Thiền chánh niệm mang lại nhiều lợi ích. Ảnh: Britannica. |
Không giống như các hình thức thiền khác sử dụng thần chú hoặc hình dung, thiền chánh niệm thường tập trung vào hơi thở nhưng không cố gắng thay đổi hoặc kiểm soát nó.
"Mục đích là để rèn luyện khả năng tập trung, giúp bạn có thể di chuyển sự chú ý của mình theo ý muốn và không bị xao nhãng", Sasha Dingle, người hướng dẫn thiền chánh niệm, Giám đốc của Mountain Mind Project, cho biết.
Chánh niệm là chú tâm đến từng khoảnh khắc hiện tại mà không phán xét. Bạn có thể thực hành chánh niệm theo nhiều cách khác nhau, bao gồm thiền chánh niệm, ăn uống chánh niệm hoặc thiền hành.
Lợi ích của thiền chánh niệm
Thiền chánh niệm có thể giúp bạn:
- Điều chỉnh sự chú ý và cảm xúc: "Khi thực hành thiền, bạn tập trung tốt hơn, bình tĩnh hơn và kiểm soát cảm xúc tốt hơn", Phillip Romero, bác sĩ tâm thần hướng dẫn thiền chánh niệm thông qua nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến VIVAYA, cho biết.
- Giảm lo lắng và căng thẳng: Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy những người bị rối loạn lo âu tổng quát đã giảm lo lắng và có khả năng phản ứng với căng thẳng tốt hơn sau khi tham gia chương trình giảm căng thẳng dựa vào chánh niệm (MBSR). Bác sĩ Romero gợi ý nên tập thiền vài lần mỗi tuần để thấy được kết quả.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống: Nghiên cứu đã phát hiện các chương trình chánh niệm có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của những người mắc bệnh lý như hen suyễn, ung thư và tiểu đường.
- Kích thích sự sáng tạo: Não của bạn có 2 trạng thái là “làm việc” khi bận rộn và “mơ mộng” khi nghỉ ngơi. Theo Romero, thiền chánh niệm kích thích trạng thái mơ mộng, đó là lúc bộ não sáng tạo nhất.
Mặc dù thiền chánh niệm giúp giảm lo lắng nhưng đôi khi nó có thể làm tình trạng trầm trọng thêm. Ví dụ, những người nghiện công việc có thể gặp khó khăn khi sống chậm lại và rời xa các nhiệm vụ. Romero giải thích: “Điều này có thể gây ra nhiều lo lắng hơn cho một số người không quen với trạng thái tâm trí thiền định”.
Bạn có thể tự thực hành thiền chánh niệm qua ứng dụng hoặc học từ người hướng dẫn. Ảnh: Freepik. |
“Vì vậy, các chương trình thiền chánh niệm nên được cá nhân hóa, dựa trên kinh nghiệm và nhu cầu của cá nhân cũng như kết quả họ muốn”, Dingle nói.
Cách thực hành thiền chánh niệm
Thiền chánh niệm thường diễn ra trong tư thế ngồi yên, tập trung vào hơi thở và cảm nhận. Dưới đây là cách tự thiền chánh niệm:
1. Nếu bạn đang nằm hoặc ngồi, hãy cảm nhận sự tiếp xúc của mặt đất với cơ thể hoặc cảm nhận cảm giác quần áo áp vào da. Bạn có thể mở hoặc nhắm mắt.
2. Hít thở bình thường và để ý xem bạn có đang tập trung vào bất kỳ cảm giác nào trong cơ thể không.
3. Nếu có, hãy đặt tên cho cảm giác đó, chẳng hạn nóng hoặc căng thẳng.
4. Đừng cố gắng nghĩ về ý nghĩa của cảm xúc đó, chẳng hạn "sự căng thẳng này có nghĩa tôi đã tập thể dục quá sức". Thay vào đó, bạn chỉ cần đặt tên cho cảm giác.
5. Chú ý tới sự xuất hiện của cảm xúc và gọi tên chúng mà không cần phán xét.
6. Nếu bạn cảm thấy bị lôi kéo bởi những suy nghĩ của mình, hãy cố gắng hướng sự chú ý vào một thứ gì đó mà bạn có thể cảm nhận được trong cơ thể hoặc hơi thở.
Theo Dingle, quá trình gọi tên cảm giác và cảm xúc này giúp xây dựng nhận thức. Bạn có thể thực hành thiền chánh niệm một mình. Nhưng những người mới bắt đầu nên học với người hướng dẫn.
Ngoài việc gọi tên các cảm giác mà không phán xét, thiền chánh niệm có thể bao gồm phương pháp quan sát và thả lỏng từng bộ phận của cơ thể từ chân tới đầu. Kỹ thuật này được gọi là thiền quét cơ thể.
Nên thiền trong bao lâu?
Theo Britt Gustafson, huấn luyện viên về cuộc sống chánh niệm, bạn có thể thực hành thiền chánh niệm trong thời gian tùy thích. Tuy nhiên, 15 phút mỗi ngày, một vài lần mỗi tuần là một khởi đầu tốt cho người mới bắt đầu. Sau đó, bạn có thể thiền theo cách của mình tối đa một giờ mỗi lần, đó là lúc bạn có thể gặt hái nhiều lợi ích nhất.
Bạn có thể thực hành thiền chánh niệm vào bất kỳ lúc nào trong ngày, nhưng bạn nên thực hiện vào cùng một thời điểm mỗi ngày để xây dựng thành thói quen.
Theo Dingle, bạn cũng có thể tìm đến thiền chánh niệm khi cần, chẳng hạn trước một sự kiện quan trọng hoặc khi có sự cố xảy ra và bạn muốn tự khắc phục.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những con người vượt qua bệnh tật và những trang sách yêu mến cuộc sống ở tuyển tập sách của Zing.
> Xem thêm: Hành trình chiến thắng bệnh tật