Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017 sẽ giao cho các sở GD&ĐT, thí sinh thi các bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) thay cho từng môn thi, các bài thi đều dưới dạng trắc nghiệm, trừ ngữ văn…
Những cải tiến, đổi mới trong dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017 đang thu hút sự quan tâm của xã hội.
Không nên thi trắc nghiệm đại trà môn toán
GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng việc Bộ GD&ĐT giao tổ chức thi chủ yếu cho các sở, trong khi bộ tiếp tục ra đề là hợp lý.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng việc sử dụng kết quả thi ở những cụm thi khác nhau, với mức độ coi thi, chấm thi chặt - lỏng khác nhau để xét tuyển vào các trường ĐH sẽ không được công bằng.
Điều này nhìn thấy rõ bởi ở những cụm coi thi, chấm thi “lỏng tay”, điểm của thí sinh sẽ cao hơn ở những cụm “chặt tay”. Vì thế, việc cùng dùng điểm đó để xét tuyển vào các trường ĐH là không công bằng với chính các thí sinh.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: Người Lao Động.
|
Dù vậy, theo GS Thuyết, điều này không đáng lo bằng dự kiến thay đổi nội dung thi trong năm tới. Đó là có đề thi tổng hợp và thi bằng trắc nghiệm khách quan. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng thi trắc nghiệm khách quan có ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm.
Nó không phải là phương pháp tốt để đánh giá năng lực tư duy và khả năng diễn đạt của học sinh, nhất là môn toán. Vì vậy, người ta thường thi trắc nghiệm khách quan có tích hợp với thi tự luận.
Một giảng viên toán của ĐH Quy Nhơn cũng cho rằng chỉ nên thi trắc nghiệm môn toán đối với đề thi tốt nghiệp THPT (chỉ kiểm tra kiến thức ở mức cơ bản, đại trà), còn đề thi ĐH môn toán thì nên thi tự luận. Nếu đề thi 2 trong 1 (vừa để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH như 2 năm vừa rồi) thì ít nhất phải có 50% câu hỏi tự luận. Quan điểm này đã nhận được sự đồng tình của nhiều giáo viên, giảng viên.
Thay đổi phải có lộ trình
Theo cô Trần Thanh Thủy - giáo viên một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, đổi mới của Bộ GD&ĐT không chỉ khiến học sinh mà cả các giáo viên cũng lo lắng. Thay đổi cách ra đề theo hướng mà Bộ GD&ĐT đưa ra cần phải có lộ trình để học sinh làm quen chứ hiện các trường đã bước vào năm học mới, nếu đột ngột thi theo phương thức tích hợp kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thí sinh sẽ không kịp trở tay.
Cô Thủy cũng nói thêm qua 2 năm theo hình thức thi chung, học sinh bắt đầu quen với cấu trúc đề, phương thức thi thì bộ lại thay đổi khiến nhiều phụ huynh phản ánh là họ rất hoang mang. Nếu thay đổi, Bộ GD&ĐT cần phải có lộ trình, kế hoạch trước để thầy cô thay đổi cả phương pháp dạy học.
Hiệu trưởng một trường THPT cũng cho rằng không nên có quá nhiều thay đổi khi kỳ thi đã cận kề. Đến thời điểm này, học sinh đều đã lựa chọn học theo khối A, B, C, D và có kế hoạch ôn tập cho mình, vì thế nếu thay đổi cả đề thi, cách thức thi như vậy thì không chỉ học sinh mà giáo viên cũng cực kỳ bị động.
Từ lớp 10, học sinh đã định hướng thi khối ngành nào, có những môn học nào để tập trung vào những môn đó, giờ có thêm những môn khác nữa thì học sinh ôn không kịp.
“Thi cử là phản ánh kết quả của một quá trình học tập. Nếu thi theo phương thức tích hợp kiến thức liên môn thì giáo viên phải dạy học sinh theo cách này chứ không thể đang học kiểu A mà đột ngột sang thi kiểu B, như thế không hiệu quả. Bài thi tổng hợp là hình thức thi mới nên việc tính toán giới hạn kiến thức, cách ra đề rất cần được cân nhắc, nghiên cứu kỹ.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cần đưa ra bộ đề minh họa sớm nhất có thể để các nhà trường, giáo viên có định hướng ôn tập cho học sinh ngay từ đầu năm học” - vị hiệu trưởng này đề xuất.
Trong khi đó, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng việc đổi mới nếu mỗi năm quyết một lần, nhất là liên quan đến nội dung thì thí sinh không kịp chuẩn bị, trong khi các trường cũng không kịp hướng dẫn ôn tập cho học sinh. Do đó, phải tính toán để có lộ trình. Có thể 3 năm sau mới thi theo kiểu này vì lúc đó học sinh vào lớp 10 sẽ có thời gian chuẩn bị.
“Bộ GD&ĐT nên công bố lộ trình đổi mới thi cử để học sinh, xã hội chuẩn bị. Ví dụ, phương án thi chung này còn kéo dài lâu không hay tương lai sẽ còn thay đổi? Còn nếu bộ cứ quyết từng năm như thế này, tôi cho là không ổn”, GS Nguyễn Minh Thuyết.