cao có thể bị đẩy xuống cạnh tranh với mình bất cứ lúc nào.
Ở Đại học Ngoại thương, ngành "hot" nhất là Kinh tế đối ngoại, hiện thừa hồ sơ nguyện vọng 1. Những thí sinh không đỗ ngành này sẽ chuyển xuống xét tuyển tại những ngành điểm thấp hơn.
"Do chênh lệch điểm trúng tuyển của từng ngành khá lớn, nên những thí sinh không trúng tuyển ở ngành Kinh tế đối ngoại vẫn có thể xếp vị trí cao nếu chuyển xuống ngành Kinh doanh quốc tế" - Võ Phương Thảo, thí sinh xét tuyển ngành Kinh doanh quốc tế tại Đại học Ngoại thương lo lắng chia sẻ.
Để giảm lo lắng cho thí sinh, nhiều trường đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển tạm thời. Danh sách này giúp thí sinh thấy rõ những hồ sơ đã tạm thời trúng tuyển ở từng ngành.
Mặc dù đã có quy định thí sinh trúng tuyển ngành đăng ký nguyện vọng 1 không được xét vào những nguyện vọng còn lại, tuy nhiên do danh sách các trường đưa ra mới chỉ là "tạm thời" nên thí sinh không thể yên tâm dù đã nằm trong ngưỡng trúng tuyển của ngành.