Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thí sinh sốc khi đạt 26,85 điểm nhưng trượt 14 nguyện vọng

Căn cứ vào điểm chuẩn năm 2020, L.P.A. đăng ký 14 nguyện vọng vào ĐH Kinh tế Quốc dân nhưng đều trượt. Em thiếu 0,05 điểm cho ngành có điểm chuẩn thấp nhất.

Sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh bất ngờ khi trượt trường đại học mình yêu thích dù điểm cao.

Dat diem cao nhung van truot nguyen vong. anh 1

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

"Em choáng và sốc"

Chia sẻ với Zing, Phương Thảo cho biết tổng điểm thi tốt nghiệp THPT của bản thân ở tổ hợp A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) là 34,33 (trên thang điểm 40). Trong đó, môn thi Tiếng Anh nữ sinh đạt 9,4 điểm. Dựa trên mức điểm này, Phương Thảo đã đặt nguyện vọng 1 là ngành Tài chính doanh nghiệp ở Học viện Tài chính. Nguyện vọng 2 là ngành Kinh tế phát triển ở và ĐH Kinh tế Hà Nội.

Nhận thấy điểm trúng tuyển của ngành Tài chính kinh doanh năm 2020 là 30,17 thấp hơn 4,16 điểm so với tổng điểm xét tuyển của bản thân, Thảo đã tự tin đặt nguyện vọng 1 vào ngành này. Điểm số của Thảo cũng cao hơn điểm chuẩn năm ngoái ở ngành Kinh tế phát triển là 2,6. Tuy nhiên, nữ sinh trượt cả 2 nguyện vọng vì điểm chuẩn của Học viện Tài chính và ĐH Kinh tế Hà Nội cao hơn dự kiến.

Theo đó, ngành Tài chính doanh nghiệp tăng 5,53 điểm, ngành Kinh tế phát triển tăng 3,84 điểm so với năm 2020.

"Khoảnh khắc biết bản thân đã trượt hết nguyện vọng ở Học viện Tài chính và ĐH Kinh tế Hà Nội, em choáng và sốc", nữ sinh chia sẻ.

Hiện tại, Thảo đỗ vào một ngành của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng không phải ngành học cô yêu thích.

Sau một ngày biết điểm chuẩn, P.T. (Yên Bái) không tin tổng điểm xét tuyển khối A00 của bản thân là 26,75 nhưng vẫn trượt 8 nguyện vọng đầu tiên vào ĐH Kinh tế Quốc dân. Nữ sinh trượt ngành có điểm chuẩn thấp nhất là 26,85 vì thiếu 0,1 điểm.

Hiện tại, P.T. đã đậu nguyện vọng 9 vào ngành Tài chính ngân hàng của Học viện Ngân hàng. Tuy nhiên, đây không phải là ngành học yêu thích nên nữ sinh dự kiến nhập học, vừa học đồng thời ôn tập để thi lại vào năm sau.

Đạt 26,8 điểm thi ở tổ hợp A00, L.P.A. (Hà Nội) đã đăng ký 20 nguyện vọng xét tuyển, trong đó 14 nguyện vọng đầu là các ngành thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân. Nam sinh lựa chọn nhiều ngành có điểm chuẩn năm 2020 thấp hơn điểm xét tuyển của mình.

"Em mong muốn học tập ở ĐH Kinh tế Quốc dân. Sau khi thi xong, em dự đoán điểm chuẩn có thể tăng do đề thi Tiếng Anh quá dễ nhưng không ngờ điểm cao chót vót như vậy. Nhiều ngành của trường năm ngoái lấy 26, năm nay thấp nhất là 26,85. Em trượt hết 14 nguyện vọng đầu tiên vì thiếu 0,05 điểm", A. nói.

A. cho biết bản thân thấy không công bằng vì nhiều thí sinh có thể đạt 9 điểm môn thi Tiếng Anh, trong khi các môn thi thuộc tổ hợp A00 lại khó đạt được điểm số này.

"Việc nhà trường lấy chung một điểm chuẩn cho các tổ hợp xét tuyển và chỉ có 50% chỉ tiêu ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là nguyên nhân điểm chuẩn tăng cao ngoài dự đoán", nam sinh bình luận.

Bất cập từ cách ra đề thi dễ đến chỉ tiêu tuyển sinh thu hẹp

Trước thực trạng nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng yêu thích, thậm chí chỉ đậu nguyện vọng cuối cùng, cô Vũ Mai Phương, giáo viên dạy Tiếng Anh tại Hà Nội, cho biết nguyên nhân đầu tiên bởi đề thi Tiếng Anh dễ hơn so với năm 2020 khiến điểm trung bình khối A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) và D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) tăng cao.

Cụ thể, năm 2021, số lượng thí sinh đạt từ 25 điểm khối D01 cao hơn năm 2020 gấp 3 lần.

Tiếp đó, nữ giáo viên cho rằng hai năm nay các trường đại học đều đa dạng hình thức tuyển sinh, không xét tuyển chủ yếu bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Các phương thức tuyển sinh đang được nhiều trường sử dụng là xét tuyển kết hợp thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế; đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố; học sinh hệ chuyên các trường THPT chuyên và xét tuyển bằng học lực 3 năm THPT.

Việc thêm phương thức tuyển sinh đã dẫn đến chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm còn khoảng 60%, nhiều trường chỉ còn 30 đến 40%.

Bên cạnh đó, số lượng thí sinh dự thi tăng vọt ảnh hưởng đến việc điểm chuẩn tăng.

Các thí sinh đạt điểm số cao chỉ đặt 3 đến 4 nguyện vọng hoặc khi sắp xếp nguyện vọng, không đặt nguyện vọng dự phòng cho việc điểm chuẩn tăng từ 4 đến 6 điểm so với năm 2020. Điều này khiến thí sinh đạt điểm cao bị trượt hết nguyện vọng khi điểm chuẩn nhiều ngành, trường tăng vượt quá tầm dự đoán.

"Cuộc cạnh tranh giữa thí sinh năm nay rất khốc liệt. Những nguyên nhân tổng hợp trên khiến điểm chuẩn bị 'lạm phát' ở các ngành xét tuyển khối D01, A01. Đặc biệt là ở các ngành chỉ xét tuyển bằng 2 khối A01 và D01", cô Phương nói.

Nữ giáo viên đề xuất, năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT nên xem xét lại mức độ phân hóa của đề thi, đảm bảo nhiệm vụ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT cho việc xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, tránh lạm phát điểm số như năm nay.

'Lạm phát' điểm chuẩn, nhiều ngành tăng 8, 9 điểm

Dự đoán điểm chuẩn tăng, nhất là ở các khối xét tuyển có môn Tiếng Anh, nhưng nhiều giáo viên, thí sinh không khỏi ngỡ ngàng khi mức trúng tuyển một số ngành tăng tới 8, 9 điểm.

Nguyễn Hằng

Bạn có thể quan tâm