Thiệp mời phản cảm, xu hướng 'PR hiệu quả mà rẻ tiền'
Việc lạm dụng hình ảnh nóng bỏng của các nhà tổ chức khiến ranh giới giữa gợi dục và thẩm mỹ bị san bằng.
Bộ thiệp mời Ðêm hội chân dài 7 với bức hình bán nude chủ đạo gây tranh cãi. |
Theo một nhà thiết kế đồ họa tại TP.HCM, thiệp mời của "Ðêm hội chân dài 7" được thiết kế khá độc đáo như một bì thư cỡ lớn, tạo được ấn tượng ban đầu với người nhận. Tuy nhiên, hình ảnh chính mà thiệp sử dụng đang gây nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau trên cộng đồng mạng. Một lần nữa, ranh giới giữa gợi dục và thẩm mỹ lại cho thấy sự mong manh.
Gợi dục và thẩm mỹ
Có thể thấy việc sử dụng hình ảnh người mẫu nude trong các sự kiện của showbiz không quá xa lạ với thế giới cũng như tại Việt Nam. Rõ ràng, không phải hễ nude thì dung tục, phản cảm. Tạp chí uy tín Vanity Fair thường chụp và đăng bìa hình ảnh nude các ngôi sao nổi tiếng. Nhiều bức ảnh được giới chuyên môn lẫn công chúng thừa nhận tính thẩm mỹ và nét đẹp. Việc cân nhắc góc chụp, tư thế chụp sao cho tôn vinh được nét đẹp tạo hóa, cơ thể hoàn hảo của nghệ sĩ mà không gây “chướng mắt” cũng thể hiện được động cơ và trình độ của những người thực hiện tác phẩm (nhiếp ảnh gia, chuyên viên trang điểm, người mẫu, người thiết kế hình ảnh…).
Trong làng showbiz Hoa ngữ (Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan) từng có chiến dịch “dải lụa hồng” do tạp chí Trends Health phát động nhằm mục đích ủng hộ, chăm sóc sức khỏe phụ nữ. Hình ảnh các nghệ sĩ xuất hiện với trạng thái nude “hở mà kín” đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ khán giả.
Tương tự là bộ hình bán khỏa thân 44 ngôi sao của TVB Hong Kong mục đích thông báo khéo léo đến khán giả biết các diễn viên còn lại hợp tác với TVB trong khoảng thời gian đài truyền hình nổi tiếng này gặp cuộc khủng hoảng nhân sự nghiêm trọng. Hay các hoạt động của Hiệp hội bảo vệ động vật PETA cũng rất thường xuyên sử dụng hình thức này để đưa ra các cảnh báo, thông điệp nhân văn. Trong mắt công chúng, ở những trường hợp nude trên, việc các nghệ sĩ cởi đồ chụp ảnh là một sự hy sinh cho một mục tiêu ít nhiều cao đẹp.
Thế nhưng với showbiz Việt, ở đâu có nude thì ở đó có dư luận. Và đó gần như cũng là mục đích chính của những cá nhân, tập thể sử dụng đến hình thức gây chú ý này. Tuy nhiên, ngay khi những hình ảnh nude gắn liền với sự kiện được ra mắt thì kết quả (hay hậu quả) nhận được sau đó không phải ai cũng lường hết được. Đó là khi những bức ảnh nude được chụp với tay nghề thấp, phơi bày “hàng” lộ liễu, kém thẩm mỹ.
Ảnh nude của Ngọc Quyên, Tina Tình, Tiến Đoàn, Chung Thục Quyên, Hồng Quế, Linh Phương… lần lượt được tung lên các trang tin mạng. Có khi đương sự gặp không ít rắc rối sau khi những bộ ảnh nude phô bày trước công chúng. Ngày 8/5, khi chúng tôi phỏng vấn một vài người mẫu từng bị dư luận “ném đá” khi hình nude của họ tung lên mạng thì họ đều từ chối trả lời, từ chối bình luận và “không muốn nhắc đến việc này bất cứ lần nào nữa”.
Trò “PR rẻ tiền mà hiệu quả”
Trở lại với tấm thiệp mời Ðêm hội chân dài 7, ảnh nude này không phải xuất hiện trong một cuộc triển lãm cụ thể hay đăng trên các tạp chí “tươi mát”, nhưng vẫn để lại không ít băn khoăn. Công chúng không thể không đặt câu hỏi nếu như không có những hình ảnh nude thì sự kiện Ðêm hội chân dài 7 có thu hút sự quan tâm?
Rõ ràng tác dụng gây chú ý dư luận của tấm ảnh bán nude của 19 người mẫu trên tấm thiệp là có. Thiệp mời cũng là một khâu quan trọng trong việc tổ chức một chương trình nghệ thuật và không thể phủ nhận rằng nó phần nào mang giá trị thể hiện nội dung chương trình đó.
Vì vậy, sự câu khách lộ liễu, phần nào “lập lờ đánh lận con đen” của nhà tổ chức Ðêm hội chân dài 7 khiến dư luận phản ứng bởi chắc chắn chương trình này không thể xuất hiện các người mẫu biểu diễn khỏa thân như chính hình ảnh mà các người mẫu phô bày “quảng cáo” ở thiệp mời.
Trước đây, nhiếp ảnh gia Thái Phiên từng bày tỏ quan điểm về việc giới nghệ sĩ, người mẫu có nhiều người đẹp tung ra ảnh khỏa thân gây ồn ào dư luận là “một cách PR rẻ tiền mà lại hiệu quả”. Tấm thiệp mời Ðêm hội chân dài 7 có lẽ là minh họa mới nhất cho hiện tượng “rẻ tiền, hiệu quả” giữa chốn showbiz Việt còn nhiều bất cập này. Phía nhà quản lý, như ông Võ Trọng Nam - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM, trả lời báo phỏng vấn đã cho rằng “thiệp mời này phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục VN”.
Dẫu sao thì hình ảnh những nghệ sĩ Việt xuất hiện với trạng thái nude đều khiến khán giả e dè khi tiếp nhận dù trong đám đông không hề hoàn toàn sự cực đoan hay bảo thủ, khắt khe. Với ảnh nude, ranh giới giữa nghệ thuật - phản cảm luôn mong manh nên khi sử dụng nó không khéo, hoặc phục vụ cho một ý đồ thiếu trung thực nào đó sẽ trở nên rất dễ “phô”, dễ bị dư luận dị ứng.
Lại chợt nhớ nhiếp ảnh gia Thái Phiên từng xem tình trạng ảnh nude dung tục được tung ra tràn lan trong giới giải trí hiện nay là loại “cỏ dại” và “nếu muốn hạn chế cỏ dại thì hãy trồng thật nhiều hoa”. Bao giờ thì showbiz Việt mới có nhiều hơn những tác phẩm nude mang tính nghệ thuật cao, hướng người thưởng ngoạn nghĩ đến “chân - thiện - mỹ”, được dư luận thừa nhận hoặc mang thông điệp nhân văn nào đó?
Theo Tuổi Trẻ