Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiên tài trẻ rời quê hương, 38 tuổi thành giáo sư ĐH top 1 thế giới

Từ Thần Dương là thiên tài Toán học của Trung Quốc. Sau 6 năm, cống hiến tại Đại học Bắc Kinh, anh quay lại Mỹ trở thành giáo sư Toán học tại Viện Công nghệ Massachusett (MIT).

Từ Thần Dương (sinh năm 1981) sinh ra trong gia đình trí thức ở Trùng Khánh (Trung Quốc). Anh ược mệnh danh là thiên tài Toán học ở Trung Quốc nên bố mẹ luôn hy vọng tương lai Thần Dương sẽ thành công. Từ nhỏ, anh bộc lộ sự nhạy cảm với các con số. Bất kể đang làm gì khi nghe bố đọc số Thần Dương lập tức dừng lại hỏi han.

Tài năng Toán học thiên bẩm

Nhận ra tài năng Toán học của con, bố Thần Dương bắt đầu áp dụng các phương pháp giáo dục. Ông mua sách giáo khoa Toán tiểu học cho anh ở tuổi lên 4. Sau 2 tháng, Thần Dương đã đọc xong toàn bộ sách.

4 tuổi, Thần Dương tính toán cộng và trừ trong phạm vi 100 chính xác. Lúc này, anh trở thành thần đồng trong mắt mọi người. Khi đi học, thành tích của anh luôn đứng đầu.

thien tai tre anh 1

Giáo sư Toán học Từ Thần Dương. Ảnh: Baidu.

Để thỏa mãn sự tìm tòi và học hỏi, bố đăng ký cho Thần Dương vào lớp đào tạo bồi dưỡng Toán học. Mặc dù, nội dung khóa học vượt quá sức, anh vẫn hứng thú "như cá gặp nước". Về sau, việc giải bài khó trở thành niềm vui lớn nhất của Thần Dương. Tuy nhiên, vì tập trung học Toán, anh bỏ bê nhiều môn, trong đó Tiếng Anh trở thành bài toán khó nhất.

Lên cấp 2, để theo kịp chương trình học và nâng cao điểm kiểm tra, Thần Dương phải giảm tần suất học Toán để tập trung vào Tiếng Anh. Với sự chăm chỉ, anh liên tục giành được giải thưởng các cuộc thi Toán và góp mặt trong đội tuyển Toán tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).

Sau khi gia nhập đội tuyển, Thần Dương có cơ hội tham gia Cuộc thi Toán trại đông tỉnh Tứ Xuyên. Tại đây, anh vượt qua giới hạn bản thân và giành chiến thắng chung cuộc. Thành tích này giúp Thần Dương đủ điều kiện tham gia cuộc thi Toán Olympic quốc tế.

Đây cũng là cơ hội giúp anh đỗ vào đại học top 1 ở Trung Quốc. Xác định mục tiêu của bản thân, anh dành tâm huyết và thời gian vào Toán học. Đạt thành tích tốt tại các cuộc thi trong nước và quốc tế, năm 1999, anh được tuyển thẳng vào khoa Toán của Đại học Bắc Kinh.

Bước chân vào Đại học Bắc Kinh là mơ ước to lớn của Thần Dương. Không ngủ quên trên chiến thắng, lên đại học, anh vẫn nỗ lực học và nghiên cứu. Phần lớn thời gian anh dành để nghiên cứu hoặc đọc sách ở thư viện.

Bằng sự nỗ lực, năm 2002, Thần Dương tốt nghiệp đại học. Đồng nghĩa với việc anh đã hoàn thành chương trình đại học trong 3 năm. Sau đó, anh học lên thạc sĩ và tốt nghiệp ở tuổi 23. Chưa hài lòng với thành tích của bản thân, Thần Dương tìm cách xin học bổng tiến sĩ tại Mỹ.

Khó khăn đầu tiên anh gặp phải là tiếng Anh không tốt. Tuy nhiên, được sự động viên của thầy cô cùng những cố gắng không ngừng nghỉ, cuối cùng, anh trúng tuyển vào hệ tiến sĩ tại Đại học Princeton (Mỹ).

Đối với anh, thời gian học tiến sĩ là hạnh phúc nhất, bởi Đại học Princeton (Mỹ) là nơi quy tụ những giáo sư đoạt giải Nobel Toán học. Việc giao tiếp với họ giúp Thần Dương được đắm mình trong vẻ đẹp của tri thức. Đồng thời, nơi đây cũng góp phần tạo ra bước đột phá lớn trong nghiên cứu học thuật của Thần Dương.

Năm 2008, anh nhận bằng tiến sĩ Toán học tại Đại học Princeton dưới sự hướng dẫn của giáo sư János Kollár. Nhận được sự động viên của các giáo sư, sau khi tốt nghiệp Thần Dương đến Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tham gia chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ.

Quá trình đó, anh nhận được lời mời của nhiều đại học hàng đầu Mỹ về làm giảng viên. Cân nhắc kỹ lưỡng, anh lựa chọn giảng dạy tại Đại học Utah (Mỹ). Nhưng chỉ sau một năm, anh quyết định từ bỏ mọi sự chiêu mộ tại Mỹ để về nước cống hiến ở tuổi 31.

Rời quê hương sang nước ngoài cống hiến

Về nước năm 2012, anh nhận được lời mời của giáo sư Điền Cương - người giúp Thần Dương đến Đại học Princeton (Mỹ). Giáo sư nói với Thần Dương: "Thầy hy vọng em sẽ tham gia giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh". Để báo đáp công ơn và bày tỏ lòng biết ơn với thầy, anh đồng ý không suy nghĩ.

Anh có nhiều đóng góp đáng kể trong quá trình giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh. Năm 2013, anh trở thành giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Toán học Quốc tế Bắc Kinh. Năm 2014, anh nhận tài trợ từ Quỹ Khoa học quốc gia dành cho Học giả trẻ xuất sắc và được Quỹ học giả Trường Giang tại Đại học Bắc Kinh vinh danh là Giáo sư xuất sắc.

Năm 2016, anh nhận được giải thưởng Khoa học và Công nghệ Thanh niên Trung Quốc lần thứ 13. Ngoài ra, Thần Dương còn là chủ nhân của giải Vàng Ramanujan. Năm 2017, anh vinh dự là giáo sư trẻ duy nhất tại Trung Quốc nhận được giải thưởng Henri Poincaré được tài trợ bởi Quỹ Daniel Iagolnitzer trị giá một triệu USD (24 tỷ đồng).

thien tai tre anh 2

Thiên tài Toán học của Trung Quốc rời quê hương để quay lại Mỹ cống hiến. Ảnh: Baidu.

Loạt giải thưởng này giúp Thần Dương nổi tiếng trong giới học thuật. Anh còn là nhà nghiên cứu đại số quyền lực nhất trong cộng đồng Toán học ở Trung Quốc. Thời điểm đó, mọi người cho rằng anh sẽ dẫn dắt khoa Toán của Đại học Bắc Kinh lên một tầm cao. Tuy nhiên, sau 6 năm làm việc ở Trung Quốc, giáo sư trẻ quyết định từ bỏ để quay lại Mỹ.

Trở lại Mỹ, năm 2019, Thần Dương vinh dự giành giải thưởng Chân trời mới vì những đóng góp trong ngành Toán học. Với những cống hiến trong lĩnh vực Hình học và Đại số, năm 2020, anh trở thành thành viên của Hiệp hội Toán học Mỹ.

Năm 2021, anh tiếp tục nhận giải thưởng Cole về đại số. Hiện, Thần Dương là giáo sư Toán học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn

Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.

Người được mệnh danh 'tiến sĩ trẻ nhất Trung Quốc' bây giờ ra sao?

Từng học tiến sĩ khi chỉ mới 16 tuổi, Trương Hân Dương lại trượt dài vì được nuông chiều quá mức và hiện phải ăn bám cha mẹ, không có công việc ổn định.

https://vietnamnet.vn/thien-tai-tre-roi-que-huong-38-tuoi-thanh-giao-su-dai-hoc-top-1-the-gioi-2250630.html

Thắm Nguyễn / VietNamNet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm