Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Thiên đường biển cả’ và nỗi lòng của người cha

Tác phẩm tâm lý hiếm hoi trong sự nghiệp Lý Liên Kiệt kể lại mối quan hệ đầy cảm động giữa người cha bị ung thư giai đoạn cuối với đứa con trai 22 tuổi nhưng mắc chứng tự kỷ.

Năm 2010, Lý Liên Kiệt bước sang tuổi 47. Anh góp mặt trong The Expendables - bộ phim hành động quy tụ nhiều cái tên hàng đầu Hollywood nhưng sự nghiệp đã bước sang buổi xế chiều như Sylvester Stallone, Dolph Lundgren hay Mickey Rourke.

Dấu ấn tuổi tác hằn sâu lên khuôn mặt họ và ngôi sao Hoa ngữ cũng không phải ngoại lệ. Anh hẳn ý thức được mình không còn có thể thi triển võ nghệ dẻo dai như cái thời còn sắm vai Hoàng Phi Hồng hay Phương Thế Ngọc, khiến nhiều thế hệ khán giả ngây ngất.

phim nhan ngay cua cha anh 1
Thiên đường biển cả là bộ phim tâm lý đầu tiên trong sự nghiệp của Lý Liên Kiệt sau 25 năm. Anh không nhận bất cứ khoản cát-xê nào từ dự án điện ảnh.

Nhưng cũng trong năm 2010, Lý Liên Kiệt còn góp mặt trong Thiên đường biển cả, bộ phim Hoa ngữ và là tác phẩm tâm lý đầu tiên sự nghiệp sau gần ba thập kỷ lăn lộn trên các trường quay hành động ở hai bên bờ Thái Bình Dương.

Đúng như tựa đề đã gợi mở, Thiên đường biển cả bắt đầu bằng cảnh hai cha con Vương Tâm (Lý Liên Kiệt) và Đại Phúc (Văn Chương) ngồi bên nhau trên con thuyền nhỏ giữa biển xanh mênh mông. Vương Tâm nhìn cậu con trai mỉm cười, thắt chặt sợi dây thừng nối chân hai cha con với quả tạ lớn, nhẹ nhàng vỗ vai chàng trai để rồi cả hai nhảy xuống nước.

Họ tự tử.

Vương Tâm tự sát bởi ông biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa khi mà căn bệnh ung thư gan đã đến giai đoạn cuối. Nhưng nhân vật cũng không muốn Đại Phúc khôi ngô của ông phải tiếp tục tồn tại một mình trên cõi đời. Chàng trai 21 tuổi ấy mắc bệnh tự kỷ và chẳng thể tự lo lắng cho bản thân trong cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ - người đã chết đuối nơi biển cả khi Đại Phúc mới lên bảy.

phim nhan ngay cua cha anh 2
Mắc căn bệnh ung thư giai đoạn cuối và không nỡ để lại đứa con trai tự kỷ ở lại một mình, Vương Tâm đã đưa ra quyết định đau lòng ở ngay đầu phim. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như ông dự tính.

Song, số phận không để Vương Tâm và Đại Phúc chết dễ dàng như vậy. Như để bù lại khiếm khuyết về trí tuệ, Đại Phúc là một tài năng bơi lội. Nước, hay đại dương, đối với cậu giống như ngôi nhà thứ hai, như thiên đường màu xanh gần gũi mà cậu không thể có được trong cuộc đời thực. Đại Phúc đã tháo dây thừng cho cả mình lẫn cha để đưa cả hai trở về với cuộc sống.

Chẳng thể tự tử, Vương Tâm cực chẳng đã đành phải thực hiện công việc gian nan hơn gấp nhiều lần. Đó là "dạy" cho Đại Phúc cách sống tự lập, từ luộc trứng, thay quần áo cho tới đi xe buýt, phân biệt tiền bạc để mua hàng.

Đó chỉ là những việc rất đỗi đơn giản đối với người bình thường. Nhưng để Đại Phúc nhập tâm được hàng loạt điều tưởng chừng bình thường ấy, Vương Tâm đã phải dạy đi dạy lại chúng nhiều lần với sự kiên nhẫn và trìu mến chỉ có thể tìm thấy ở một người cha hết mực thương yêu và lo lắng cho con trai.

Để Đại Phúc có ngày đứng vững được trong cuộc đời, Vương Tâm còn nhận được sự giúp đỡ từ cô hàng xóm phúc hậu (Chu Viên Viên), cô hề Linh Linh nơi gánh xiếc rong (Quế Luân Mỹ), và rất nhiều những tấm lòng nhân hậu khác. Chỉ tập trung vào hàng loạt chi tiết đời thường ấy, Thiên đường biển cả thực sự là bộ phim giản dị và nhân hậu.

phim nhan ngay cua cha anh 3
Thiên đường biển cả dựa trên những kinh nghiệm ngoài đời thực mà nữ đạo diễn Tiết Hiểu Lộ từng trải qua khi cô làm tình nguyện viên chăm sóc người tự kỷ.

Là bộ phim đầu tay dựa trên kinh nghiệm làm việc tình nguyện với người tự kỷ của nữ đạo diễn Tiết Hiểu Lộ, Thiên đường biển cả có kinh phí rất nhỏ, chỉ chừng 1 triệu USD. Tuy nhiên, tấm lòng của những nhà làm phim thì lớn hơn thế rất nhiều. Lý Liên Kiệt là ngôi sao lớn nhất, và anh quyết định không nhận bất cứ khoản cát-xê nào từ dự án.

Bên cạnh anh là người đẹp Quế Luân Mỹ đến từ Đài Loan, dựng phim Trương Thúc Bình và quay phim Christopher Doyle - những người cộng sự lâu năm của Vương Gia Vệ, nhà soạn nhạc thiên tài Joe Hisashi của Nhật Bản, thiết kế mỹ thuật Hề Trọng Văn… Chưa kể, ca khúc chủ đề trong phim chính là do Jay Chou sáng tác.

Nhưng một “đội hình trong mơ” chưa bao giờ là điều đảm bảo rằng phim sẽ hay, nếu như các ngôi sao trong đoàn không thể kết hợp với nhau để tạo ra thành phẩm xuất sắc. Thật may là trong Thiên đường biển cả, dường như tất cả những cái tên lớn kể trên đều chứng tỏ được khả năng của bản thân.

Doyle vẫn tiếp tục khiến người ta mê mẩn với những khung hình đẹp kiểu cổ điển trong tông xanh của biển cả. Hisaishi vẫn chứng tỏ mình là “ông hoàng” của những bộ phim đòi hỏi phần nhạc phim nhẹ nhàng, dung dị. Nhưng đặc biệt nhất là Lý Liên Kiệt bởi anh cho công chúng thấy rằng mình hoàn toàn có thể thoát khỏi cái mác “sao hành động”.

phim nhan ngay cua cha anh 4
Hình ảnh người cha Vương Tâm được Lý Liên Kiệt khắc họa đầy thuyết phục qua từng ánh mắt, cử chỉ.

Từng ánh mắt, cử chỉ lóng ngóng vụng về của một người cha thương con đều được Lý Liên Kiệt thể hiện giàu tình cảm. Có lẽ đây là lối đi mới, đúng đắn dành cho anh khi “sân chơi” phim võ hiệp giờ gần như nằm toàn bộ trong tay Chân Tử Đan.

Nữ đạo diễn Tiết Hiểu Lộ cũng thành công trong việc đưa kinh nghiệm ngoài đời của bản thân vào tác phẩm theo cách chân thật nhất, "phụ nữ" nhất. Tuy chứa đựng rất nhiều mô-típ quen thuộc (tật nguyền, mồ côi, ung thư giai đoạn cuối, mối tình câm lặng….), nhưng Thiên đường biển cả không hề sướt mướt hay thừa mứa cao trào không cần thiết.

Tất cả đều diễn ra nhẹ nhàng, thấm đẫm tình người. Mọi tình huống xung đột đều được giải quyết theo cách giản dị nhất có thể. Cái cách mà nữ đạo diễn họ Tiết "bình thường hóa" bi kịch của Đại Phúc khiến người ta không khỏi nể phục. Bộ phim có lẽ không cần nước mắt từ người xem, mà chỉ cần sự thấu hiểu, sự đồng điệu về cảm nhận và tâm hồn.

Dĩ nhiên Thiên đường biển cả chưa phải là một bộ phim hoàn hảo, như chuyện cô hề Linh Linh được xây dựng ban đầu hấp dẫn nhưng rồi đột ngột biến mất khiến người ta không khỏi hụt hẫng, nhất là khi nhân vật do Quế Luân Mỹ thể hiện.

Song, một vài khiếm khuyết nhỏ chẳng thể gây ảnh hưởng nhiều tới toàn bộ chất lượng tác phẩm. Thiên đường biển cả xứng đáng với những lời khen ngợi vì tính nhân văn, và được thưởng thức vào mỗi dịp Ngày của Cha hàng năm nhờ câu chuyện cảm động giữa Vương Tâm và Đại Phúc.

Bởi như lời của Lý Liên Kiệt đã nhận xét: “Tôi hy vọng mọi người có thể hiểu mối quan hệ quan trọng nhất trong đời là giữa cha mẹ và con cái. Với tôi, đó luôn là điều tuyệt vời nhất trên trần gian”.

Việt Phương

Ảnh: Edko Films Limited

Bạn có thể quan tâm