Zing trích dịch bài đăng trên Japan Times và Asahi nói về xu hướng xin và mua tinh trùng từ Internet và các ngân hàng tinh trùng nước ngoài của phụ nữ Nhật Bản.
Các dịch vụ hiến tặng tinh trùng sụt giảm tại Nhật Bản trong những năm gần đây đã đẩy các cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến Internet.
Tuy nhiên không gian mạng thiếu các quy định pháp lý đối với người hiến tặng tinh trùng có thể dẫn đến nhiều rủi ro, hậu quả đáng tiếc.
Ngày càng có nhiều nam giới cung cấp tinh trùng của họ thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên, thông tin những người này cung cấp về bản thân có thể không hoàn toàn chính xác.
Một phụ nữ khoảng 30 tuổi đã tìm thấy người hiến tinh trùng tự xưng là tốt nghiệp Đại học Kyoto danh tiếng thông qua Twitter.
Người phụ nữ quyết định sử dụng tinh trùng của đối tượng này vì anh ta có cùng nhóm máu với chồng cô, người cũng đã tốt nghiệp một trường đại học quốc gia ở Tokyo.
Các dịch vụ hiến tặng tinh trùng sụt giảm đã đẩy các bậc cha mẹ tìm đến Internet. |
Sau khi gặp người đàn ông và nhận được tinh trùng, người phụ nữ mang thai vào mùa hè năm 2019. Nhưng thông qua việc tiếp xúc với người hiến tặng, cô phát hiện anh ta chưa từng tốt nghiệp Đại học Kyoto.
Trên thực tế, người này là một cựu sinh viên đến từ Trung Quốc, theo học một trường đại học quốc gia ở một vùng nông thôn của Nhật Bản.
Người phụ nữ lúc đó đã mang thai được 5 tháng nên việc phá thai rất khó khăn. Cô sinh con vào tháng 2/2020.
“Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận tinh trùng nếu anh ta tiết lộ lý lịch thật”, cô nói.
Hiến tặng tinh trùng trên mạng xã hội
Nhiều người hiến tặng hoặc bán tinh trùng trên mạng xã hội cho biết họ ngại tiết lộ thông tin cá nhân thật vì lo lắng một ngày đứa bé lớn lên và tìm đến mình.
"Tôi không bao giờ có ý định lừa dối nhưng tôi không muốn tiết lộ thông tin cá nhân của mình vì sẽ rất rắc rối nếu đứa trẻ trong tương lai nói: 'Tôi muốn biết cha tôi là ai'", một người hiến tặng tinh trùng nói.
Tìm kiếm nhanh trên Twitter với từ khóa "hiến tặng tinh trùng" đã cho ra hàng chục tài khoản cung cấp dịch vụ hiến tặng.
Các tài khoản Twitter này đều nêu bật các đặc điểm thể chất của người hiến tặng cũng như nền tảng giáo dục của họ. Và phần lớn đồng ý cung cấp tinh trùng miễn phí.
Bất chấp rủi ro, nhiều phụ nữ Nhật Bản tìm mua tinh trùng qua Internet. |
Một người hiến tinh trùng ở độ tuổi 30, tốt nghiệp Đại học Keio ở Tokyo, cho biết anh ta bắt đầu công việc này từ 3 năm trước. Sau khi chứng kiến niềm hạnh phúc vì được làm mẹ của cô gái đầu tiên nhận tinh trùng từ mình, anh đã quyết định tiếp tục hiến tặng miễn phí.
Hiện tại, người này là cha ruột của nhiều đứa trẻ khác. Đối tượng tìm đến anh đa phần là các cặp vợ chồng hiếm muộn, đồng tính hoặc phụ nữ độc thân muốn tự sinh con.
Mamoru Tanaka, giáo sư sản khoa tại Bệnh viện Đại học Keio, cho biết việc hiến và nhận tinh trùng qua Internet luôn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm và các vấn đề di truyền.
Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro, thị trường hiến tặng và mua bán tinh trùng trực tuyến đang ngày càng nở rộ.
Mua tinh trùng từ nước ngoài
Việc thiếu ngân hàng tinh trùng ở Nhật Bản cũng khiến một số người ra nước ngoài để xin/mua tinh trùng, chẳng hạn như trường hợp của Rui Kakyoin (35 tuổi) - một họa sĩ truyện tranh xác định mình vô tính (không có ham muốn tình dục).
Kakyoin đã từng cân nhắc việc nhận con nuôi nhưng cuối cùng đã quyết định sử dụng ngân hàng tinh trùng ở Mỹ vào 4 năm trước.
Theo Japan Times, hơn 150 phụ nữ Nhật Bản đã mua tinh trùng từ một ngân hàng tinh trùng lớn có trụ sở tại Đan Mạch trong bối cảnh không có các quy tắc về giao dịch kinh doanh liên quan đến tinh trùng và buồng trứng.
"Để bảo vệ quyền con người của trẻ em, Nhật Bản cần thiết lập một môi trường cho phép cung cấp tinh trùng từ người hiến tặng an toàn ngay lập tức", Kakyoin nói.
Cryos International, ngân hàng tinh trùng lớn nhất thế giới với khoảng 1.000 người đăng ký hiến tặng, đã ra mắt dịch vụ tư vấn tại Nhật Bản vào tháng 2/2019 nhằm mở rộng hoạt động ở đây.
Công ty cho biết đã cung cấp tinh trùng cho các cá nhân ở 30/47 tỉnh thành của Nhật Bản, bao gồm phụ nữ độc thân, nhóm thiểu số tình dục và các cặp vợ chồng vô sinh trong hơn một năm qua.
Hơn 150 phụ nữ Nhật Bản đã mua tinh trùng từ một ngân hàng tinh trùng lớn có trụ sở tại Đan Mạch. |
Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ sinh ngày càng giảm và dân số già, đã ngừng thảo luận về việc đặt ra các quy tắc cho việc mua bán tinh trùng.
Hạ viện mới đây bắt đầu xem xét một dự luật liên quan đến thuốc hỗ trợ sinh sản khi sử dụng tinh trùng và buồng trứng do các bên thứ ba hiến tặng, nhưng đã không nhắc đến các giao dịch thương mại.
Hiệp hội Sản khoa và Phụ khoa Nhật Bản không cho phép các thành viên mua bán tinh trùng.
Hai năm trước, Bệnh viện Đại học Keio, một trong những bệnh viện lớn ở Nhật Bản cung cấp dịch vụ thụ tinh nhân tạo, đã ngừng nhận bệnh nhân mới do số lượng người hiến tinh trùng giấu tên giảm.
Hiromi Ito, người phụ trách hoạt động của Cryos International tại Nhật Bản, cho biết: “Chúng tôi đã thấy nhu cầu gia tăng do tình hình khó khăn liên quan đến điều trị sinh sản”.
Cryos International thành lập năm 1987. Đến hiện tại, công ty này đã cung cấp tinh trùng, chủ yếu từ công dân Mỹ và châu Âu, cho các cá nhân và cơ sở y tế ở khoảng 100 quốc gia và kết quả là hơn 65.000 trẻ em đã được sinh ra.