Được tổ chức bởi Học viện DAMO của Alibaba hợp tác với Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và Quỹ Alibaba, cuộc thi này dành cho những người đam mê Toán học trên toàn thế giới. Năm nay, trong số những thí sinh vào chung kết đến từ các trường đại học hàng đầu trên toàn cầu, Jiang Ping (17 tuổi, ở tỉnh Giang Tô) đặc biệt thu hút sự chú ý.
Với 93 điểm và xếp thứ 12, Jiang là cô gái duy nhất trong top 30, cũng là người duy nhất không nghiên cứu Toán học. Jiang đang học thiết kế thời trang tại một trường dạy nghề địa phương.
Nhưng không lâu sau khi nổi tiếng, hàng loạt chi tiết đáng ngờ liên quan đến điểm số, trình độ Toán học của Jiang lan truyền trên mạng. Cô cũng trở thành trung tâm của những bài vạch trần "thiên tài Toán học hóa ra chỉ là thánh bịp" thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội Trung Quốc.
Câu chuyện truyền cảm hứng
Khi danh sách chung kết cuộc thi Toán Alibaba được công bố vào tháng 6, Jiang Ping đã ngay lập tức trở thành hiện tượng trên Internet. Câu chuyện của cô giống như một bộ phim truyền cảm hứng: một gia đình nghèo, trình độ học vấn khiêm tốn và trí thông minh đặc biệt.
Theo cha mẹ và giáo viên, Jiang đã rất giỏi Toán từ hồi trung học, vượt xa các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, năng khiếu của cô chỉ giới hạn ở Toán, và điểm số kém ở các môn khác khiến cô chỉ có thể theo học trường dạy nghề. Cô đăng ký học Trường trung cấp nghề Liên Thủy - con đường thường được coi là ngõ cụt trong bối cảnh giáo dục cạnh tranh của Trung Quốc.
Jiang Ping đang theo học trường dạy nghề. |
Giáo viên dạy Toán Wang Runqiu, người tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Giang Tô nhưng chưa bao giờ đủ điều kiện để theo học chương trình tiến sĩ, đã nhận thấy tài năng của cô học trò trong kỳ thi hàng tháng. Wang, người cũng tham gia cuộc thi của Alibaba và xếp hạng hơn 100, đã cung cấp cho Jiang sách giáo khoa Toán nâng cao. Ông tin rằng tiềm năng của Jiang không nên bị lãng phí.
Được thầy giáo giúp đỡ, Jiang tự học Toán song song với chương trình thiết kế thời trang. Cô đã tham gia cuộc thi của Alibaba vì nghe nói ban tổ chức không có yêu cầu trình độ học vấn của thí sinh.
Ban đầu, công chúng có vẻ thích câu chuyện về một cô gái ở thị trấn nhỏ trải qua bước ngoặt kỳ diệu trong cuộc đời. Người cha 70 tuổi của cô khó có thể kiếm được hơn vài trăm nhân dân tệ/tháng, và Jiang thường làm việc vào các ngày lễ để giúp đỡ gia đình. Theo Xinjing News, đến tháng 3/2024, gia đình cô đã nộp đơn xin trợ cấp sinh hoạt phí nhưng vẫn chưa nhận được.
Sau khi câu chuyện của Jiang lan truyền, khoản trợ cấp đã được chấp thuận ngay lập tức. Ngôi làng và trường học của cô trở thành điểm nóng mới cho những người có sức ảnh hưởng. Các vlogger đổ xô đến nhà cô để quay video TikTok, và thậm chí khách du lịch từ các tỉnh khác cũng đến huyện Liên Thủy chỉ để chụp ảnh tại trường học của Jiang.
Bài toán đáng ngờ và sự hỗn loạn trên Internet
Ngay sau khi những thí sinh lọt vào chung kết được công bố và cái tên Jiang Ping lan truyền trên mạng xã hội, các cuộc thảo luận trực tuyến đặt câu hỏi về khả năng Toán học của cô cũng bắt đầu xuất hiện trên các diễn đàn như Zhihu.
Trung tâm của các cuộc thảo luận này là một cảnh trong video chính thức do Alibaba công bố, trong đó Jiang được nhìn thấy đang cầm một tờ giấy nháp và giải một bài toán trên bảng đen. Vào ngày 18/6, một bài đăng phân tích clip này của thầy luyện thi nổi tiếng Zhao Bin đã trở thành xu hướng trên Weibo.
Zhao, người đã tham gia cuộc thi Alibaba 3 lần và đều vào chung kết, khẳng định rằng 99,99% tài năng của Jiang là bịa đặt. Ông nêu nghi ngờ về quá trình giải bài của Jiang trên bảng đen, chỉ ra những vấn đề như "tập xác định không chính xác" và "ký hiệu vi phân được viết sai chỗ".
Ông kết luận rằng Jiang không quen giải những câu hỏi Toán học này và có thể chỉ sao chép câu trả lời từ giấy nháp ra bảng. Zhao còn cáo buộc giáo viên Wang dàn dựng, thổi phồng hình ảnh thiên tài của Jiang để quảng bá bản thân là người cố vấn tài giỏi.
Zhao cũng tuyên bố rằng nếu ông sai, Jiang thực sự là một thần đồng Toán học và có thể đỗ đại học, ông sẽ đích thân trả học phí cho cô.
Nhiều người có ảnh hưởng trong lĩnh vực Toán học liên tục chỉ ra những lỗi sai trong cách giải bài của Jiang. |
Ngày 19/6, 39 thí sinh của cuộc thi Alibaba đã gửi đơn kiến nghị lên ban tổ chức. Bên cạnh những vấn đề mà Zhao nêu ra, họ còn đề cập đến một điểm gây tranh cãi khác. Một giáo viên đã xem bài thi của Jiang nhận xét rằng cô "sử dụng thành thạo LaTeX" khi trả lời câu hỏi. LaTeX là hệ thống sắp chữ phổ biến được sử dụng với các tài liệu khoa học. Thế nhưng, trong clip Alibaba công bố, bài viết của Jiang có một số lỗi cơ bản liên quan đến cách viết, sắp xếp ký tự.
Giáo sư Yuan Xinyi của Đại học Bắc Kinh cũng đã đề cập đến vấn đề này trong một bài phân tích dài trên Zhihu, trong đó ông lập luận rằng với tư cách là một sinh viên trường nghề, Jiang không thể sử dụng thành thạo LaTeX.
Trong đơn kiến nghị, 39 thí sinh đưa ra những yêu cầu cụ thể, bao gồm việc công khai các bài thi của Jiang để tất cả những người vào chung kết xem xét và yêu cầu một cuộc điều tra độc lập của bên thứ ba.
Hiện tại, việc Alibaba và Damo Academy chưa có động thái giải quyết nghi ngờ tiếp tục làm dấy lên nhiều tin đồn hơn nữa.
Jiang cũng không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về vấn đề này. Ngày 22/6, cô đã tham gia vòng chung kết cuộc thi Toán của Alibaba. Kết quả chung cuộc sẽ được công bố vào tháng 8 tới.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.