PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết so với Quy chế tuyển sinh năm 2021, năm nay, dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học có bảy điểm mới.
Ngoài 6 điểm mới dự kiến trước đó được cập nhật vào Quy chế dự thảo lần này, điểm mới thứ bảy là thí sinh đã tốt nghiệp THPT khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được cộng điểm ưu tiên khu vực (như khu vực 3).
"Quy định này là nhằm đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho các thí sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng (đối tượng thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp và thí sinh đã tốt nghiệp có nhu cầu thi lần nữa để xét tuyển đại học, cao đẳng), bởi các thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước sẽ có lợi thế, có cơ hội học tập, ôn luyện với thời gian nhiều hơn hẳn so với các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp lần đầu", bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, nhiều trường hợp các thí sinh này đã chuyển tới các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn, tập trung để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển vào đại học.
Trong khi đó, các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT (và xét tuyển vào đại học, cao đẳng tại năm tuyển sinh đó) phải học tập nhiều môn hơn và chịu áp lực nhiều hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa đăng ký xét tuyển vào đại học.
Như vậy với dự kiến quy định mới, tất cả các thí sinh thuộc khu vực ưu tiên đều được hưởng ưu tiên một lần nên công bằng cho mọi thí sinh.
Vẫn còn những băn khoăn
Theo lãnh đạo một trường đại học lớn tại Hà Nội, những điểm mới của tuyển sinh năm nay thuận lợi, công bằng cho thí sinh nhưng lại rất khó đối với các trường.
Ông phân tích, đối với quy định lọc ảo chung tất cả các phương thức, các trường sẽ hoàn toàn bị động trong việc kết quả lọc có thể vênh với chỉ tiêu đưa ra trong đề án tuyển sinh.
Ví dụ, phương thức xét học bạ trường lấy 30% chỉ tiêu. Khi đăng ký hồ sơ, số lượng thí sinh trúng tuyển dự kiến ban đầu khi chưa lọc ảo có thể vượt con số này. Nhưng khi lọc ảo, do thí sinh được quyền đặt nguyện vọng ưu tiên giữa các phương thức nên số thí sinh trúng tuyển chỉ còn 10% chỉ tiêu.
Số chỉ tiêu 20% còn lại trường có được phép đẩy sang phương thức xét tuyển khác không? Nếu đẩy sang phương thức xét tuyển khác trường sẽ phải giải trình như thế nào với Bộ GD&ĐT và xã hội. Trong dự thảo quy chế, bộ yêu cầu các trường phải giải trình khi xác định tỷ lệ chỉ tiêu của các phương thức xét tuyển.
Những điểm mới của dự thảo Quy chế tuyển sinh hướng đến bảo vệ quyền lợi cho thí sinh Ảnh: Như Ý. |
Một băn khoăn nữa mà vị này đặt ra là quy định việc bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình hợp lý, không làm chỉ tiêu của phương thức, tổ hợp sử dụng trong năm trước giảm quá 30% chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo.
Quy định này hoàn toàn hợp lý nếu như áp dụng trong thời gian trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Còn đối với năm nay, sẽ rất khó cho các trường.
Ông này cũng lấy ví dụ như năm trước, trong đề án tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội dành 40% chỉ tiêu để xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Nhưng cuối cùng, kỳ thi không tổ chức được do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trường này bắt buộc phải dồn hết chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp.
Vậy năm nay, khi xác định chỉ tiêu cho phương thức này, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ xác định chỉ tiêu cho năm nay là 0% hay 40% của năm trước? Hay như một số trường đại học trong TP.HCM cũng dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá chuyên biệt để tuyển sinh nhưng không tổ chức được buộc phải đẩy sang phương thức xét tuyển khác. Năm nay, nếu yêu cầu trường xác định chỉ tiêu như yêu cầu của Bộ GD&ĐT thì sẽ không hợp lý.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, dự thảo Quy chế lần này được xây dựng trên nguyên tắc phân cấp, tự chủ và trách nhiệm giải trình, để các trường chủ động, sáng tạo và trách nhiệm, tránh cầm tay, chỉ việc, áp đặt. Dự thảo đang trong thời gian lấy ý kiến nhưng quan điểm chung của Bộ là ưu tiên cao nhất cho quyền lợi của thí sinh.