Không ít thí sinh lâm vào tình trạng lo lắng, căng thẳng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: VOV. |
Năm nay, cả nước có hơn một triệu thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, diễn ra trong hai ngày 28 và 29/6, tăng khoảng 24.000 thí sinh so với năm ngoái.
Số lượng thí sinh tăng cao khiến cuộc đua năm nay thêm “sức nóng”. Không ít thí sinh lâm vào tình trạng lo lắng, căng thẳng đến “mất ăn mất ngủ”, đặc biệt trong giai đoạn “nước rút” trước kỳ thi.
Thí sinh căng thẳng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT
Lựa chọn khối D để thi vào các ngành truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Lê Tùng Duy (THPT Thạch Bàn, Hà Nội) không tránh khỏi cảm giác thấp thỏm, lo âu vì mức điểm sàn của các ngành này khá cao.
Bên cạnh đó, năm nay, số lượng thí sinh đăng ký thi rất đông. Nhiều em có chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC... trở thành những “đối thủ” đáng gờm của Tùng Duy trên hành trình bước vào ngôi trường mơ ước.
“Trước kỳ thi năm nay, em đã đăng ký tham gia xét tuyển học bạ để có thêm một cơ hội bước chân vào trường Báo. Tuy nhiên, do không có lợi thế về tiếng Anh như các bạn khác, không có chứng chỉ ngoại ngữ nộp cùng học bạ, em lo lắng vô cùng. Cơ hội vào trường của em đặt hết vào kỳ thi năm nay”, Tùng Duy cho biết.
Càng gần đến ngày thi, cùng với nỗi lo sợ, thời gian học của Tùng Duy cũng tăng lên. Trong những ngày cuối cùng, em vẫn đến lớp học thêm vào tất cả buổi trong tuần, buổi tối, em dành thời gian học trực tuyến cùng gia sư. Có những đêm ngủ muộn, buổi sáng, em vẫn thức dậy lúc 3h30 để ôn lại các kiến thức, làm các đề thi mẫu và bài tập mà các thầy cô giao.
Ước mơ thi vào Đại học Kinh tế Quốc dân, ngay từ khi vào cấp 3, Đặng Ngọc Ánh (THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã vạch ra kế hoạch ôn luyện cho mình.
Suốt từ năm lớp 10, ngoài giờ học chính khóa, em tham gia nhiều lớp học thêm để nâng cao kiến thức. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng cũng giống như những người bạn cùng lứa, em không tránh khỏi căng thẳng khi ngày thi đã cận kề.
Lựa chọn khối D để xét tuyển, Ngọc Ánh rất lo lắng vì môn Toán không phải là thế mạnh của em. Em đã cố gắng cân bằng giữa thời gian học tập và nghỉ ngơi, tuy nhiên, vẫn có nhiều hôm em phải thức đến 2h để học.
“Gần đây, thời gian học của em chiếm đến 10-12 giờ một ngày. Em luôn có cảm giác rằng mình không đủ kiến thức, vào phòng thi sẽ quên một cái gì đó nên thường kè kè quyển sách bên mình để đọc đi đọc lại. Em chưa dám tưởng tượng ra viễn cảnh em sẽ trượt Đại học Kinh tế Quốc dân”, Ngọc Ánh chia sẻ.
Với niềm đam mê hội họa, Tô Thục Anh (THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đặt mục tiêu vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp thông qua khối H00 (Ngữ văn, Năng khiếu vẽ Nghệ thuật 1, Năng khiếu vẽ Nghệ thuật). Bên cạnh việc hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp, em còn phải tham gia các lớp vẽ để vượt qua hai bài thi năng khiếu là vẽ hình họa và vẽ bố cục. Khi tham gia các lớp học này, thấy nhiều thí sinh tài năng sẽ cạnh tranh với mình trong cuộc đua năm nay, Thục Anh không tránh khỏi lo lắng.
Vì đã dành nhiều thời gian cho các bài thi năng khiếu, nên em không đi học thêm môn Văn mà tự ôn ở nhà. Trong giai đoạn “nước rút”, quá nhiều kiến thức phải ghi nhớ, em càng thêm hoang mang, sợ hãi khi phải đối mặt với kỳ thi sắp tới.
Ngọc Ánh rất lo lắng vì môn Toán không phải là thế mạnh của em. Ảnh: VOV. |
Bình tĩnh và tự tin là bí quyết “vượt vũ môn”
Nhiều năm công tác với cương vị giáo viên chủ nhiệm lớp 12, cô Lê Thị Bình (giáo viên dạy Giáo dục công dân của trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho rằng vấn đề tâm lý là một trong những lý do khiến các em không đạt được mục tiêu đặt ra.
“Nhiều em lo lắng, sợ hãi ngay trong thời gian học ở nhà, hoặc học tập với cường độ cao, ăn ngủ không đúng giờ; dẫn đến việc đi thi không đạt được kết quả mong muốn. Do vậy, thời gian này, bố mẹ nên ở bên chăm sóc, giám sát con; các em nên học tập điều độ, chú ý nghỉ ngơi, thư giãn trước khi bước vào kỳ thi lớn”, cô Bình nói.
Theo cô, thời gian 3 năm là đủ để các em tiếp thu các kiến thức cần thiết cho bài thi tốt nghiệp. Trong giai đoạn “nước rút”, thay vì cố gắng nhồi nhét thêm kiến thức, các thí sinh cần xây dựng kế hoạch ôn tập hợp lý, để bộ não có thời gian ghi nhớ. Khi bước vào phòng thi, nếu đã được ôn luyện kỹ, bộ não sẽ tự động tái hiện lại kiến thức đã học; giúp em vượt qua bài thi dễ dàng.
Đồng quan điểm với người đồng nghiệp, cô Nguyễn Quỳnh Liên (giáo viên dạy Toán và chủ nhiệm lớp 12, trường THPT Thạch Bàn, Hà Nội) cũng khuyên học sinh giảm cường độ học, tập trung ôn luyện thật kỹ các kiến thức nền trước khi bước vào kỳ thi.
Theo cô, trong giai đoạn này, không còn thời gian để nâng mức điểm lên 9, 10; các em nên tập trung rà soát những phần đã được học, nắm chắc đạt được mức điểm trong tầm tay.
Chia sẻ về tâm lý bất an của nhiều thí sinh, cô Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng các em không nên đặt quá nhiều áp lực cho bản thân. Hiện nay, có nhiều phương thức xét tuyển đại học, như xét tuyển học bạ, làm bài kiểm tra đánh giá năng lực... thay vì chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp. Do vậy, các thí sinh nên bình tĩnh, tự tin bước vào kỳ thi; vì đây không phải con đường duy nhất dẫn đến cánh cửa đại học.
Đối với những thí sinh đặt nặng áp lực phải thi đỗ ngôi trường danh tiếng, cô Nguyễn Quỳnh Liên cũng hy vọng các em sẽ cân nhắc thật kỹ về quyết định này.
“Có nhiều thí sinh chỉ cần vào được các trường đại học danh tiếng; sau đó, các em học ngành gì cũng được. Tuy nhiên, theo tôi, các em nên ưu tiên chọn ngành, thay vì chọn trường. Việc hướng đến những mục tiêu cao không xấu, nhưng tự đặt áp lực phải thi đỗ các trường top 1 mà khả năng không cho phép sẽ khiến các em sinh ra tâm lý hoang mang, lo lắng không đáng có trước kỳ thi", cô Liên khuyên.
Cô Vũ Kim Phượng (giáo viên dạy Văn lớp 12 trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) cũng cho rằng những ngày trước kỳ thi là thời điểm “vàng” để các thí sinh ôn luyện kiến thức. Các em nên rà soát chương trình học một lượt, tìm ra “lỗ hổng” kiến thức để kịp thời bổ sung.
Đối với bộ môn Ngữ văn do cô giảng dạy, các em nên ôn luyện theo thứ tự ưu tiên, nhưng không đồng nghĩa với việc học tủ. Những tác phẩm đã lâu không xuất hiện trong đề thi như Đất nước, Tây Tiến, Ai đã đặt tên cho dòng sông... nên được ưu tiên học trước. Những tác phẩm đã xuất hiện những năm gần đây thì có thể xếp lại học sau. Đồng thời, thí sinh cũng nên bổ sung kiến thức xã hội và các kỹ năng khác để hoàn thành bài thi.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của kỳ thi lần này, cô Vũ Kim Phượng cho rằng bình tĩnh và tự tin là bí quyết “vượt vũ môn”.
“Tôi thường nói với học sinh của mình rằng cuộc đời sẽ có rất nhiều thử thách. Kỳ thi tốt nghiệp THPT lần này là một thử thách lớn trong đời học sinh; để đánh giá kiến thức và khả năng ổn định cảm xúc của các em. Hãy bình tĩnh và tự tin đối mặt với thử thách này; vì dù thành công hay thất bại, đây cũng là bài học để các em tiếp tục tiến về phía trước, mở ra một chương mới của cuộc đời”, cô Vũ Kim Phượng chia sẻ.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.