Ngày 8/9, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo thi THPT quốc gia 2017. Kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới như sử dụng 5 bài thi bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Đặc biệt, bài thi môn Toán sẽ thực hiện theo hình thức trắc nghiệm.
20 câu hỏi mỗi môn không thể phân loại học sinh
Theo Bộ GD&ĐT, các bài thi Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội phải được gọi là "bài thi tổ hợp" chứ không phải "tích hợp" hay "tổng hợp".
Tổ hợp là sự thay đổi về kỹ thuật để ghép 3 môn thi thành chung một bài thi. Ví dụ, ba môn Toán, Hóa học, Sinh học sẽ có 60 câu (mỗi môn 20 câu).
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Anh Tuấn. |
Hoàng Đình Quang, cựu sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội, tham gia giảng dạy trên mạng xã hội, chia sẻ: Chỉ với 60 câu trong tổ hợp Khoa học Tự nhiên, việc thực hiện các mục tiêu vừa xét tốt nghiệp, vừa xét cao đẳng, đại học rất khó.
20 câu mỗi môn thi quá ít, không thể phân loại được thí sinh học kém, khá hay giỏi. Đó là chưa kể thí sinh khoanh "cầu may" vào đáp án.
Hoàng Đình Quang đề xuất tăng số câu hỏi cho một đề tổ hợp thành 90. Bộ GD&ĐT nên áp dụng theo cách chấm điểm của nhiều nước trên thế giới: Điền đúng thì tính điểm, điền sai trừ điểm, không làm không tính điểm. Chỉ có như vậy, cách thức tuyển sinh 2017 mới có thể hạn chế được việc ăn may, khoanh liều.
Theo bạn trẻ giảng dạy online này, Bộ GD&ĐT cần sớm thông tin về các đề án tự chủ của mỗi trường. Việc tự chủ sẽ ảnh hưởng rất lớn việc ôn luyện thi của học sinh, để các em chủ động trong việc học và thi.
Thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định, nhận định: Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, đề thi của năm 2017 giống đề Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ưu điểm là mỗi thí sinh một đề, đảm bảo hoàn toàn tính khách quan. Tuy nhiên, điều khó khăn và gây tranh cãi là cách ra đề thi trắc nghiệm của môn Toán. Với cách thi này, nhiều học sinh sẽ học theo cách chỉ quan tâm kết quả mà bỏ qua cách thức đi đến đáp án.
“Thí sinh nên bình tĩnh học như trước đây. Bởi các em không thể đối phó và luyện thi với ngân hàng lớn hơn 17.000 câu hỏi được”, thầy Quỳnh chia sẻ.
Cẩn trọng trong khâu ra đề thi
Là người có kinh nghiệm tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, TS Sái Công Hồng – Giám đốc Trung tâm khảo thí - cho biết: Cách ra đề thi của Bộ GD&ĐT hoàn toàn phân hóa được thí sinh.
Đề thi trắc nghiệm thường có “mẹo” làm bài. Vì vậy, đề thi cần được ra cẩn trọng, các câu hỏi phải được thiết kế để tránh được các thủ thuật này. Đề thi cũng phải tương đương nhau về độ khó, tránh việc không công bằng giữa các thí sinh.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, ĐH Sư phạm Hà Nội, cách thức thi 2017 ngay lập tức thay đổi việc học và dạy trong nhà trường, không còn phân biệt giữa môn chính và môn phụ. Phương án thi này có lợi cho những thí sinh học khối D vì môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ được tách là 3 môn riêng biệt.
Bà Thu Anh đề xuất, hiện nay, chương trình sách giáo khoa tương đối nặng về kiến thức, vì vậy Bộ GD&ĐT cần thông báo kỹ hơn về nội dung ôn tập để học sinh hiểu rõ. Thời gian áp dụng kỳ thi năm 2017 tương đối ngắn, yêu cầu của Bộ GD&ĐT không quá cao, các em mới có thể đáp ứng.
"Bộ GD&ĐT không gây sốc"
Trước nhiều băn khoăn của thí sinh về việc sự thay đổi khiến các em không có nhiều thời gian chuẩn bị, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Nội dung thi chủ yếu ở lớp 12 nên chương trình ôn tập như trước đây. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh là từ nhà trường, kỳ thi chỉ là giải pháp kỹ thuật giúp đánh giá năng lực các em.
Từ kỳ thi Đánh giá năng lực và nhiều kỳ thi ở nước ngoài cho thấy, học sinh vùng nông thôn không cần quá lo lắng vì vẫn có kết quả không kém học sinh thành phố.
Thứ trưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT không gây sốc khi những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia đã được đưa ra từ năm 2015, tức là đủ khoảng thời gian 3 năm để lứa học sinh sẽ tốt nghiệp vào năm 2017 nắm thông tin và chuẩn bị.
Cụ thể, từ năm 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu tuyển sinh bằng kỳ thi đánh giá năng lực. Kết quả của 2 năm tuyển sinh này là cơ sở để Bộ GD&ĐT phát triển cho kỳ thi THPT quốc gia.
Bên cạnh đó, từ năm 2015, các trường đại học khác đã dành chỉ tiêu để xét tuyển thí sinh bằng những tổ hợp môn thi khác (như khối A1, khối O…) ngoài tổ hợp truyền thống (các khối A, B, C, D).